Năm 2007, tại Nhật Bản, SSI chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TTCK Việt Nam, thu hút sự quan tâm của trên 200 tổ chức lớn. Một số nhà đầu tư Nhật Bản đã ký cam kết đầu tư vào Việt Nam ngay sau sự kiện này

Năm 2007, tại Nhật Bản, SSI chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TTCK Việt Nam, thu hút sự quan tâm của trên 200 tổ chức lớn. Một số nhà đầu tư Nhật Bản đã ký cam kết đầu tư vào Việt Nam ngay sau sự kiện này

Nếu vấn đề không được xới lên hôm nay...

(ĐTCK) “Với cá nhân, tôi không quan tâm nhiều đến việc ai khen hay chê mình nữa. Điều tôi muốn làm là góp sức xây dựng thị trường vốn Việt Nam cho tương lai đất nước, 10 năm, 20 năm nữa. Nhiều vấn đề nếu không xới lên hôm nay, 10 năm, 20 năm nữa làm sao tốt lên được”.

Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng đã chia sẻ như vậy khi ông quyết định sẽ trực tiếp điều hành cuộc thảo luận về vai trò của thị trường chứng khoán (TTCK) đối với nền kinh tế, nhân dấu mốc 15 năm mở cửa TTCK Việt Nam.

Chuyện người sáng tạo

Dấu ấn Nguyễn Duy Hưng gắn liền với câu chuyện về một công ty chứng khoán tư nhân, khai mở hoạt động cùng TTCK Việt. Vào thời kỳ mở cửa năm 2000, toàn thị trường có 6 công ty chứng khoán (CTCK), trong đó 5 công ty (CTCK Bảo Việt, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, CTCK Thăng Long, CTCK Đệ Nhất, CTCK Á Châu) có điểm tựa là các tổ chức “bố mẹ”, riêng SSI thì không. Thời kỳ đó, không ai có thể tin SSI sẽ trở thành số 1, bởi đây là CTCK được hình thành hoàn toàn từ nguồn vốn tư nhân và có vốn nhỏ nhất (6 tỷ đồng).

5 năm đầu tiên, TTCK hoạt động yếu ớt, các CTCK có “điểm tựa” sống khỏe hơn SSI rất nhiều, trong khi SSI chật vật xây dựng hệ thống, tìm kiếm nhân sự, khách hàng.

Vị trí số 1 khi đó chưa bao giờ thuộc về SSI. Tuy nhiên, năm 2006, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ trước kỳ vọng gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), SSI đã chọn đúng cơ hội, tăng vốn, mở rộng hoạt động, tạo lập văn hóa kinh doanh riêng biệt, tiến nhanh, tiến mạnh lên vị trí dẫn đầu.

Khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và suy thoái liền mấy năm sau đó, SSI vẫn đứng vững và lớn mạnh. Nếu như nhiều năm trước, SSI chưa là gì nên sự thành công của SSI trong thời gian đầu còn chen lẫn những ngờ vực của dư luận, thì vài năm trở lại đây, người ta nhắc đến SSI như một biểu tượng của niềm tự hào trên TTCK Việt Nam.

Vì sao SSI trở thành biểu tượng đẹp của TTCK Việt Nam, được ghi nhận với rất nhiều giải thưởng quốc tế? Câu trả lời không có gì bí hiểm, bởi bản chất người tạo dựng và đứng đầu SSI - ông Nguyễn Duy Hưng là người minh bạch, người chỉ có 1 cách nói, 1 cách làm.

Điểm làm nên thành công của SSI hôm nay là ở sức sáng tạo. Người đứng đầu Công ty xác lập sứ mệnh của SSI là “kết nối vốn với cơ hội đầu tư”, nhưng thực hiện sứ mệnh đó bằng một cách nghĩ khác, làm khác so với tất cả những chủ thể trên TTCK Việt Nam.

Thương hiệu của SSI bắt đầu trở nên gần gũi với công chúng đầu tư kể từ năm 2005 khi công ty chứng khoán này làm tư vấn đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng cho Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh và sau đó là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Hàng nghìn nhà đầu tư tham gia mua cổ phần qua đấu giá công khai trên TTCK, mở ra một hình thức bán vốn nhà nước minh bạch và công bằng cho tất cả các chủ thể tham gia.

Nếu vấn đề không được xới lên hôm nay... ảnh 1

Ông Nguyễn Duy Hưng 

Trong sứ mệnh “kết nối vốn với cơ hội đầu tư”, SSI có lẽ là công ty chứng khoán đầu tiên bước chân ra nước ngoài thực hiện xúc tiến đầu tư vào TTCK. Năm 2007, hội thảo về TTCK Việt Nam do SSI chủ trì được tổ chức tại Nhật Bản, thu hút hơn 200 tổ chức đầu tư lớn tham dự. Hình ảnh TTCK và nền kinh tế Việt Nam trở nên gần gũi hơn nhiều với nhà đầu tư quốc tế khi họ được chia sẻ cơ hội và những cam kết đồng hành dài hạn từ SSI.

Tuy nhiên, thương hiệu SSI trở nên thực sự khác biệt bắt đầu từ năm 2009, khi Công ty khai mở sự kiện kết nối đầu tư tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam. Lần đầu tiên, hàng trăm nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đổ về Hà Nội, tham dự “Gateway to Vietnam” để lắng nghe thông điệp của Chính phủ về tiến trình cổ phần hóa, về cơ hội tham gia làm cổ đông chiến lược và cơ hội tham gia TTCK Việt Nam.

Tên tuổi của SSI lan tỏa mạnh mẽ, cùng thời điểm SSI kỷ niệm 9 năm thành lập, khẳng định vị trí dẫn đầu, đồng thời ra mắt thương hiệu mới với khát vọng thúc đẩy dòng chảy vốn, nhằm tạo nên những giá trị mới, vì sự phát triển của nền kinh tế, của xã hội. Dấu ấn SSI đến từ những ý tưởng sáng tạo và nỗ lực minh bạch, đưa thông tin, đưa các cơ hội và hình ảnh của doanh nghiệp Việt, nền kinh tế Việt Nam đến với các nhà đầu tư quốc tế.

Không tự nhiên mà nhiều nhà đầu tư quốc tế như Deutsche Bank, HSBC, Credit Suisse, Morgan Stanley, Franklin Templeton, Nomura, Daiwa, KITMC, Temasek… rót vốn vào Việt Nam và “cánh cửa” giúp họ thực hiện việc này không ai khác là SSI. Đó không thể chỉ là kết quả của sự nỗ lực.  Đó là niềm tin, là một giá trị riêng có mà công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên trên TTCK Việt Nam đã xây nên.

Nếu vấn đề không được xới lên hôm nay...

Với khởi đầu 6 tỷ đồng năm 2000, SSI hiện có vốn chủ sở hữu trên 7.000 tỷ đồng và là Công ty có đội ngũ nhân sự nhân sự chuyên nghiệp nhất, đam mê nhất trên TTCK Việt. Ở SSI, cánh cửa nghề nghiệp luôn rộng mở, đón những người có năng lực, có khát vọng xây đắp một tổ chức minh bạch, hiệu quả hơn.

Là người đầy năng lượng mới và luôn giữ được sự cân bằng, ông Hưng từng chia sẻ: “Với tôi, những gì có hôm nay là đủ”. Nhưng đó là câu chuyện của cá nhân. Với đất nước, làm thế nào để thị trường vốn định vị đúng tầm, làm đúng vai trò là kênh huy động vốn, kênh đầu tư minh bạch trong nền kinh tế là mối quan tâm không nhỏ của Chủ tịch SSI.

Giữa năm 2015, đích thân Chủ tịch SSI đã xới lên câu hỏi lớn này trong một cuộc tọa đàm với các nhà lãnh đạo và chuyên gia uy tín, nhằm tìm ra các giải pháp phát triển đất nước, góp ý cho văn kiện của Đảng, của Nhà nước. Là người đủ trải nghiệm, ông thấu hiểu, TTCK là trái tim, là thị trường cốt lõi phải dành tâm sức tạo dựng khi Việt Nam muốn xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

“Trên bước đường xây dựng một thị trường như thế, minh bạch là yếu tố cốt lõi nhất, là điểm mà nền kinh tế Việt Nam còn yếu, còn thiếu, rất cần sự chỉ đạo từ cơ quan cao nhất để thẩm thấu đến từng doanh nghiệp, từng người dân”, ông Hưng nói.

Điều đáng mừng là cuối năm 2015, lần đầu tiên quyết tâm phát triển TTCK lành mạnh, thị trường tài chính cân bằng, hiệu quả, đã được đưa vào Văn kiện Đại hội thứ XII của Đảng. Hàng loạt chính sách, thông điệp từ Chính phủ, các bộ, ngành thúc doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước minh bạch, đã liên tiếp thấm vào nền kinh tế.

Hàng loạt quyết sách đưa doanh nghiệp cổ phần hóa, doanh nghiệp phát hành cổ phần ra công chúng lên TTCK đã được ban hành. TTCK sau gần 20 năm được tạo dựng tại Việt Nam, đang bước đang vào một giai đoạn mới, tăng mạnh về lượng. Tuy nhiên, điểm bất cập lại lộ ra khi chưa có sự hòa nhịp về chất, 99% nhà đầu tư hiện nay vẫn là các cá nhân nhỏ lẻ, sức hút với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn còn quá yếu khiến câu chuyện về phát triển TTCK, thị trường vốn vẫn còn rất nhiều dấu hỏi được đặt ra.

Tháng 11/2016 ghi dấu mốc 20 năm ngành chứng khoán cũng là thời điểm SSI thực hiện cuộc hội thảo để nhận định bước chuyển mình của dòng vốn ngoại. Ông Nguyễn Duy Hưng tiếp tục giữ vai trò điều phối, tiếp tục xới lên những vấn đề lớn, cần tầm nhìn dài hạn để thúc đẩy thị trường vốn, đến một ngày Việt Nam có thị trường vốn đích thực. “Nếu vấn đề không xới lên hôm nay, không thể mong 10 năm, 20 năm nữa có kết quả tích cực”, ông Hưng nói.

Là người luôn sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi, mới đây, ông Hưng quyết định sử dụng facebook  để chia sẻ rộng hơn quan điểm của mình trước các vấn đề nóng của xã hội. Trong một câu chuyện về nền kinh tế đăng trên facebook gần đây, Chủ tịch SSI cho rằng, Đề án tái cấu trúc nền kinh tế đến năm 2020 hàm chứa 3 giá trị rất quan trọng, mà ở đó, cần được truyền thông và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ nhất, Đề án phân định được vai trò của Nhà nước kiến tạo, các doanh nghiệp mới chính là đối tượng thực thi tái cấu trúc.

Thứ hai, Đề án xác lập mục tiêu và hướng nguồn lực trong nền kinh tế chảy theo tín hiệu thị trường và thứ ba là lần đầu tiên, Đề án đưa ra được quy trình giám sát nền kinh tế bằng các chỉ tiêu, mô hình định lượng cụ thể.

“Nếu các giải pháp chính sách được giám sát cụ thể và đo lường tính hiệu quả đến từng dự án, chắc chắn hiệu quả chung của nền kinh tế sẽ khác đi”, ông Hưng nói.

Không phải chỉ tới hôm nay, mà trong suốt 20 năm gắn với ngành chứng khoán và xây dựng SSI thành một biểu tượng đẹp, cốt cách minh bạch, sức sáng tạo trong tầm nhìn dài hạn luôn là điểm dễ thấy ở Chủ tịch SSI.

“Tôi là người không ngại bày tỏ quan điểm của mình và luôn nói đúng như những gì mình nghĩ. Thời gian sẽ giúp chúng ta hiểu một điều: chỉ sự thật mới là thứ có giá trị và chỉ có minh bạch mới giúp mọi nguồn lực trong xã hội được phân bổ hiểu quả, giúp nền kinh tế lành mạnh và đi lên”, ông nói.

Trong tầm nhìn của ông Hưng, có rất nhiều vấn đề của nền kinh tế, của thị trường vốn, của doanh nghiệp Việt… cần sự trao đổi, phản biện của những người thực sự trí tuệ và tầm nhìn, để cùng tìm ra và hiến kế xây dựng một Việt Nam tốt hơn. Chủ tịch SSI cho rằng, gần 20 năm Việt Nam có ngành chứng khoán, câu chuyện về minh bạch đã được cải thiện nhiều phần, nhưng đây vẫn là điểm yếu và là chính vấn đề cốt lõi mà Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tập trung cải thiện để thu hút các dòng vốn chuyên nghiệp song hành bền vững với các doanh nghiệp, với nền kinh tế Việt Nam.       

Tin bài liên quan