NĐT Nhật chưa hào hứng

NĐT Nhật chưa hào hứng

(ĐTCK) Một số NĐT Nhật Bản nói rằng, họ chưa sẵn sàng quay lại thị trường cổ phiếu Việt Nam, mặc dù giá trị tài sản ròng (NAV) các quỹ của Nhật đầu tư vào Việt Nam đã tăng vọt trong 3 tháng đầu năm.

Đại diện tại Việt Nam của một công ty đầu tư Nhật, mặc dù có mức tăng NAV của hai quỹ mà công ty tham gia đầu tư đạt 20% nói rằng, gần đây nhất, công ty đã từ bỏ kế hoạch rót thêm tiền vào các quỹ đầu tư tại Việt Nam.

Tương tự, Atsushi Inoue, Giám đốc đầu tư của United Investments Co., trụ sở ở Tokyo, trong buổi phỏng vấn gần đây với Đầu tư Chứng khoán cho biết, Công ty chưa có kế hoạch đầu tư trở lại vào thị trường cổ phiếu ở Việt Nam, dù Công ty đã xúc tiến đầu tư thêm vào thị trường cổ phiếu các nước tăng trưởng cao tại châu Á. Từ năm 2010 đến nay, NĐT của United Investments đã rút một nửa vốn đầu tư vào Việt Nam, xuống còn 1,4 tỷ JPY.

NĐT Nhật chưa hào hứng ảnh 1

Dòng vốn Nhật vẫn lưỡng lự với thị trường cổ phiếu Việt Nam

Những kế hoạch này ngược lại hoàn toàn với diễn biến tích cực của các quỹ đầu tư Nhật từ đầu năm tới nay. Mức tăng NAV của các quỹ mở niêm yết bằng đồng JPY trong quý I đã đạt xấp xỉ 25%, cao hơn đáng kể mức tăng 18% trong cùng kỳ của VN-Index. Theo số liệu của Bloomberg, Quỹ CAM Vietnam Fund quy mô 10 tỷ JPY của Capital Asset Management tăng 24%, Quỹ Capital Asean Cam-Vip Fund đầu tư một phần vào Việt Nam cũng của công ty này thậm chí có mức tăng NAV 26%. Một số quỹ nhỏ khác như Sumitomo Mitsui Vietnam Stock Fund tăng 25,4%. Các mức tăng này cao hơn hẳn mức tăng NAV các quỹ niêm yết đồng USD như VOF của VinaCapital tăng 15%, hay Vietnam Gowth Fund của Dragon Capital tăng 19%.

Đồng JPY giảm 17% so với VND suốt từ đầu tháng 11/2012 đến nay và trở thành yếu tố chính giúp NAV các quỹ Nhật đầu tư vào VND tăng vọt. “Thời gian vừa qua, các quỹ Nhật chẳng cần phải làm gì cũng đã lãi 20%”, giám đốc quản lý danh mục của một quỹ đầu tư Nhật có quy mô khoảng 2,8 tỷ JPY nói và ước tính, mức lãi phổ biến của các quỹ từ 25 - 30%. Tuy nhiên, ông không nói gì về kế hoạch đầu tư thêm vào Việt Nam và cho biết, bản thân quỹ này trong năm vừa qua đã bị các cổ đông rút vốn hơn 70% từ quy mô ban đầu hơn 9 tỷ JPY.

Theo ông Inoue, trong xu hướng đồng JPY giảm giá mạnh, dòng tiền đầu tư Nhật đang hướng nhiều vào các thị trường cổ phiếu tốt như Indonesia . Hoặc bằng hình thức khác để tận dụng cơ hội đầu tư vào Việt Nam, United Investments chọn đầu tư vào trái phiếu chính phủ Việt Nam bằng việc bỏ khoảng 20 tỷ VND để mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu của MBCapital trong tháng 3 vừa qua.

“Nói chung, việc tăng NAV cũng tốt, nhưng chưa đủ. Mặc dù về dài hạn, NĐT Nhật vẫn quan tâm đến Việt Nam , nhưng độ nhiệt tình hiện chỉ ở mức trung bình”, giám đốc của công ty đầu tư Nhật nói trên cho biết. Vị giám đốc nhấn mạnh 4 nguyên nhân chính đã làm dòng tiền Nhật “ngập ngừng” trước TTCK Việt Nam trong năm vừa qua: thanh khoản xuống thấp, số DN tốt thấp hơn hẳn các nước ASEAN 4 (Indonesia, Philippines, Malaysia, Thailand), các tin tức về nợ xấu ngân hàng, trục trặc trong ngành bất động sản đều được phổ biến rộng rãi tới Nhật và tiến trình cải cách DNNN quá chậm.

Vị giám đốc trên lưu ý rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản và Việt Nam khả quan hơn dòng vốn gián tiếp vào TTCK, bởi vì bằng hình thức đầu tư FDI, NĐT Nhật vẫn sở hữu đa số và được toàn quyền điều hành.

“Điều chúng tôi muốn được thấy bây giờ là các DN tốt và DNNN lớn như BIDV, Agribank , Vietnam Airlines, Sabeco… được đưa lên sàn niêm yết. Muốn thu hút NĐT nước ngoài thì Việt Nam cần khiến cho họ thấy rằng, họ đang được đầu tư vào những DN tốt”, ông này nói.

Báo cáo của Tạp chí The Economist nhìn nhận cơ hội đầu tư vào châu Á năm 2013 nhận xét, Việt  Nam đã “để mất ít nhiều hào quang” của mình do những vấn đề liên quan đến quản lý kinh tế và đổ vỡ tín dụng trong năm vừa qua. Theo đó, Việt Nam trong năm 2011 và 2012 được các NĐT đánh giá chỉ sau nhóm Top 3 Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia và đã từ lâu được coi là điểm đến thay thế cho tình trạng chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, tuy nhiên đến đầu năm 2013, Việt Nam đã rơi xuống vị trí thứ 6.

Do đó, để thu hút NĐT Nhật Bản nói riêng và NĐT nước ngoài nói chung, bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ lên sàn của các “hàng hóa” có chất lượng, câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô có lẽ vẫn cần được đặt lên hàng đầu.