Gần đây, nền kinh tế thế giới đang được số hóa mạnh mẽ ở khắp mọi ngành nghề, trong đó bao gồm ngành tài chính ngân hàng.
Từ những bước đi sơ khai trên máy tính cá nhân trong những năm 1990 cho đến những trải nghiệm tuyệt vời trên thiết bị di động và mạng không dây của năm 2020, số hóa đang trở thành một yếu tố quan trọng sống còn trong ngành ngân hàng.
Các ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Một báo cáo do Vietnam Report công bố trong tháng 6 cho thấy, 100% ngân hàng đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển dịch vụ trên nền tảng số như Internet Banking, Mobile Banking. Trong khi con số này của lần khảo sát năm 2018 chỉ là 93%.
Ngoài ra, 83% ngân hàng cũng đang số hóa các nghiệp vụ lõi. Dưới tác động của cuộc cách mạng số, các ngân hàng đang từng bước áp dụng những công nghệ nền tảng như Big Data, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây để tái định hình mô hình kinh doanh, phát triển thanh toán điện tử, quản trị, phân tích hành vi khách hàng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số của Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cho biết, số hóa là xu thế tất yếu và Covid-19 là yếu tố cộng hưởng đẩy nhanh quá trình này.
VIB là một trong những ngân hàng dẫn đầu trong mảng ngân hàng bán lẻ lẫn ngân hàng số hiện nay, với tầm nhìn chiến lược nghiêm túc và dài hạn, nhằm mang đến thị trường Việt Nam những công nghệ, tiện ích và trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số hoàn toàn mới.
Bên cạnh VIB, nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số với việc nâng cấp ứng dụng di động, triển khai e-KYC cho ngân hàng điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng, đẩy mạnh thanh toán số...
Những bước đi năng động
Đi đầu trong việc triển khai chiến lược chuyển đổi số từ năm 2018, VIB là ngân hàng đầu tiên ứng dụng thành công AI và Big Data vào duyệt hạn mức thẻ tín dụng, rút ngắn thời gian thực hiện quy trình này xuống còn 15 phút so với bình quân từ 5-7 ngày so với phương pháp truyền thống.
Đây cũng là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc ứng dụng e-signature, e-KYC vào quy trình mở tài khoản ngân hàng điện tử và quy trình cấp thông tin thẻ tín dụng ảo để khách hàng có thẻ chi tiêu ngay sau khi được duyệt hạn mức thẻ.
Tiếp theo, nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm nhiều tiện ích nhất chỉ trên một nền tảng giao dịch (all-in-one), trong tháng 11 này, đại diện VIB cho biết ngân hàng đang chuẩn bị giới thiệu bộ sản phẩm chi tiêu không tiền mặt dành cho khách hàng trẻ.
Theo đó, chỉ với 1 phút đăng ký trực tuyến, người dùng có ngay một công cụ tài chính mạnh mẽ để có thể giao dịch ngay với hạn mức lên đến 100 triệu đồng, hoàn tiền không giới hạn và miễn mọi loại phí khi giao dịch.
Trước đó, trong nhiều năm, VIB cũng luôn là một trong những ngân hàng dẫn đầu xu hướng phát triển các dịch vụ ngân hàng số với việc triển khai các giải pháp tài chính trên nền tảng di động.
Có thể kể đến tiện ích chuyển tiền qua mạng xã hội với MyVIB Social Keyboard, các dòng thẻ tín dụng tích hợp công nghệ Smart Card gồm Virtual Card, Contactless, Green PIN, ứng dụng di động tích hợp các dịch vụ tiêu dùng như banking, Smart OTP, tra soát điện tử trực tuyến, quản lý thẻ và thông tin thẻ ngay trên ứng dụng di động thay vì phải gọi đến tổng đài.
Những nỗ lực này được giới chuyên môn và khách hàng đánh giá cao. VIB hiện là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam trong 4 năm liền nhận giải thưởng về ngân hàng số của The Asset.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ e-banking của VIB tăng 77%, giao dịch trực tuyến tăng 109% so với cùng kỳ năm ngoái, 98% số lượng lệnh chuyển tiền và 88% tổng số lượng giao dịch của toàn VIB được thực hiện qua e-banking.
Tiền gửi tiết kiệm qua kênh trực tuyến tại VIB cũng tăng gấp đôi so với cuối năm 2019. Đây là những cấu phần quan trọng đóng góp vào kết quả kinh doanh tích cực của VIB trong 10 tháng đầu năm 2020, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.570 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, và hoàn thành 100% kế hoạch cả năm 2020, với ROE bình quân đạt 29%, thuộc nhóm cao nhất ngành.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà – Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số VIB |
"Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nên việc chú trọng đến ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng luôn là ưu tiên trọng tâm", đại diện VIB khẳng định.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các ngân hàng đều đã sẵn sàng tham gia cuộc đua ngân hàng số, những yếu tố mang tính quyết định cho thành công của các ngân hàng sẽ phụ thuộc vào quy trình, công nghệ và con người.
Tuy nhiên song song với những nỗ lực đẩy mạnh nền tảng công nghệ, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng còn phải giải quyết nhiều bài toán đang là trở lực khiến ngân hàng số chưa thể bùng nổ trong thời gian qua.
Tương lai ngân hàng số
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng ghi nhận 4 thách thức lớn với ngân hàng khi triển khai ngân hàng số. Đó là dễ gặp rủi ro an ninh mạng, thiếu các chính sách và quy định pháp luật hỗ trợ, có quá nhiều ưu tiên chồng chéo và cuối cùng là thiếu lao động có kỹ năng.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ và hệ thống nền tảng thanh toán chưa đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người dùng, dù ngành ngân hàng được xem là đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, quản lý.
Bà Tuyết Hà cho biết, các ngân hàng cần tập trung cho cả ba yếu tố quan trọng: con người, quy trình và giải pháp công nghệ để thực sự triển khai ngân hàng số thành công.
Về yếu tố con người, để triển khai hiệu quả ngân hàng số cần thay đổi tư duy, đặt khách hàng là trọng tâm cho sự thay đổi. Những người trẻ đang dần dần trở thành nhóm khách hàng trọng tâm, với thói quen tiêu dùng số.
Cần phải hiểu họ để thiết kế sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đào tạo nhân sự với các kỹ năng cần thiết cho chuyển đổi số.
Về quy trình, ngân hàng số cần đặt trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm, chuẩn hóa quy trình, giảm thiểu các bước thực hiện yêu cầu, và cắt ngắn thời gian phản hồi. Đó chính là các thế mạnh chủ đạo của ngân hàng số so với hoạt động ngân hàng truyền thống.
Ở khía cạnh công nghệ, ngân hàng cần có năng lực để chọn lọc các giải pháp công nghệ phù hợp đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của các hệ thống hiện hữu và phát huy ưu thế của các giải pháp mới.
Để đẩy nhanh việc đưa sản phẩm mới ra thị trường, các ngân hàng cần có hệ thống sẵn sàng mở cho việc tích hợp xuyên kênh bán hàng, xuyên sản phẩm, xuyên hệ thống, xuyên quy trình, tích hợp nội bộ cũng như sẵn sàng tích hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng.
Để giải quyết những thách thức này, VIB đang triển khai chuyển đổi một cách bài bản, sâu rộng và đồng bộ ở mọi khía cạnh gồm: Product - xây dựng sản phẩm, Customer - chiến lược khách hàng, Sales Force - chính sách nhân viên bán hàng, Sales Platform - kênh bán hàng và công cụ bán hàng, Risk - kiểm soát rủi ro và System - tự động hóa hệ thống.
Việc chuyển đổi đồng bộ này đã tạo nên một mô hình vận hành hiệu quả, giúp hoạt động kinh doanh tăng cả về lượng và về chất, đồng thời mang đến cho khách hàng trải nghiệm tối ưu về các sản phẩm và dịch vụ ưu việt.
Các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn về thị trường, nguồn lực và chính sách để thúc đẩy thanh toán số, ngân hàng điện tử, ngân hàng số lên một tầm cao mới.
Bằng năng lực triển khai và kinh nghiệm cùng mạng lưới đối tác rộng khắp, các ngân hàng năng động về công nghệ và chiến lược chuyển đổi số số hứa hẹn sẽ tiếp tục dẫn dắt hệ thống ngân hàng tiếp cận những tiện ích, dịch vụ và công nghệ ngày càng tối ưu.