Như vậy, sau 1 năm được chấp thuận cho triển khai sớm Basel II theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, đến nay, Ngân hàng Bản Việt tiếp tục là một trong những ngân hàng đầu tiên hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II so với thời hạn yêu cầu của Thông tư 13/2018/TT-NHNN.
ICAAP là quy trình toàn diện giúp ngân hàng tự thực hiện đánh giá mức đủ vốn để không chỉ đảm bảo tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu kinh doanh đã đề ra phù hợp với khẩu vị rủi ro và chiến lược quản lý rủi ro.
Phát biểu tại buổi lễ nghiệm thu, đại diện Ngân hàng Bản Việt, bà Văn Thành Khánh Linh - Giám đốc khối Quản lý rủi ro cho biết, Ngân hàng Bản Việt luôn đặt các yếu tố bền vững, chất lượng bên cạnh yếu tố tăng trưởng. Vì vậy, Ngân hàng rất chú trọng việc triển khai và áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý rủi ro.
Bên cạnh việc đảm bảo bám sát các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN, Ngân hàng cũng chủ động tham khảo các chuẩn mực, hướng dẫn được khuyến nghị bởi Ủy ban Basel, đồng thời hợp tác cùng đơn vị tư vấn uy tín như KPMG để nhanh chóng hoàn thiện lộ trình đặt ra.
Đại diện KPMG, ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Giám đốc Tư vấn dịch vụ tài chính ngân hàng cho rằng, việc áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quản lý rủi ro quốc tế là yêu cầu tiên quyết để các ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro cũng của mình.
Trong thời gian qua, bằng kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn quản lý rủi ro ở thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam của mình, KPMG đã tư vấn thành công cho rất nhiều các ngân hàng và tổ chức tài chính.
"Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ cũng như chiến lược hoạch định rất rõ ràng của ngân hàng Bản Việt khi cùng chúng tôi triển khai dự án quan trọng này", ông Vinh nói.
Việc hoàn thành và áp dụng sớm cả 3 trụ cột quan trọng của Basel II đã cho thấy sự quan tâm đầu tư trong lĩnh vực quản lý rủi ro để đảm bảo tính cân bằng của 3 yếu tố “tăng trưởng - bền vững - chất lượng” trong hoạt động của Ngân hàng Bản Việt. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao năng lực quản trị rủi ro cũng như năng lực cạnh tranh của ngân hàng Bản Việt.
Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận trước thuế quý III/2020 của Ngân hàng Bản Việt đạt 76 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2019.
Lũy kế 9 tháng, tổng thu nhập Ngân hàng tăng 21%; lợi nhuận trước thuế đạt 138 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ, hoàn thành 69% kế hoạch của cả năm.
Tính đến 30/9/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 55.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Dư nợ cho vay đạt hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2019 và tăng 12% so với đầu năm; huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019 và tăng 10% so với đầu năm.
Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng là 2,98%, còn nếu tính cả dư nợ trái phiếu thì tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,85%, tăng nhẹ so với cuối năm 2019.
Cổ phiếu BVB của Ngân hàng Bản Việt trong phiên giao dịch chiều ngày 13/11 ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu so với giá chào sàn ngày 9/7/2020 ở mức 10.700 đồng/cổ phiếu.