Hiện thị trường và nhất là các ngân hàng kỳ vọng NHNN sẽ lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36 như Thông tư 02 trước đó. Liệu NHNN có hoãn thực hiện, thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu trì hoãn thực hiện các quy định của Thông tư 36 sẽ tạo thành một tiền lệ không hay khi các quy định đưa ra thường có sự trì hoãn thời gian áp dụng so với lộ trình dự kiến lúc đầu. Chính điều này cũng sẽ tạo thói quen cho thị trường, NHTM.
Có nghĩa, các ngân hàng phải áp dụng quy định Thông tư 36 vào đầu tháng 2 tới?
Theo quan điểm của tôi là không nên lùi Thông tư 36 và phải áp dụng đúng lộ trình. Vì có đi thì phải có đến, tức có đi là những gì hợp lý đã được đưa ra thì phải cân nhắc để thực hiện, do đó không nên trì hoãn việc áp dụng văn bản này. Các NHTM không nên quen với việc các chính sách đưa ra lại bàn đến chuyện trì hoãn.
Nhiều ý kiến cho rằng, sớm áp dụng Thông tư 36, ảnh hưởng mạnh đến TTCK, thưa ông?
Khi Thông tư 36 chính thức được ban hành, nhiều người đã phân tích và nhận định sẽ tác động không tích cực lên chứng khoán. Tôi cho rằng, các nội dung của Thông tư 36 sẽ làm cho TTCK phát triển một cách bền vững. TTCK phát triển và tăng là điều rất tốt, giúp doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn qua thị trường. Tuy nhiên, để thị trường phát triển một cách bền vững thì phải bằng nguồn tiền thực của nhà đầu tư, chứ không phải nguồn tiền từ tín dụng. Về nguyên lý, thị trường vốn phải gánh đỡ thị trường tiền tệ, chứ không phải thị trường tiền tệ đỡ thị trường vốn. Do đó, việc siết lại nguồn tiền vay chứng khoán là cần thiết để tạo lập sự tăng trưởng bền vững với nền chứng khoán trong tương lai.
Thứ hai, đối với trái phiếu chính phủ, mục tiêu là huy động tiền trong xã hội chứ không phải huy động tiền trong ngân hàng. Ngân hàng chỉ là một loại chủ thể đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ khi dư thừa vốn. Mấy năm gần đây, nền kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp là thấp, ngân hàng thừa vốn đã mua nhiều trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh an toàn, việc đầu tư trái phiếu chính phủ cũng có những rủi ro nhất định, trong đó phải kể đến là rủi ro kỳ hạn. Kỳ hạn của trái phiếu chính phủ là trung, dài hạn, do đó nếu thiếu vốn, ngân hàng khó có thể bù đắp được ngay.
Mặt khác, ngân hàng huy động vốn để cho vay ra nền kinh tế, nếu chỉ chăm chăm vào kênh trái phiếu chính phủ, đó không phải đúng mục tiêu tốt nhất. Do đó, việc ngân hàng mua trái phiếu chính phủ là một kênh, nhưng cũng phải có một chừng mực và hợp lý. Công cụ trái phiếu chính phủ là nhằm giúp Chính phủ huy động ngoài xã hội, chứ không phải như tình trạng hiện nay, đến 80% trái phiếu chính phủ là do NHTM mua.
Đối với vấn đề sở hữu chéo, liệu có được xử lý triệt để khi áp Thông tư 36, thưa ông?
NHNN đưa ra các quy định tại Thông tư 36 là để hạn chế sở hữu chéo. Chủ trương của NHNN là phải siết chặt sở hữu chéo, lành mạnh hóa hoạt động của ngành. Tuy nhiên, việc có thực hiện được triệt để hay không, trước hết cần phải có ý chí. Quan điểm của NHNN là các nhà đầu tư có tiềm lực thì mới đầu tư vào ngân hàng, không nên chéo qua chéo lại, cũng như việc dùng tiền ảo để rót vào cổ phiếu ngân hàng - trở thành vấn nạn thời gian qua và để lại hậu quả không tốt trong hệ thống. Vì thế, theo tôi khi áp dụng các quy định của Thông tư 36 tình trạng sở hữu chéo sẽ bớt đi.
Xin ông chia sẻ một số thương vụ sáp nhập trong ngành có thể thực hiện năm nay?
Một trong những điểm nhấn trong năm 2015 khi thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD là kiên quyết xử lý pháp nhân đối với những đơn vị yếu kém, không có triển vọng phục hồi, kể cả phải sử dụng biện pháp giải thể, phá sản, can thiệp bắt buộc. Vì vậy, NHNN sẽ cố gắng làm sao để hoàn thiện khung pháp lý, phê duyệt cho các thương vụ M&A của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2015. Chủ trương NHNN năm nay sẽ giảm khoảng 5 - 7 ngân hàng. Tôi chưa thể chia sẻ thương vụ cụ thể, nhưng không loại trừ việc một số NHTM có vốn nhà nước chi phối sẽ nhận sáp nhập thêm ngân hàng nhỏ, yếu kém năm nay.