Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 
Kỷ Hợi vào ngày 12/2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi vào ngày 12/2.

Nâng tầm mục tiêu phát triển TTCK 2020 - 2025

(ĐTCK) Chính phủ đang thể hiện sự rốt ráo, quyết liệt trong việc ban hành chính sách và chỉ đạo nâng tầm phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) theo hướng gia tăng cả về chất và lượng, đáp ứng mong đợi của các thành viên thị trường. 

Thị trường phải lớn để mở thêm không gian tăng trưởng

Sau gần hai thập kỷ xây dựng và phát triển, như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi phát biểu tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi vừa qua, TTCK ngày càng nâng cấp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước nhà nói chung và thị trường tài chính nói riêng.

TTCK đang thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng trong và ngoài nước cho nền kinh tế, đồng thời trở thành bệ phóng cho thành công của nhiều doanh nghiệp lớn... Dẫu vậy quy mô thị trường còn nhỏ, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng còn ở mức chưa cao, tính tuân thủ kỷ cương kỷ luật của thị trường còn hạn chế.

Mặt khác, mặc dù là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế và doanh nghiệp, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, TTCK Việt Nam hiện vẫn chưa thể hiện rõ nét vai trò này, nên gánh nặng tài trợ vốn cho nền kinh tế vẫn đè lên vai hệ thống ngân hàng.

Điều này khiến cả doanh nghiệp, hệ thống tổ chức tín dụng, cũng như nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro.

Từ thực tế trên, cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường đang nuôi dưỡng khát vọng “làm lớn” TTCK cả về lượng và chất, để đảm đương đúng vai trò của kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế.

Là người sáng lập một trong những công ty chứng khoán đầu tiên ra đời cùng với TTCK cách đây hai thập kỷ, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SSI trăn trở: “Mơ ước lớn nhất với các thành viên thị trường là làm sao xây dựng được TTCK lớn mạnh và minh bạch. Tuy nhiên, mỗi thành viên thị trường không thể lớn hơn được nữa, nên toàn thị trường phải lớn thì chúng tôi mới có không gian để trưởng thành”.

Là một trong những doanh nghiệp thường xuyên huy động được lượng vốn lớn thông qua TTCK và lớn mạnh cùng thị trường, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vingroup (VIC - HOSE) nhìn nhận, TTCK Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong huy động vốn.

Hơn 10 năm tham gia TTCK, VIC đã thành công trong huy động vốn cả trong và ngoài nước. Việc tham gia TTCK còn giúp doanh nghiệp cải thiện quản trị nội bộ, tính minh bạch và chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.

Có được kết quả tích cực này, ngoài uy tín của doanh nghiệp, thì còn một yếu tố quan trọng nữa là vai trò và vị thế của TTCK Việt Nam ngày càng được nâng tầm.

“Với sự quan tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy TTCK phát triển thành kênh huy động vốn dài hạn, đồng thời dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi có nhiều nội dung mới, TTCK sẽ phát triển chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong thời gian tới”, ông Hiệp kỳ vọng.

Không chỉ tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, mà cả ý kiến từ nhà quản lý cũng thể hiện mong muốn TTCK sẽ có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong thời gian tới.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hệ thống ngân hàng đang có những vấn đề trong hoạt động, khi tỷ lệ tín dụng trên GDP hiện đạt trên 130%. Do nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp dựa nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn, nên gây áp lực, rủi ro cho hệ thống ngân hàng trong hoạt động cung ứng vốn.

“Chúng tôi muốn thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sau bước phát triển tích cực của thị trường này năm 2018.

Qua đó giúp giảm áp lực cung ứng vốn trung và dài hạn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Điều này góp phần nâng cao tính lành mạnh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, khi chủ yếu chỉ phải cung ứng nguồn vốn ngắn hạn”, bà Hồng cho hay.

Xác lập "đường cao tốc" cho ttck vươn tầm

Thế nhưng, có một thực tế là thời gian qua, tuy Chính phủ thể hiện sự quan tâm sát sao, thường xuyên chỉ đạo các giải pháp phát triển TTCK, nhưng vì thiếu sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả, kịp thời của các bộ, ngành liên quan, nên chậm tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trên.

Nói cách khác, sau gần hai thập kỷ phát triển, dư địa phát triển mới mang tính rộng mở của ngành chứng khoán đang đòi hỏi những giải pháp mang tính liên ngành, bởi nếu chỉ có sự vào cuộc của Bộ Tài chính, UBCK, các thành viên mang tính nội ngành, thì khó nâng tầm phát triển cho thị trường.

Từ thực tiễn lăn lộn với thị trường, Chủ tịch SSI đưa ra một góc nhìn khác về lý do TTCK khó lớn.

Nếu coi TTCK là một kênh song song với ngân hàng trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, thì phải hình thành cơ chế tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng (nhưng hiện không bình đẳng, chẳng hạn lãi tiền gửi tiết kiệm không phải đánh thuế, trong khi người dân đầu tư chứng khoán lỗ cũng phải chịu thuế - PV).

Thế nhưng, trên thực tế, các ngân hàng đang được ưu ái hơn. Khi ngân hàng thương mại có vấn đề gì, thì Ngân hàng Nhà nước đứng ra đảm bảo an toàn tiền gửi cho người dân. Trong khi nhiều điều trên TTCK đang khắt khe hơn, bị trói buộc…

Liên tiếp gần đây, Chính phủ thể hiện sự quan tâm đến ban hành chính sách, cũng như chỉ đạo TTCK phát triển. Chỉ trong tháng 2/2019, đã có 3 dấu mốc lớn, quan trọng đối với ngành chứng khoán, điều hiếm thấy trong lịch sử gần hai thập kỷ phát triển của TTCK Việt Nam.

Đầu tiên, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm Kỷ Hợi vào ngày 12/2.

Tại đây, người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra những gợi mở quan trọng cho đường hướng nâng tầm phát triển TTCK trong giai đoạn tới.

Theo đó tiếp tục phát triển thị trường bền vững, phát huy vai trò của thị trường trong tạo vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, nâng cao chất lượng, tăng trưởng, tăng tính minh bạch của nền kinh tế trong thời gian tới...

Thứ hai, 10 ngày sau sự kiện quan trọng trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, phụ trách chỉ đạo lĩnh vực chứng khoán, đích thân tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2019.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã đưa ra những định hướng cụ thể về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên cả phương diện ổn định kinh tế vĩ mô, lẫn các giải pháp tiếp sức cho sự phát triển của thị trường, đặc biệt là những chỉ đạo cụ thể về việc tiếp tục tái cơ cấu TTCK trong thời gian tới, để phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, doanh nghiệp.

Thứ ba, gắn liền với những cam kết chính sách đó, ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 242/2019 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, với định hướng tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn… Từ định hướng lớn này đã mở ra dư địa mới cho TTCK phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh các chỉ tiêu mang tính định lượng như: Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025; quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025; số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017..., điểm đáng chú ý tại Đề án này là Chính phủ đưa ra hệ thống giải pháp nhằm khắc phục một trong những “điểm nghẽn” khiến TTCK khó lớn đó là thiếu sự phối hợp vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành liên quan.

Theo đó, Đề án xác định cụ thể, rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong thực thi các giải pháp nhằm nâng tầm phát triển TTCK. Một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi mà Đề án đưa ra là thành lập Tổ điều hành TTCK.

Để cơ chế này vận hành hiệu quả, ngoài giao Bộ Tài chính chủ trì, Thủ tướng yêu cầu có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.

Tin bài liên quan