Tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. (Nguồn: AP).
Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin ngày 3/12 thông báo chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 ở thủ đô của nước Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5/12.
Đội ngũ nhân viên thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội của thành phố sẽ là những người đầu tiên thuộc nhóm “rủi ro” được tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.
Thành phố Moskva đã thiết lập dây chuyền công nghệ và tổ chức tiêm chủng đồng bộ gồm kho bảo quản vắcxin Sputnik V, tủ lạnh và phòng lạnh để vận chuyển vắcxin.
Tổng cộng, khoảng 10 tỷ ruble sẽ được phân bổ cho công tác tiêm phòng cho người dân thủ đô. Khoản chi tiêu này được đưa vào ngân sách thành phố năm 2021.
Theo thông báo trên blog cá nhân của Thị trưởng Sobyanin, ngày 4/12 sẽ là thời điểm bắt đầu đăng ký điện tử tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.
Ông Sobyanin viết: “Trong những tuần tới, khi số lượng lớn vắcxin được chuyển đến, danh sách những người có thể đăng ký tiêm chủng sẽ được mở rộng. Các trung tâm tiêm chủng bắt đầu hoạt động từ ngày 5/12.”
Tại Moskva, 70 điểm tiêm chủng đã được mở cửa trên cơ sở các phòng khám đa khoa, thời gian làm việc hàng ngày từ 8-20 giờ.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã chỉ thị Cục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang (Rospotrebnadzor), Bộ Y tế và Bộ Tư pháp Nga xây dựng và phê duyệt các quy tắc vệ sinh và dịch tễ tạm thời để điều chỉnh công tác cung cấp vắcxin tại khu vực trong tuần tới.
Thông tin về chương trình tiêm chủng đại trà vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân Nga đã được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong cuộc họp trực tuyến khai trương các trung tâm y tế đa chức năng của Bộ Quốc phòng nước này.
Trong cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Tatyana Golikova, Tổng thống Putin khẳng định lĩnh vực sản xuất và mạng lưới y tế của Nga đã sẵn sàng cho chương trình tiêm chủng.
Trong khi đó, tại Indonesia, ngày 3/12, Chính phủ Indonesia đã công bố thành lập Nhóm nghiên cứu quốc gia về phát triển vaccine Đỏ Trắng ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy các nỗ lực tự chủ sản phẩm này.
Phát biểu họp báo trực tuyến công bố quyết định thành lập nhóm nghiên cứu nói trên, Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro nhấn mạnh: “Với dân số 270 triệu người, Indonesia cần một lượng lớn vaccine. Do vậy, hợp tác phát triển vaccine nội địa là điều rất cần thiết nhằm hỗ trợ khả năng tự chủ.”
Theo hãng thông tấn chính thức Antara, có 6 cơ sở nghiên cứu được chỉ định - gồm Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Đại học Indonesia (UI), Viện Sinh học phân tử Eijkman, Đại học Airlangga, Viện Công nghệ Bandung và Đại học Gadjah Mada - tham gia Nhóm nghiên cứu quốc gia về phát triển vaccine Đỏ Trắng (màu quốc kỳ của Indonesia).
Giám đốc LIPI, ông Laksana Tri Handoko cho biết hiện vaccine Đỏ Trắng đã trải qua giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm trên động vật. Sau khi hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được tiêm chủng cho người dân, quá trình giám sát sẽ tiếp tục được tiến hành trong 5-10 năm tiếp đó.
Về phần mình, người đứng đầu Liên danh nghiên cứu COVID-19 thuộc Bộ Nghiên cứu và Công nghệ, ông Ali Ghufron khẳng định rằng ngoài việc giúp đất nước xử lý đại dịch, việc phát triển vaccine Đỏ Trắng cũng chứng tỏ khả năng của Indonesia trong việc tự sản xuất vaccine ngừa dịch bệnh này.
Trước đó, Bộ trưởng Brodjonegoro - đồng thời là Giám đốc Ủy ban Nghiên cứu và Đổi mới quốc gia (BRIN) - từng dự báo rằng vaccine Đỏ Trắng do Indonesia tự sản xuất sẽ bắt đầu được phân phối thương mại vào quý 4 năm 2021.