Sự gắn bó của khách hàng là yếu tố giúp ngân hàng gia tăng biên lãi ròng

Sự gắn bó của khách hàng là yếu tố giúp ngân hàng gia tăng biên lãi ròng

Ngân hàng: Chuyển đổi số bù đắp biên lãi ròng giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhằm bù đắp sự suy giảm của lãi suất cho vay do miễn, giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

NIM tăng giúp ngân hàng lãi cao

Số liệu kết quả kinh doanh của 17 ngân hàng niêm yết cho thấy, tổng thu nhập lãi thuần trong quý II/2021 tăng trưởng 46,1% nhờ nền tăng trưởng thấp của quý II/2020 và được hỗ trợ bởi tín dụng tăng 18,4% so với cùng kỳ, đặc biệt là biên lãi ròng (NIM - mức độ hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay) bình quân tăng 109 điểm cơ bản.

Trong quý II/2021, thu nhập ngoài lãi tăng 36,4% nhờ thu nhập phí thuần tăng 53%; tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) bình quân giảm từ 36,1% xuống 34,8%. Trong khi đó, tổng chi phí dự phòng tăng 89,5% so với cùng kỳ, chiếm 42,7% lợi nhuận hoạt động trước dự phòng. Do vậy, tổng lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết quý II/2021 tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn mức tăng 77,3% của quý I/2021. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2021, tổng lợi nhuận ròng của 17 ngân hàng tăng 55,5% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia phân tích, hầu hết ngân hàng niêm yết đều ghi nhận NIM mở rộng trong 6 tháng đầu năm 2021 nhờ 3 yếu tố: thứ nhất, tỷ trọng dư nợ bán lẻ tăng; thứ hai, hạn mức tín dụng (room) thấp khiến mức độ cạnh tranh trong cấp tín dụng giảm xuống; thứ ba, sự quản lý chặt chẽ làm hạn chế hoạt động cho vay lãi ngoài. Theo đó, chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm của tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA). Ước tính, ROA giảm 43 điểm cơ bản, trong khi chi phí vốn giảm 120 điểm cơ bản.

NIM toàn ngành chạm mức đỉnh ngắn hạn ở nửa đầu năm 2021 do đà giảm không tương xứng của lợi suất tài sản và chi phí huy động. Tuy nhiên, NIM đã đảo chiều trong quý III/2021 do các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống. Các tổ chức tín dụng đã cấu nợ cho 630.000 khách hàng, với dư nợ 582.000 tỷ đồng, trong đó BIDV là 48.360 khách hàng và dư nợ 99.000 tỷ đồng.

“Theo tính toán của chúng tôi, tổng số tiền các tổ chức tín dụng giảm doanh thu/lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng khoảng 84.000 tỷ đồng trong 2 năm qua, năm 2020 là 30.600 tỷ đồng và năm 2021 là 54.000 tỷ đồng. Riêng BIDV, năm 2020 là 6.400 tỷ đồng và năm 2021 là 7.900 tỷ đồng”, ông Tú nói.

Ông Phan Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết, Agribank chủ động cắt giảm chi phí hoạt động 10%, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng và giảm, miễn phí dịch vụ thanh toán với tổng mức giảm khoảng 6.500 tỷ đồng.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng (Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, SHB, Techcombank, ACB, VPBank, TPBank, Sacombank, HDBank, MSB, LienVietPostBank, SeABank, VIB) là 18.095 tỷ đồng.

NIM giảm là điều đã được lãnh đạo các ngân hàng dự liệu sẽ tạo áp lực lên tăng trưởng thu nhập lãi trong 6 tháng cuối năm 2021. Thực tế cho thấy, hầu hết tăng trưởng lợi nhuận tính đến hết quý III/2021 của các ngân hàng phản ứng rất “nhạy” với NIM, đặc biệt những ngân hàng có phân khúc rủi ro cao.

Mặc dù vậy, cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra. Cơ cấu tiền gửi của một số ngân hàng thay đổi theo hướng bền vững do được tài trợ bởi tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tiết kiệm ngắn hạn tăng, trong khi lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, tỷ lệ CASA dự kiến tiếp tục xu hướng tăng. Tất nhiên, tốc độ tăng trưởng và tính ổn định sẽ khác nhau giữa các ngân hàng, dựa trên phân khúc và loại hình khách hàng.

“CASA tăng sẽ cải thiện biên NIM, giúp giảm chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn”, bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc Khối Quản trị tài chính và Nguồn vốn SCB nói và cho rằng, ngân hàng có hệ sinh thái mạnh, công nghệ và chất lượng dịch vụ tốt sẽ tăng tính gắn kết ở khách hàng và giúp xây dựng nền tảng huy động mạnh, đảm bảo tính ổn định của nguồn vốn, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn trong môi trường lãi suất biến động.

Phát triển ngân hàng số để giữ khách hàng

Trong cuộc đua phát triển ngân hàng số hiện nay, các ngân hàng đều có thể tiếp cận những công nghệ mới nhất. Do đó, những ngân hàng am hiểu khách hàng và phát triển dịch vụ phù hợp dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại mới có thể vượt lên.

Ông Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Vận hành và Công nghệ SCB cho hay, SCB đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thế hệ mới nhằm thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. SCB đã hợp tác với BPC, một đối tác có hiểu biết sâu rộng về thị trường, cung cấp nền tảng toàn diện và có thể mở rộng, giúp Ngân hàng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm vượt trội cho khách hàng.

Tại VPBank, đầu tháng 12/2021, ngân hàng này ra mắt VPBank NEO Express, hệ thống các điểm giao dịch (kiosk banking) có khả năng cung cấp hầu như tất cả các dịch vụ ngân hàng như một phòng giao dịch truyền thống, nhưng được vận hành tự động bởi máy móc và các công nghệ hiện đại. Vì vậy, hệ thống kiosk banking luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng ở bất cứ thời điểm nào mà không bị cản trở bởi giờ giao dịch hành chính hoặc những hạn chế về nguồn nhân lực.

Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng Việt Nam hiện nay không thua kém bất cứ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở các nước phát triển.

Đại diện của VPBank cho biết, khách hàng ngày nay, với sự hiểu biết về công nghệ, đang kỳ vọng vào những sự khác biệt và những trải nghiệm số mới mẻ hơn đối với các dịch vụ ngân hàng đang gắn liền với mọi hoạt động hàng ngày của họ.

“Khách hàng muốn sự tiện lợi, nhanh chóng, không muốn chịu những ràng buộc hay giới hạn về thời gian. Khách hàng thích sử dụng công nghệ, muốn được phục vụ và cung cấp dịch vụ ngân hàng bất cứ lúc nào họ muốn. Việc của chúng tôi là đưa ra những sản phẩm, giải pháp đáp ứng những mong muốn đó”, đại diện VPBank nói.

Trong diễn biến có liên quan, BAC A BANK vừa triển khai sản phẩm thẻ ghi nợ nội địa tích hợp công nghệ thẻ chip chuẩn VCCS không tiếp xúc (Chip Contactless). Với biểu tượng cột sóng wifi trên mặt trước thẻ, khách hàng chỉ cần để thẻ gần máy POS/mPOS có biểu tượng Contactless để thanh toán, thay vì quẹt thẻ như cách thức truyền thống. Ngoài ra, khách hàng có thể bỏ qua các bước nhập PIN (mật khẩu) đối với các giao dịch có giá trị dưới 1 triệu đồng.

Đẩy nhanh tốc độ xử lý, rút ngắn thời gian giao dịch, tăng cường tính bảo mật, giảm thiểu nguy cơ sao chép hoặc giả mạo thẻ, hạn chế tiếp xúc, đảm bảo khoảng cách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp… là những ưu thế mà BAC A BANK Chip Contactless mang tới cho khách hàng.

Bà Vũ Thanh Thuỷ, Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ BAC A BANK chia sẻ: “Ngân hàng luôn xây dựng chính sách sản phẩm dựa trên lợi ích khách hàng, với mong muốn hoàn thiện các trải nghiệm dịch vụ thuận tiện nhất, đáp ứng nhu cầu khách hàng từ cơ bản nhất và giúp khách hàng an tâm tận hưởng nhiều tiện ích vượt trội”.

Chủ tịch BIDV nhấn mạnh: “Ngành ngân hàng luôn chủ động trong đầu tư ứng dụng công nghệ, đi đầu trong chuyển đổi số phục vụ khách hàng, phục vụ nền kinh tế và quản trị nội bộ. Có thể khẳng định, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng Việt Nam hiện nay không thua kém bất cứ sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở các nước phát triển, trừ các sản phẩm, dịch vụ mà hành lang pháp lý Việt Nam chưa cho phép”.

Có thể thấy, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để thu hút tiền gửi không kỳ hạn nhằm bù đắp sự suy giảm của lãi suất cho vay khiến NIM giảm, nhưng quá trình này được nhìn nhận cần nhiều thời gian để hoàn thành.

Tin bài liên quan