Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu, nợ xấu ngân hàng đã lên tới 7,21%

Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu, nợ xấu ngân hàng đã lên tới 7,21%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78.860 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa có Báo cáo Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 của ngành Ngân hàng gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, trong đó liên quan đến câu chuyện xử lý nợ xấu, Báo cáo cho biết, đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số nợ xấu nội bảng được xử lý là 78.860 tỷ đồng, trong đó sử dụng dự phòng rủi ro là 33.130 tỷ đồng, chiếm 42%; thông qua bán nợ là 18.660 tỷ đồng, chiếm 23,7%; khách hàng trả nợ là 20.550 tỷ đồng, chiếm 26,11%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu đến cuối tháng 6/2021 là 3,66%. Nếu tính cả các khoản nợ không bị chuyển nợ xấu do được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Liên quan đến xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, Báo cáo cho biết, lũy kế từ 15/08/2017 đến 30/6/2021, đã xử lý được 359.410 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt là 187.180 tỷ đồng (chiếm 52,08% tổng nợ xấu đã xử lý).

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 93.630 tỷ đồng (chiếm 26,05%); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 78.600 tỷ đồng (chiếm 21,87%).

Bên cạnh đó, đến thời điểm 30/6/2021, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 179.570 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 35.930 tỷ đồng.

Theo Báo cáo, trước khi có Nghị quyết 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản đảm bảo và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 30/6/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 138.340 tỷ đồng (chiếm 38,5% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012 - 2017 là khoảng 22,8%.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; đồng thời, tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...

Tin bài liên quan