Khoảng trống cho vòng series C/D
Đầu năm 2021, MoMo - siêu ứng dụng tại Việt Nam, đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư tiếng tăm thế giới, số vốn này khoảng trên 100 triệu USD.
Cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management, đã lộ diện thêm nhà đầu tư mới như: Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital.
Đáng chú ý, ở vòng gọi vốn “khủng” này, Goodwater Capital, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.
Sự đồng hành của các quỹ mới khiến ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Warburg Pincus rất hồ hởi. Điều này cũng cho thấy, các nhà đầu tư đặt niềm tin vào các siêu ứng dụng thuần Việt sẽ bùng nổ trong tương lai.
Ông Eric Kim, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Goodwater Capital cũng thừa nhận, đây thực sự là thời điểm vàng để Goodwater đầu tư vào Việt Nam.
Đã có 299 start-up được đầu tư từ 1 triệu USD đến 20 triệu USD ở Đông Nam Á kể từ năm 2019 đến tháng 10/2020. Trong đó, 51% start-up đến từ Singapore; 23% đến từ Indonesia; 9% đến từ Việt Nam; 6% đến từ Malaysia; 5% đến từ Thái Lan; 4% đến từ Philippines; các start-up đến từ Myanmar và Campuchia đều chỉ có 1%.
Quả thật, kể từ khi bắt đầu rót vốn vào siêu ứng dụng MoMo, các nhà đầu tư lão làng của thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân số lượng người dùng có độ tương tác cao cùng với hệ sinh thái mở rộng của MoMo.
Hiện MoMo có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán, 30.000 đối tác kinh doanh. Ứng dụng này cũng đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước. Mặc dù thị trường có những thay đổi đầy thách thức trong năm 2020, song MoMo đã đạt được những kết quả kinh doanh ngoạn mục với lượng khách hàng tăng gấp đôi so với năm 2019, đạt 23 triệu khách hàng và tổng sản lượng giao dịch cũng tăng 3,5 lần, đạt 14 tỷ USD.
Đáng chú ý, khi đã hoàn thành vòng gọi vốn này, chắc chắn, MoMo sẽ IPO và lên sàn chứng khoán Việt Nam. Điều này đã được dàn lãnh đạo của MoMo lên kế hoạch. Hơn nữa, mục đích của các quỹ khi tiếp tục rót vốn cho MoMo ở vòng Series D cũng vì muốn tìm kiếm cú hích trước khi IPO cho MoMo, hoặc cũng có thể họ chưa đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong quá trình rót vốn ở vòng Series C.
Thương vụ gọi vốn của MoMo mở màn năm 2021 được cho là tín hiệu tốt để giới đầu tư và cộng đồng khởi nghiệp cùng kỳ vọng sẽ có một năm sôi động, bởi thị trường đã trải qua một năm vắng bóng các thương vụ đầu tư lớn.
Theo thống kê từ nhiều nguồn, số thương vụ đầu tư vào start-up trong năm 2020 chỉ bằng 1/4 năm 2019. Năm 2019, Việt Nam có 3 thương vụ đầu tư từ 100 triệu USD trở lên (gồm đầu tư vào VNPay, MoMo và Giao hàng nhanh). Ngoài ra, còn có Sendo nhận 61 triệu USD, Telio nhận 25 triệu USD… Thực tế, hầu hết thương vụ lớn thành công trong năm 2020, như thương vụ của Tiki hay Siêu Việt, Propzy… đều bắt đầu từ trước đó, hoặc có sẵn mối quan hệ.
Hiện các quỹ đầu tư vòng sớm (serie A/B) đã lớn mạnh trên thị trường và giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào khoảng trống về các quỹ chuyên đầu tư cho vòng serie C/D với khoảng vốn từ 20 triệu USD đến 100 triệu USD.
Ông Nick Nash, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Asia Partners nhận định, thị trường khởi nghiệp của Đông Nam Á sẽ bước vào “thời kỳ vàng” trong tương lai gần. Theo đó, nhiều công ty có vốn hóa từ 2 tỷ USD đến 100 tỷ USD sẽ xuất hiện năm 2029. 50% số những công ty trị giá 20 tỷ USD sẽ theo đuổi việc IPO trong thập kỷ tiếp theo.
Asia Partners là quỹ đầu tư tư nhân chuyên hỗ trợ thế hệ tiếp theo những công ty công nghệ có tốc lực phát triển cao tại Đông Nam Á. Với tư cách là người sống còn với các khoản đầu tư vào start-up, ông Nick Nash nhấn mạnh, đây là một thời đại đáng sống. Theo ông, thị trường khởi nghiệp Đông Nam Á trong thập kỷ tiếp theo rất đáng để theo dõi.
Các start-up trong khu vực sẽ giành lợi thế
SEA, Grab, Go-Jek, Lazada và Tokopedia là các tên tuổi thuộc khu vực Đông Nam Á được định giá trên 2 tỷ USD. Hiện các công ty này đều có mặt ở Việt Nam. Trong tương lai, nhiều công ty có vốn hóa từ 2 tỷ USD đến 100 tỷ USD sẽ xuất hiện nhiều ở Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Nhận định nói trên của ông chủ Asia Partners là hoàn toàn có cơ sở.
Theo ông Nick Nash, thị trường các nước này giàu tiềm năng nhờ dân số đông và đang trong giai đoạn phát triển cùng văn hóa độc đáo, tạo ra lợi thế sân nhà thực sự cho các nền tảng công nghệ địa phương.
Các thị trường này phát triển dựa trên hai chiến lược: phát triển theo chiều rộng song song giữa thị trường trong nước và các nước láng giếng; chiếm lĩnh hết thị trường trong nước, sau đó thâm nhập thị trường nước láng giềng.
Riêng thị trường Việt Nam, dù có dân số gần 100 triệu người và nhân tài trong lĩnh vực công nghệ dồi dào, nhưng khả năng để các start-up vươn ra khu vực Đông Nam Á chỉ ở mức trung bình.
Tuy nhiên, ông Nick Nash cũng cho rằng, 70% start-up chiến thắng tại khu vực Đông Nam Á sẽ là những nền tảng địa phương và 30% sẽ đến từ Indonesia, với những nền tảng đang thu hút nhiều sự chú ý ở thời điểm hiện tại.
Hầu hết công ty giàu tiềm năng nhất đang có trong dữ liệu của ông Nick Nash đều đến từ Singapore và Indonesia. Đặc biệt, những nhà sáng lập của thế hệ khởi nghiệp thứ hai được coi là những kẻ chiến thắng nhiều khả năng sẽ đến từ nhóm này.
Thống kê từ Asia Partners, đang có khoảng 28.000 nhân lực vừa “tốt nghiệp” từ các công ty khởi nghiệp lứa đầu tiên và 1.200 người trong số đó sẽ là những nhà sáng lập của thế hệ khởi nghiệp thứ hai. Trong đó, các tài năng công nghệ chủ yếu đến từ “thủ phủ kinh tế” của khu vực là Singapore.
Dĩ nhiên, có rất nhiều công ty lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặt trụ sở ở đây. Ước tính, 40% công ty có sự hiện diện khắp châu Á - Thái Bình Dương đặt trụ sở tại Đông Nam Á và 70% trong số những công ty này đặt văn phòng đại diện tại Singapore, tiếp theo là Philippines, Thái Lan và Malaysia.
Vài năm trước, giới khởi nghiệp Việt Nam cũng ồ ạt sang Singapore để khởi nghiệp vì cho rằng, môi trường kinh doanh tại Singapore rất thuận lợi, gọi vốn đầu tư đơn giản hơn, lượng vốn huy động được nhiều hơn. Tuy nhiên, ông Đỗ Hoài Nam (Namster Đỗ), một nhà sáng lập start-up và cũng là một nhà đầu tư thiên thần từng khởi nghiệp ở thung lũng Silicon (Mỹ) với Công ty Emotiv System (sở hữu ứng dụng đọc não người) lưu ý, các start-up đừng ảo tưởng việc thành lập công ty ở Singapore sẽ tiếp cận được nhiều nguồn vốn đầu tư hơn.
“Nếu start-up đủ tốt, thì dù ở Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẵn sàng xuống tiền. Thành lập công ty ở Singapore không phải là một thế mạnh so với các start-up khác, càng không phải là yếu tố quyết định để dự án nhận được tiền đầu tư”, ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, điều không kém phần quan trọng là khi sang Singapore để khởi nghiệp, start-up đã tự loại mình ra khỏi đối tượng của một nguồn vốn đầu tư dồi dào từ chính các nhà đầu tư trong nước. Với một loạt chính sách ra đời liên quan đến thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, tại Việt Nam, phong trào thành lập quỹ đang khá rầm rộ.
Đáng chú ý, theo ông Nam, những nhà đầu tư này không có nhiều mối quan hệ với các quỹ lớn phương Tây, song họ lại rất điêu luyện trong việc lấy được tiền từ các tập đoàn lớn trong nước. Do đó, sau khi đầu tư vào các start-up, việc thoái vốn đồng loạt cho các ông lớn này sẽ thúc đẩy làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) trong nước. Lúc này, giá sẽ được đẩy lên cao ngất ngưởng, vì nhà đầu tư cần có lãi và họ luôn biết cách đẩy giá.
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2020 vào cuối tháng 11/2020, đã có 33 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cam kết rót 815 triệu USD vào start-up trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo các nhà đầu tư mạo hiểm, đại dịch Covid-19 gây khó khăn trong việc di chuyển, khiến dòng vốn đầu tư vào start-up Việt bị chững lại, nhưng các quỹ đầu tư vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu tại Đông Nam Á trong năm nay.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam chia sẻ, các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới.
Trong khi đó, theo báo cáo của Do Ventures, năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore và Indonesia.
Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc VinaCapital tiết lộ, trong hơn 1.500 công ty khởi nghiệp trong nước, chỉ có 3% là bước đầu thành công. Đó là các công ty có giá trị trên 10 triệu USD, doanh số 2 triệu USD, với hơn 100 nhân viên và có khả năng gọi vốn vòng sau. Lý do là sự phối hợp giữa start-up với các “ông lớn” đầu ngành còn yếu; các sáng lập viên gặp khó khăn khi trình bày ý tưởng và gọi vốn. Ngoài ra, công tác quản trị tài chính của các start-up còn yếu; nhân sự tuy đáp ứng nhu cầu, nhưng chưa đủ để phục vụ sự phát triển đến được giai đoạn bùng nổ.
“Nhìn toàn thị trường, thì Việt Nam có nhiều start-up có khả năng trở thành kỳ lân. Tuy nhiên, khung pháp lý thiếu cơ chế để vận hành thử... đang là rào cản kìm chân họ. Nếu start-up chờ các quy định, thì rất khó tạo đột biến. Sở dĩ Việt Nam lộ diện các start-up kỳ lân như VNG, VNPay, vì họ đều nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về khung pháp lý và vốn”, ông Trung khẳng định.