Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nasdaq thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, giá vàng tăng vọt trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bất chấp các dữ liệu kinh tế tiêu cực, Nasdaq vẫn thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi S&P cũng tiến sát đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 2/2020.

Phố Wall tiếp tục có phiên giao dịch trái chiều trong ngày đầu tuần mới, nhưng diễn biến trái ngược với phiên cuối tuần qua.

Theo đó, Dow Jones đảo chiều giảm nhẹ do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghiệp và tài chính, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ với sự dẫn dắt của hãng sản xuất chip Nvidia đã kéo Nasdaq vượt qua đỉnh lịch sử, trong khi S&P cũng tiến tới gần mốc đỉnh cao lịch sử của mình thiết lập hôm 19/2/2020.

Chứng khoán tăng bất chấp các dữ liệu kinh tế được công bố tiêu cực như doanh số bán lẻ của Trung Quốc và của Mỹ trong tháng 7 không như kỳ vong, trong khi GDP quý II của Nhật Bản có mức giảm lịch sử kể từ khi dữ liệu này được tính toán từ năm 1980.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Dow Jones giảm 86,11 điểm (-0,31%), xuống 27.844,91 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,14 điểm (+0,27%), lên 3.381,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,42 điểm (+1,00%), lên 11.129,73 điểm.

Chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau 2 phiên giảm mạnh cuối tuần qua. Chứng khoán lục địa già hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu khai mỏ theo đà tăng mạnh trở lại của giá kim loại quý, cùng với các cổ phiếu hàng xa xỉ với kỳ vọng sẽ lấy lại được thị phần ở Trung Quốc khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tung gói kích thích kinh tế mới. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trước sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid khiến thêm nhiều nước trong khu vực thắt chặt nhập cảnh hoặc hạn chế trở lại nhiều hoạt động kinh tế ảnh hưởng tới nhóm cổ phiếu du lịch, vận tải khiến đà tăng không mạnh.

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 37,4 điểm (+0,61%), lên 6.127,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,32 điểm (+0,15%), lên 12.920,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 9,01 điểm (+0,18%), lên 4.971,94 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy, GDP trong quý II của Nhật giảm tới 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy thoái lịch sử kể từ khi ghi nhận số liệu này năm 1980. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc lại nhảy vọt nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu sản xuất điện thoại,

Kết thúc phiên 17/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 192,61 điểm (-0,83%), xuống 23.096,75 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 78,70 điểm (+2,34%), lên 3.438,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 164,33 điểm (+0,65%), lên 25.347,34 điểm. Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ lễ.

Sau tuần giảm mạnh nhất từ giữa tháng 3 trước đó, giá vàng đã hồi phục mạnh trong phiên đầu tuần mới để hướng tới chinh phục lại mốc 2.000 USD/ounce. Giá vàng tăng mạnh trở lại do đồng USD yếu và dữ liệu kinh tế thất vọng được công bố ở cả Mỹ, Trung Quốc và đặc biệt mới nhất là Nhật Bản.

Kết thúc phiên 17/8, giá vàng giao ngay tăng 38,8 USD (+2,00%), lên 1.983,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 42,5 USD (+2,19%), lên 1.984,8 USD/ounce.

Trong khi đó, bất chấp các dữ liệu kinh tế thất vọng được công bố, nhưng giá dầu thô vẫn hồi phục mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới do đồng USD yếu và kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc và sắp tới là Mỹ.

Kết thúc phiên 17/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,88 USD (+2,05%), lên 42,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,57 USD (+1,26%), lên 45,37 USD/thùng.

Tin bài liên quan