Nên phá giá tiền đồng khoảng 10%

Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, dù chưa thể thả nổi tiền đồng, song Việt Nam cần xem xét lại việc duy trì đồng nội tệ mạnh và nên phá giá tiền đồng khoảng 10% trong vòng 2 -3 năm, mỗi năm phá giá khoảng 3-4%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Thưa ông, NHNN vừa tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên độ thêm 1%.  Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá 3% và điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%. Ông có đánh giá gì về động thái này của NHNN?

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá 3 lần, mỗi lần 1% và tăng biên động tỷ giá 2%, theo đó, tiền đồng đã mất giá gần 5%. Nếu như hai lần đầu năm, tỷ giá được điều chỉnh phần nào do sự chủ động của NHNN thì hai lần điều chỉnh trong vòng một tuần qua, NHNN hoàn toàn bị động, bởi việc Trung quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ nằm ngoài dự báo của NHNN.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá lần này là hợp lý, mang lại những hiệu quả tích cực, làm hạ nhiệt thị trường ngoại hối. Tuần qua, giá USD rẻ khiến nhiều thành phần kinh tế đổ xô mua USD, đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh, cao hơn thị trường chính thức 400 đồng/USD, làm tăng tâm lý đầu cơ. Do thị trường căng thẳng, NHNN đã phải bán ngoại tệ để ổn định thị trường. Việc này dẫn đến nguy cơ hao hụt quỹ dự trữ ngoại hối và rủi ro về thanh khoản. Cho nên, việc tăng tỷ giá vừa giúp ổn định thị trường, vừa giúp bảo toàn quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Tôi cho rằng, sự điều chỉnh tỷ giá của NHNN là cần thiết để giúp thị trường lấy lại cân bằng.  

Đầu năm nay, NHNN cam kết sẽ không điều chỉnh tỷ giá quá 2% song đến nay, tỷ giá đã tăng gấp đôi con số cam kết. Việc này có ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường vào chính sách tỷ giá không, thưa ông?

Ảnh hưởng về mặt niềm tin là có. Tuy nhiên, như tôi đã nói, nhân dân tệ phá giá là nằm ngoài dự báo của NHNN và yếu tố này ập tới đã làm khó NHNN. Việc NHNN cố gắng giữ tỷ giá theo đúng cam kết 2% trong 10 ngày qua chỉ là sự đối phó với thị trường và không thể kéo dài lâu. Tôi mong rằng, người dân và DN phải coi đây là hành động “chẳng đặng đừng” của NHNN. Nếu nhân dân tệ không phá giá sâu thì chắc chắn cam kết về tỷ giá trong năm nay (2%) của NHNN sẽ đạt được.  

Việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ có tác động như thế nào tới kinh tế trong nước, nhất là xuất nhập khẩu và nợ công, thưa ông?

Tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ xuất khẩu vì hàng Việt Nam bán ra khi đó sẽ rẻ hơn trước. Đồng thời cũng sẽ khuyến khích giảm nhập khẩu (vì khi đó giá hàng nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn). Từ đó, nhập siêu sẽ có khả năng giảm. Tuy nhiên, khi tỷ giá tăng, nợ công sẽ rất đáng lo. Trước khi tỷ giá tăng, nợ công ở nước ta đã ở mức độ đáng lo, tỷ giá tăng càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. 

Theo ông, từ nay đến cuối năm, tỷ giá còn có nguy cơ tăng nữa không?

Từ nay đến cuối năm, tỷ giá vẫn còn áp lực. NHNN cần theo dõi tiếp thị trường, song tôi cho rằng, vẫn cần tính đến điều chỉnh tỷ giá nếu thị trường biến động mạnh. Lâu nay, chúng ta vẫn duy trì chính sách đồng nội tệ mạnh. Tuy nhiên, Trung Quốc đang bỏ dần chính sách đồng nhân dân tệ mạnh và có thể tiến tới thả nổi đồng nhân dân tệ theo giá thị trường. Ở nước ta, vấn đề thả nổi chưa thể đặt ra vì sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, đến an sinh xã hội của nền kinh tế song tôi cho rằng, chúng ta cần xem xét phá giá tiền đồng thêm 10% nữa, nhưng không phải trong năm nay mà hai ba năm tới mỗi năm phá giá 3-4%.

Tin bài liên quan