Trong câu chuyện với Báo Đầu tư, lãnh đạo một công ty tài chính chia sẻ: “Nếu chỉ được đòi nợ theo đúng quy định là nhắc nợ và kiện ra tòa, thì công ty tài chính không còn vốn để hoạt động. Chúng tôi bị ràng buộc rất nhiều quy định trong cho vay và đòi nợ, song pháp luật lại chưa có quy định nào để bảo vệ công ty tài chính trước những khách hàng chây ỳ, cố tình vay tiền sử dụng sai mục đích và không thiện chí trả nợ, thậm chí hành hung cả nhân viên đòi nợ của công ty”.
Đây cũng là tâm tư của nhiều công ty tài chính tiêu dùng hiện nay. Do khách vay chủ yếu là khách hàng dưới chuẩn, không có tài sản đảm bảo, nên nhiều công ty tài chính rơi vào bế tắc. Điều này dẫn đến việc, một số công ty tài chính phải đưa ra cách đòi nợ riêng nhằm thu lại khoản tiền đã bị khách hàng rắp tâm chiếm dụng. Cách thức đó, vô hình trung đã làm cho hình ảnh của tổ chức tín dụng bị xấu đi trong mắt khách hàng và dư luận.
Trong giai đoạn vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh ở nước ta hiện nay, tài chính tiêu dùng vừa góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, kích thích sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế, vừa là công cụ chống tín dụng đen, giúp phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, dưới chuẩn, không có tài sản… có thể tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Song, sự thiếu chuyên nghiệp của một bộ phận khách vay cũng như hành lang pháp lý chưa thật rõ ràng đang khiến các công ty này hoạt động trong môi trường khá rủi ro.
Trên thực tế, dù đã trải qua giai đoạn phát triển khá nóng, nhưng thị trường tài chính tiêu dùng trong nước vẫn còn rất nhiều dư địa. Giai đoạn bùng nổ hứa hẹn còn ở phía trước, với lớp khách hàng mới, xu hướng tiêu dùng mới, nhiều đối thủ cho vay mới… đang xuất hiện. Chính vì vậy, việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, qua dó nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của cả bên đi vay và bên cho vay là rất cần thiết.
Cụ thể, với người đi vay, cần đẩy mạnh giáo dục tài chính tiêu dùng, đặc biệt là về kỹ năng sử dụng vốn vay sao cho hợp lý, phương án trả nợ khả thi. Với những khách hàng chây ỳ trả nợ, cơ quan chức năng cũng cần có chế tài nghiêm khắc hơn để bảo vệ tài sản của bên cho vay.
Về phía mình, các công ty tài chính tiêu dùng cũng phải thấy rõ, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là lãi suất cho vay tài chính tiêu dùng còn khá cao, một số công ty tài chính tiêu dùng chưa thật minh bạch khi tính toán lãi suất, kỳ hạn trả nợ… khiến khách hàng bức xúc. Do đó, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin, cũng như đào tạo thêm kỹ năng giao tiếp, tư vấn cho nhân viên. Một khi khách hàng được giải thích rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình, thì họ sẽ có ý thức tuân thủ hợp đồng hơn.
Theo kinh nghiệm quốc tế, khi kiến thức, trình độ của người dân và nhân viên tài chính tiêu dùng tăng lên, thì tranh chấp ít đi, khả năng tiếp cận tài chính sẽ tăng và nợ xấu sẽ giảm.
Một vấn đề quan trọng nữa để tăng trách nhiệm trả nợ của người vay là các công ty tài chính phải đưa lãi suất về mức hợp lý. Muốn làm được điều này, các công ty tài chính phải cơ cấu lại hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ trong cho vay và quản lý rủi ro, đồng thời chủ động nghiên cứu áp dụng Big data, trí tuệ nhân tạo… nhằm giảm chi phí, mà vẫn đảm bảo cho vay an toàn, hiệu quả. Một khi lãi suất cho vay trở về mức hợp lý, thì tâm lỳ trốn trả nợ của khách hàng cũng sẽ giảm.
Với cơ quan quản lý, để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh trong và sau dịch, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý, giám sát các công ty tài chính. Đồng thời, phải khuyến khích ngày càng nhiều công ty tài chính tham gia thị trường để tăng sức cạnh tranh.
Một thị trường tài chính tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, với lãi suất hợp lý, khi bên cho vay và đi vay đều có trách nhiệm thì sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế phục hồi sau dịch.