Điểm số và thanh khoản trên thị trường chứng khoán gần đây tăng mạnh, thu hút thêm dòng tiền. Ảnh: Dũng Minh.

Điểm số và thanh khoản trên thị trường chứng khoán gần đây tăng mạnh, thu hút thêm dòng tiền. Ảnh: Dũng Minh.

Nền tảng vĩ mô hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gói kích thích kinh tế mới, câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như sự phục hồi của hoạt động sản xuất và tiêu dùng sau thời gian giãn cách tiếp tục là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp quý IV/2021 và triển vọng năm 2022.

Môi trường chính sách thuận lợi

Sự bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10/2021 dựa trên nền tảng chính sách tiền tệ nới lỏng, duy trì lợi thế cho kênh đầu tư chứng khoán và chính sách tài khóa có khả năng mở rộng tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi. Đó là hai yếu tố then chốt giữ nhịp sôi động trên thị trường.

Mặt khác, lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp trên HOSE (thống kê các báo cáo tài chính tính đến cuối tuần qua) tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chậm lại đáng kể so với mức tăng 65,1% của quý II nhưng vẫn là mức rất đáng khích lệ trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19.

Tăng trưởng lợi nhuận có sự phân hóa khi ghi nhận chậm lại rõ rệt ở các ngành liên quan đến cầu tiêu dùng nội địa như bán lẻ, bia, ô tô, xe máy, dầu khí, ngân hàng, trong khi một số ngành được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng có mức tăng trưởng mạnh như sắt thép, đường, phân bón, hóa chất. Kết quả kinh doanh quý III/2021 đã phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu và điểm số thị trường chung trong tháng 10.

Trong ngắn hạn, động lực đi lên của thị trường trong tháng 11 có thể sẽ chậm lại nếu không có nhân tố mới hỗ trợ. Thông tin trọng yếu là kế hoạch kinh tế - tài khóa năm 2022 và kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn 2022 - 2023.

Thị trường có khả năng sẽ duy trì sự sôi động dựa trên kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới, giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất và tiêu dùng phục hồi…

Về mặt định giá, P/E hiện tại và P/E 2021 của VN-Index đang ở mức 16,8 lần và 16,6 lần, cho thấy dư địa tăng cao trong ngắn hạn của chỉ số không còn nhiều, đặc biệt trong bối cảnh giai đoạn nhộn nhịp nhất của mùa kết quả kinh doanh quý III đã qua.

Mặc dù vậy, thị trường có khả năng sẽ duy trì sự sôi động với các câu chuyện xoay quanh gói kích thích kinh tế mới, câu chuyện đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng như sự phục hồi của hoạt động sản xuất và tiêu dùng sau thời gian giãn cách. Những yếu tố này sẽ là động lực cho tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 và triển vọng năm 2022.

Nền tảng vĩ mô hỗ trợ

Nhìn lại tháng 10/2021, kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi khi biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ một phần hoặc toàn phần ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Với tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh lên mức tương đối cao, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm đáng kể và sự chuyển đổi chiến lược từ “không Covid” sang “sống chung với đại dịch”, Việt Nam đang đi đúng hướng trong tiến trình khôi phục lại trạng thái bình thường mới. Nhờ vậy, các số liệu vĩ mô trong tháng 10/2021 cho thấy sự cải thiện của đa số nhóm ngành trong nền kinh tế so với tháng 9.

Tuy nhiên, sự hồi phục không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và mức độ hồi phục yếu hơn so với các giai đoạn phục hồi trong năm 2020 do tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở khu vực phía Nam.

Phần lớn nhà máy trong lĩnh vực sản xuất trọng điểm đã hoạt động trở lại, nhưng công suất mới đạt khoảng 70% so với trước dịch.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ở TP.HCM trong tháng 10 giảm 43% (tháng 9 giảm 52%), hầu hết các chỉ số nhóm ngành cấp 2 quan trọng đều giảm mạnh so với cùng kỳ như may mặc giảm 65,8%, đồ gỗ nội thất giảm 50,5%, đồ điện tử giảm 55%.

Điểm tích cực là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trong tháng 10 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 tăng 0,33% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 9 giảm 0,52%); kim ngạch nhập khẩu tăng 8,1%, thấp hơn mức tăng 10,2% trong tháng 9, giúp cán cân thương mại nới rộng thặng dư lên 1,1 tỷ USD, từ mức 360 triệu USD trong tháng 9, đánh dấu tháng xuất siêu thứ hai liên tiếp.

Điều này giúp cán cân thương mại 10 tháng đầu năm 2021 thu hẹp mức thâm hụt xuống còn 1,5 tỷ USD. Các nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong tháng 10 là thép (tăng 140%), dầu thô (tăng 150%), hóa chất (tăng 40,8%), chất dẻo (tăng 62,9%).

Bên cạnh đó, lạm phát duy trì ở mức thấp. Lạm phát trong tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9 và lạm phát bình quân 10 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 1,81% - thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Yếu tố hỗ trợ lạm phát trong tháng 10 đến từ giá lương thực, thực phẩm giảm 1,3% so với tháng 9 do giá thịt lợn giảm 9,4%, bù đắp được mức tăng 2,8% của nhóm giao thông (trong đó, giá xăng dầu tăng 6,2% so với tháng 9). Lạm phát cơ bản trong tháng 10 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, lạm phát bình quân năm 2021 được dự báo ở quanh mức 2%.

Lạm phát ở mức thấp và tỷ giá ổn định giúp chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng. Các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn đáo hạn trong tháng 10, trong khi hầu như không có hoạt động trung hòa nào từ phía Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở, đã giúp thanh khoản tiền đồng dồi dào và mặt bằng lãi suất ở cả thị trường 1 và 2 duy trì mức thấp.

Tuy không gian cho chính sách tiền tệ đang bị thu hẹp, nhưng vẫn còn nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ có thể được thực hiện nhằm hỗ trợ nền kinh tế, thông qua nhiều cách khác nhau, như tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trong tháng 11, hoặc ưu đãi về lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngoài ra, không gian tài khóa được cải thiện trong năm nay. Cụ thể, Ngân sách Nhà nước đến tháng 10/2021 ghi nhận con số thặng dư 19.700 tỷ đồng (năm 2020 thâm hụt 164.700 tỷ đồng), có nghĩa là Chính phủ có thể thúc đẩy nền kinh tế không chỉ về giải ngân đầu tư công, mà còn có thể hỗ trợ tiền mặt đến người dân để kích thích chi tiêu.

Hiện tại, triển vọng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022 đã sáng hơn, nhưng cần có dữ liệu tháng 11 để đánh giá đầy đủ xem mô hình phục hồi chữ V có được duy trì hay không.

“Tỷ lệ tiêm chủng sẽ là yếu tố then chốt cho việc mở cửa trở lại các ngành dịch vụ và hiện nay, Chính phủ đang thực hiện tương đối tốt với tốc độ khoảng 1 triệu liều mỗi ngày. Chúng tôi kỳ vọng, Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi cho 70% dân số vào quý I/2022. Nhờ vậy, dự báo tăng trưởng GDP quý IV/2021 đạt khoảng 3 - 4% theo năm và tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 2,5 - 3,0%. GDP trong năm 2022 được dự báo sẽ hồi phục về mức 6,8%”, chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định.

Lưu ý ngưỡng kháng cự 1.500 điểm

Theo phân tích kỹ thuật, sau khi chinh phục cạnh trên của mẫu hình tam giác (hình thành từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9), VN-Index đã lập đỉnh lịch sử mới, cuối tuần qua đạt 1.473,37 điểm.

Dựa trên mẫu hình Elliot, chỉ số đang vận động trong sóng 5 tăng giá (sóng 1 được hình thành từ tháng 8/2020). Trong giai đoạn hiện nay, chỉ số có khả năng phải đối diện với sự rung lắc và điều chỉnh ngắn hạn do cung chốt lời giá cao.

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đầu tích cực và cải thiện hơn nhiều so với thời điểm 3 tháng trước, đây có thể là dấu hiệu cho thấy, chỉ số sẽ duy trì đà tăng. Chính sách tiền tệ nới lỏng duy trì lợi thế cho kênh đầu tư chứng khoán, chính sách tài khóa có khả năng mở rộng tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi.

Đặc biệt, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán bùng nổ, tháng 10 có hơn 100.000 tài khoản được mở mới. Đây sẽ là tác động chính giúp thanh khoản gia tăng, tạo nhiều cơ hội hơn trên thị trường.

Nếu đã chọn chứng khoán là một kênh gia tăng tài sản, tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn, thì trong bất kỳ giai đoạn và chu kỳ nào của thị trường, nhà đầu tư cũng đều có cơ hội để giải ngân, chỉ khác nhau ở việc lựa chọn tỷ lệ giải ngân phù hợp.

Khi VN-Index thiết lập đỉnh cao mới, mốc kháng cự quan trọng nhất sẽ là vùng 1.500 điểm. Việc dòng tiền tăng mạnh trong thời gian qua cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chỉ số điều chỉnh, nếu dòng tiền rút ra. Chính vì vậy, nghiên cứu và quan sát dòng tiền tập trung vào nhóm ngành nào, rút khỏi nhóm ngành nào sẽ là chiến lược tốt để tìm kiếm cơ hội trong sự biến động.

Tin bài liên quan