Tự tin với kế hoạch lợi nhuận
Câu chuyện tăng trưởng tín dụng năm 2021 là vấn đề nóng của ngành ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng dư nợ, thấp nhất là 8%, tối đa là 12%, mục tiêu là 10 - 12%. Hạn mức tín dụng được phân bổ xuống từng nhà băng, cao nhất không quá 12%.
Mức tăng trưởng tín dụng ở kịch bản thấp nhất nhiều khả năng sẽ trở thành định hướng của cơ quan quản lý. Thế nhưng, không ít ngân hàng đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức cao như VIB là 31%, MSB là 25%, OCB là 20%, Vietcombank là 12%..., bởi kế hoạch lợi nhuận “tham vọng”. Cụ thể, OCB dự kiến đạt trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, con số này tại ACB là 10.600 tỷ đồng, VIB là 7.500 tỷ đồng, MSB là 3.280 tỷ đồng, Vietcombank là 25.200 tỷ đồng, BIDV là 13.000 tỷ đồng…, tăng mạnh so với mức thực hiện năm 2020.
Không ít ngân hàng như VIB, Vietcombank, VietinBank, ACB, MB, VPBank có nguồn thu lớn từ kinh doanh bảo hiểm.
Từ trước tới nay, hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu lợi nhuận các ngân hàng nên với động thái siết tín dụng của cơ quan quản lý, cổ đông chất vấn lãnh đạo ngân hàng tại đại hội cổ đông về tính khả thi của kế hoạch lợi nhuận cũng như mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Lãnh đạo các nhà băng tự tin cho rằng, việc cấp hạn mức tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước linh hoạt thực hiện như trong năm 2020, tức ngân hàng được nới hạn mức.
Chẳng hạn, đầu năm 2020, VIB được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, sau đó được nới, căn cứ vào các yếu tố như chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch. Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, những năm gần đây, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 23 - 30%, cao hơn nhiều mục tiêu chung của ngành, nhưng đều đạt được.
Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, mặt bằng lãi suất năm 2021 sẽ ổn định ở mức thấp, đây là điều kiện để kích cầu tín dụng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của OCB năm nay sẽ bằng năm ngoái, tăng không dưới 20%.
Trong điều kiện nền kinh tế chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Nhà nước tạm giao chỉ tiêu tăng trưởng quý I/2021 ở mức thấp cho thấy sự linh hoạt, phù hợp trong điều hành của cơ quan quản lý. Việc này không ảnh hưởng đến hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng, bởi nhu cầu vay vốn trong quý I thường thấp, sau đó sẽ tăng dần.
Kỳ vọng thu ngoài lãi
MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 25 - 30% so với năm 2020; tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao, phấn đấu ở mức cao nhất; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%; năng lực bán chéo tập đoàn đẩy mạnh, nguồn thu tăng 40 - 50%.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VNDIRECT kỳ vọng, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh và Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế.
BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 tăng hơn 40% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu không quá 1,6%. Tổng giám đốc BIDV chia sẻ, động lực tăng trưởng sẽ đến từ thu nhập ròng từ lãi và các khoản thu ngoài lãi, thu hồi nợ ngoại bảng, tiết kiệm chi phí...
Tại VIB, lãnh đạo ngân hàng này cho hay, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay tăng 29%. Ngân hàng không chỉ tập trung vào mảng tín dụng truyền thống cho vay nhà và ô tô, mà còn các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, ngân hàng số.
VIB cũng như không ít ngân hàng khác còn kỳ vọng vào “miếng bánh” kinh doanh bảo hiểm. Năm ngoái, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là động lực tăng trưởng chính mảng dịch vụ của VIB khi đóng góp hơn 41% nguồn thu (thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm năm 2020 đạt trên 1.217 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2019). Với việc ký kết hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential vào cuối năm 2015, thu nhập từ kênh bancassurance của VIB liên tục tăng trong 4 năm qua.
Với Vietcombank, SSI Research nhận định, ngân hàng này có khả năng tăng 60% thu nhập từ bancassurance trong năm 2021. Năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch tăng tài sản, tiền gửi, tín dụng lần lượt là 6%, 8% và 12%; tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ dưới 1% và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) 3,1%; lãi trước thuế tăng 12%.
Một ngân hàng khác được SSI đánh giá cao về khả năng thu lãi từ kênh bancassurance là VietinBank. Giữa tháng 12/2020, VietinBank và Manulife Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua Ngân hàng. SSI ước tính, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận hợp tác vào khoảng 350 triệu USD; thu nhập từ bancassurance của Ngân hàng sẽ tăng 30 - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.
Cuối tháng 11/2020, ACB và Sunlife ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền với mức phí trả trước 370 triệu USD (8.500 tỷ đồng), cao hơn nhiều so với mức phí mà các ngân hàng có quy mô tài sản tương đương nhận được từ hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền. Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank, mức phí trả trước cao mà ACB có được là nhờ doanh thu bán bảo hiểm đạt 939 tỷ đồng trong năm 2019, đứng thứ 6 toàn hệ thống ngân hàng.
Trong năm qua, nhiều nhà băng đã thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán chéo bảo hiểm. Chẳng hạn, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về cho MB gần 5.850 tỷ đồng năm 2020, tăng hơn 39% so với năm 2019 và chiếm hơn 71% tổng thu nhập dịch vụ của Ngân hàng. Tương tự, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm mang về khoản thu nhập hơn 2.575 tỷ đồng cho VPBank trong năm 2020.
Một số ngân hàng còn kiếm “bộn” tiền từ chứng khoán đầu tư năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục đạt kết quả khả quan trong năm 2021.
Bên cạnh đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu để giảm dự phòng, qua đó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận. Đơn cử, năm 2021, BIDV đạt mục tiêu xử lý khoảng 24.000 tỷ đồng nợ xấu.
Liên quan đến nợ xấu, Thông tư 01/2020/TT-NHNN đang được sửa đổi theo hướng các khoản nợ cơ cấu phải được trích lập dự phòng (năm ngoái chỉ ghi vào nợ nhóm 1 và thoái lãi dự thu).
Nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu sẽ tăng theo số doanh nghiệp nằm trong diện phải cơ cấu lại nợ, giãn nợ theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Đó chính là lý do các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng bao nợ xấu vào cuối năm qua. Vietcombank có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống, khoảng 377%, quỹ dự phòng rủi ro đến cuối năm 2020 là 19.344 tỷ đồng.