Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục được thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến hết ngày 31/12/2020 như quy định tại Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg.
Hiện nay mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 8,25%/năm. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
Sau 5 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã có trên 1,4 triệu lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay gần 62.000 tỷ đồng; trong đó ưu tiên tập trung vốn cho hộ mới thoát nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; thu hút, tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 07/11 nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (như: chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội, đổi mới các hình thức sản xuất,…) và 08/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (như: thu nhập, lao động có việc làm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật,...).
Tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo đã giải quyết triệt để vòng luẩn quẩn “nghèo - vay vốn - thoát nghèo - trả vốn - tái nghèo”; đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Tại báo cáo số 1654/BC-UBVĐXH ngày 10/10/2018 về việc thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hai năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13, Ủy ban về các Vấn đề xã hội Quốc hội khóa XIV đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục khẳng định hiệu quả thiết thực và là điểm nhấn trong công tác giảm nghèo, nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được tăng cường từ nhiều nguồn đa dạng”.