Xu hướng chuyển đổi số ngành ngân hàng
Chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra trên khắp thế giới. Theo báo cáo về ngân hàng hợp kênh của Backbase, 90% đại diện các ngân hàng được hỏi cho biết, sẽ tăng chi cho công nghệ nhằm phát triển các nền tảng giao dịch trực tuyến, tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
56% người tham gia khảo sát cho rằng, tương tác giữa khách hàng với các nền tảng số sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giữ chân khách hàng. Cùng với đó, 50% số người dự báo, đến năm 2020, 50% lợi nhuận dịch vụ sẽ đến từ giao dịch qua ứng dụng di động.
Tại Việt Nam, hầu hết ngân hàng đều tập trung phát triển Internet Banking và Mobile Banking. Một số ngân hàng xác định đây là chiến lược trọng tâm nhằm đẩy mạnh mảng bán lẻ, trở thành ngân hàng bán lẻ dẫn đầu thị trường.
Chẳng hạn, tháng 4/2019, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã ra mắt ngân hàng số OCB Omni, dựa trên thế mạnh là ngân hàng hợp kênh mà đơn vị này đã đầu tư và triển khai từ năm 2017 đến nay.
Các chuyên gia nhận định, trong cuộc đua đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số, chìa khóa thành công là tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng thông qua tiện ích đa dạng, tích hợp đầy đủ các dịch vụ, đáp ứng gần như tất cả nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng.
Tiện ích của ngân hàng số
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài khoản ngân hàng để giao dịch trực tuyến, các nền tảng ngân hàng số còn liên kết với nhiều đối tác để xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ.
Theo đó, điện thoại thông minh cùng ứng dụng ngân hàng số sẽ là "trợ lý" đắc lực của người dùng trong cuộc sống hiện đại khi hỗ trợ mua sắm, thanh toán dễ dàng bằng mã QR.
Các dịch vụ như mở tài khoản, thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, tư vấn tài chính thông minh... đều được tích hợp trong ứng dụng.
Với ứng dụng ngân hàng số OCB Omni, khách hàng có thể tiếp cận hơn 80 tiện ích, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí như chuyển tiền nội mạng, chuyển tiền liên ngân hàng 24/7, SMS, Mobile Banking…
Ứng dụng OCB Omni sử dụng tiêu chuẩn bảo mật châu Âu, giúp tăng độ an toàn; khách hàng có thể đăng ký mở tài khoản, mở thẻ, gửi tiết kiệm trực tuyến; quy trình xử lý giao dịch nhanh, chỉ mất 8 giây tiền để tiền về tài khoản khi chuyển tiền liên ngân hàng.
Đây còn là một trong những ứng dụng ngân hàng hợp tác với VinaCapital triển khai sản phẩm đầu tư tài chính; hợp tác với các công ty bảo hiểm bán sản phẩm.
Bên cạnh đó, ứng dụng có tính năng bán ngoại tệ trực tuyến, thanh toán các loại hóa đơn điện, nước, cước viễn thông, học phí, QR Pay...
Ngoài ra, tính năng Giỏ giao dịch giúp khách hàng thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc chỉ với một lần xác thực OTP, qua đó giảm thao tác xử lý và tiết kiệm thời gian.
Bài toán ứng dụng công nghệ
Alex Jimenez, chuyên gia từ Rockland Trust nhận định, với sự phát triển của công nghệ, nhất là công nghệ tài chính, mỗi ngân hàng phải thay đổi sản phẩm, dịch vụ, cách thức tương tác với khách hàng, ứng dụng công nghệ vào Core banking để tạo ra trải nghiệm nhanh nhất, thuận tiện nhất có thể.
"Bài toán lớn nhất mà các ngân hàng cần giải hiện nay là trả lời câu hỏi liệu họ đã ứng dụng công nghệ đủ nhanh, đủ tốt hay chưa", Alex Jimenex nói.
Đại diện OCB cho biết, để cung cấp ứng dụng ngân hàng số đa tiện ích, dịch vụ với công nghệ bảo mật cao, Ngân hàng có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Công nghệ số được Ngân hàng triển khai đồng bộ, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, giúp cải thiện hiệu quả cách thức vận hành hệ thống nội bộ, tối ưu hóa quy trình, nghiệp vụ, quản lý dữ liệu và danh mục khách hàng, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và quản lý rủi ro.
Đối với nền tảng số hóa quy trình nghiệp vụ và số hóa dữ liệu, các quy trình quan trọng về tín dụng đầu tiên thực hiện trên nền tảng này gồm quy trình phê duyệt tín dụng, quy trình xử lý giao dịch tín dụng và quy trình định giá tài sản đã được ứng dụng hiệu quả, từ đó hỗ trợ trực tiếp chiến lược số hóa hoạt động nhằm giảm thiểu thời gian xử lý giao dịch, phục vụ khách hàng nhanh hơn, tốt hơn.
Bên cạnh đó, OCB đã được cấp chứng nhận về hệ thống quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001:2013, giúp người sử dụng kiểm soát mọi hoạt động và nội dung giao dịch. Ngân hàng cũng đã hoàn tất triển khai hệ thống xác thực tiên tiến iOTP nâng cao.
Việc nâng cấp hệ thống ứng dụng, hạ tầng công nghệ và bảo mật góp phần đưa OCB vào nhóm ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được công nhận hoàn tất triển khai thành công các hạng mục dự án quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II.
Ngân hàng được tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's nâng bậc đánh giá lên Ba3 - mức cao nhất tại Việt Nam hiện nay.
Thời gian tới, OCB dự kiến bổ sung hệ sinh thái tính năng trên ứng dụng OCB Omni dựa trên nền tảng hợp kênh như kết nối mạng xã hội, mở rộng thêm phương thức giao dịch, hệ sinh thái one-stop-shopping...