Cảnh báo mới nhất đến khi các nhà ngoại giao EU kết thúc thời gian đắn đo kéo dài hàng tuần liên quan đến vòng trừng phạt mới dành cho Kremlin vào hôm qua, qua đó nhất trí về các biện pháp đóng cửa thị trường vốn châu Âu đối với các công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất Nga.
Nhóm biện pháp mới của EU, cũng sẽ ngăn cản các công ty dịch vụ năng lượng châu Âu làm việc cho các dự án thăm dò dầu khí ở Nga, được thông qua sau khi NATO phát hiện quân đội Nga đã di chuyển đến miền Đông Ukraine trong tháng 8.
Nhưng việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa các tay súng thân Nga và Chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko đã dẫn đến một số nước EU lo ngại về việc trì hoãn các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Các biện pháp trừng phạt mới lúc đầu được dự kiến sẽ áp dụng từ đầu tuần này, nhưng một vài nước EU tỏ ra ngần ngại, lấy lý do là họ cần thêm thời gian để xem xem, liệu thỏa thuận ngừng bắn có được duy trì.
Giới ngoại giao cho biết, quyết định của các ngoại trưởng EU được đưa ra sau khi ông Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tổ chức một cuộc hội đàm hôm thứ Năm với các lãnh đạo của 4 nước châu Âu trong khối G7 - gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron vả Thủ tướng Ý Matteo Renzi - để chốt lại các biện pháp trừng phạt.
Theo kết quả hội đàm, các nhà ngoại giao EU sẽ rà soát lại các biện pháp trừng phạt Nga vào cuối tháng này, và Ủy ban châu Âu sẽ có nhiệm vụ đề xuất các sửa đổi, bổ sung, tạm hoãn hay hủy bỏ chúng. Nhưng bất kỳ sự trì hoãn nào đối với các biện pháp hiện tại cũng cần phải có sự nhất trí của cả 28 nước thành viên EU.
“Chúng tôi đã luôn phải cân nhắc về tính thuận nghịch và khả năng mở rộng của các biện pháp hạn chế này”, ông Van Rompuy nói.
Mỹ đã xác nhận hôm qua rằng, nước này sẽ nối gót EU và cũng sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quân sự đối với Nga.
Phát biểu sau tuyên bố của EU, ông Vladimir Chizhov, đại sứ của Nga ở EU, cho biết: “Nga không có lựa chọn nào khác, nhưng sẽ có các biện pháp đáp trả nhất định”.
Ông Chizhov gọi các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây là “phi lý”, đồng thời nhắc đến thỏa thuận ngừng bắn được thông qua gần đây, mặc dù chưa chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột, nhưng tiếng súng đã ít đi.
Andrei Belousov, Trợ lý kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin, cho biết hôm qua rằng, Nga đã chuẩn bị các biện pháp trả đũa lại EU, ngoài các biện pháp hiện tại đang nhắm vào các nhà sản xuất thực phẩm châu Âu, còn có thể bao gồm thêm các nhà sản xuất xe hơi và đồ may mặc.
“Có một số hàng hóa tiêu dùng mà các đối tác châu Âu của chúng tôi phụ thuộc vào chúng tôi hơn là chúng tôi phụ thuộc vào họ, chẳng hạn bao gồm nhập khẩu xe hơi, đặc biệt là xe đã qua sử dụng, và một số loại sản phẩm công nghiệp nhẹ mà chúng tôi có thể tự sản xuất, như đồ may mặc”, ông Belousov nói bên lề một hội nghị kinh tế ở khu vực Samara, thuộc Nga, được hãng tin RIA Novosti đưa lại.
Ông Belousov, người đã có phát biểu trước khi EU tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới, cho biết, ông tin rằng, danh sách chi tiết các hàng hóa bị cấm nhập khẩu đang nằm trong tay Bộ trưởng Kinh tế Nga.
Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nga, cũng đã đưa ra cảnh báo, Moscow đang xem xét cấm bay đối với các hãng hàng không EU bay qua không phận Nga - một tuyến bay phổ biến nối châu Âu và châu Á.