Ngân hàng chưa vội bán nợ xấu cho VAMC

Ngân hàng chưa vội bán nợ xấu cho VAMC

(ĐTCK) Lãnh đạo một số ngân hàng cho biết, họ chưa thực sự hiểu hết về cơ chế của VAMC và những rủi ro có thể gặp phải khi bán nợ. Do đó, từ từ rồi tính!

>> Bán nợ cho VAMC: “Rục rịch” chuyển động

>> Bán nợ cho VAMC, ngân hàng phải qua nhiều ải  

Bà Karin Finkelston, Phó chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á -Thái Bình Dương cho rằng, hệ thống ngân hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn như phân bổ nguồn vốn không hiệu quả, cách thức mà các ngân hàng đang quản trị và đánh giá rủi ro cần phải được thay đổi, cải cách ngay. Đặc biệt, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, đây là khó khăn lớn nhất và cũng là vấn đề thu hút được sự chú ý nhất hiện nay.

Trong nửa đầu năm 2013, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tính đến 30/6/2013 đã giảm so với thời điểm 31/12/2012 như BIDV giảm từ 2,77% xuống 2,57%; VPBank từ 2,72% xuống 2,62%; TienPhong Bank giảm từ 3,47% xuống 2,77%; OCB giảm từ 2,8% xuống 2,5%; Southern Bank giảm từ hơn 3% xuống 2,77%.

Ngân hàng chưa vội bán nợ xấu cho VAMC ảnh 1

Tỷ lệ nợ xấu trên 3% buộc phải bán nợ cho VAMC

Ngược lại, không ít ngân hàng có nợ xấu tiếp tục tăng, với đặc điểm chung là tốc độ tăng nợ xấu cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng từ 2,26% thời điểm 31/12/2012 lên 2,81% thời điểm 30/6/2013. Tương tự, nợ xấu tại VietinBank tăng từ 1,46% lên 2,1%; Eximbank từ 1,32% lên 1,49%; Sacombank từ 1,89% lên 2,5%; MB từ 1,86% lên 2,45%; ACB từ 2,5% lên gần 3%; SHB từ 8,51% lên 9,04%; Techcombank từ 2,69% lên 5,28%; Navibank từ 5,6% lên 6,1%.

Khảo sát gần đây của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong số 124 tổ chức tín dụng (TCTD) có xấp xỉ 30 TCTD khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%. Hơn thế, có trên 50% TCTD dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, với khoảng 80% ngân hàng công bố con số nợ xấu trên các phương tiện thông tin truyền thông, chỉ có 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng tính đến tháng 5/2013 từ NHNN (qua tổng hợp báo cáo của các thành viên) ở mức 4,65%. Đó là chưa kể con số qua giám sát từ xa của Cơ quan thanh tra giám sát còn cao hơn. Rõ ràng, nợ xấu là câu chuyện vẫn đang rất nóng.

“NHNN đang yêu cầu từng TCTD soát xét, tổng hợp lại số liệu về nợ xấu của đơn vị mình và báo cáo lên NHNN. Trên cơ sở đó rồi đi đến xử lý cụ thể từng trường hợp còn tùy thuộc chiến lược của ngân hàng, thực trạng từng món nợ để lựa chọn một giải pháp thực sự phù hợp”, Chủ tịch HĐQT một NHTM cổ phần nói.

“Ban lãnh đạo ngân hàng cũng muốn bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC), nhưng để các ngân hàng khác thực hiện trước xem thế nào đã. Không chỉ riêng ngân hàng tôi, mà nhiều ngân hàng khác đều đang thăm dò là chính. Nếu có lợi mới thực hiện bán nợ xấu cho VAMC, còn nếu không thì sẽ tự xử lý”, tổng giám đốc một NHTM cổ phần chia sẻ.

Bà Karin Finkelston cho hay, VAMC được lập ra ở một thời điểm khá hợp lý, khi đã có rất nhiều nước rơi vào tình trạng nợ xấu tương tự như Việt Nam . Kinh nghiệm quốc tế có rất nhiều để Việt Nam học tập như cần phải thực sự quyết đoán trong việc đưa ra và thi hành các quy định về an toàn vốn, tài sản thế chấp. Sau đó, có kế hoạch bán đấu giá lại các tài sản là nợ xấu cho các tổ chức có đủ năng lực để giải quyết…

“Vì thế, điều đầu tiên VAMC cần làm là nhìn vào những kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là những nước đã giải quyết được nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả như Thái Lan. Các ngân hàng của họ đã giải quyết được nợ và vượt qua phương pháp kiểm định khả năng tồn tại bền vững bằng việc giả định những kịch bản khác nhau trong một thời gian ngắn”, bà Karin nói.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng còn chần chừ trong việc bán lại nợ xấu cho VAMC là có lý do. Thứ nhất, quy định cụ thể về việc mua bán nợ xấu như thế nào? Thứ hai, các TCTD đang trong quá trình rà soát danh mục tín dụng, không loại trừ khả năng các ngân hàng tự xử lý được nợ xấu sau rà soát. Thứ ba, các TCTD còn phải nghe ngóng về năng lực xử lý nợ xấu của VAMC.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng công bố dưới 3% đều không phải là con số thực. Tất cả các TCTD Việt Nam , con số nợ xấu đều trên 3%. Phần lớn ông chủ của các tập đoàn sở hữu ngân hàng có nợ xấu cũng đồng thời là con nợ, nên thông thường không muốn bán nợ. Nhưng với tỷ lệ nợ xấu trên 3%, các ngân hàng đều buộc phải bán nợ cho VAMC, dù muốn hay không.

“Liên quan đến việc buộc các TCTD bán nợ xấu trên 3% cho VAMC, tôi tin NHNN sẽ làm rất mạnh tay”, TS. Nghĩa nói.