Nặng nợ với quá khứ

Nặng nợ với quá khứ

(ĐTCK-online) Về công tác tại CTCP Sữa Hà Nội (HNM) từ tháng 3/2009, ông Nguyễn Hoàng Tuấn (chỉ nắm giữ 200.000 cổ phiếu HNM) được bầu làm Chủ tịch HĐQT HNM, sau sự từ nhiệm hàng loạt của nhân sự trong Ban lãnh đạo HNM cũ.

Ở một DN khác, Chủ tịch CTCP Alphanam (ALP) "đặt chân" vào CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) thông qua việc ALP mua lại cổ phiếu lượng lớn tại công ty này. Ngày 11/8/2010, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch HĐQT trúng cử làm Chủ tịch HĐQT TLC. Ban lãnh đạo TLC cũ chỉ còn lại ông Trần Tùng Lâm, đảm nhận vị trí thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc đương nhiệm.

Dù thời gian chưa đủ dài để chứng minh năng lực của ban lãnh đạo mới, nhưng thực trạng các DN này đang tồn tại nhiều vấn đề, mà bản thân những con người mới, dù có nỗ lực, cũng chưa chắc đã giúp DN thoát qua được những tồn tại đã tích tụ từ lâu…

 

Lỗ do tồn đọng cũ

Tại ĐHCĐ CTCP Sữa Hà Nội (HNM) cuối tuần qua, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, cho biết, trong tổng số lỗ 21,8 tỷ đồng năm 2010, có khoảng 1/3 đến từ tồn đọng của những năm trước. Theo ông Tuấn, những tồn đọng cũ đến nay mới giải quyết được một phần và trong 3 năm tại vị của ông, trong khi các đối thủ có nhiều cơ hội và lợi thế để bứt phá thì Ban điều hành HNM vẫn loay hoay giải quyết các "hậu quả" đọng lại của bộ máy lãnh đạo cũ. Đến bây giờ, cơ hội để HNM cải thiện vị trí trên thị trường sữa cũng rất khó.

Cũng theo ông Tuấn, hiện HNM đang muốn chuyển nhượng lại khu đất tại Khu công nghiệp dệt may Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương nhưng chưa thể làm được bởi khu đất này chỉ có thể sử dụng vào mục đích sản xuất dệt may; HNM cũng mới chỉ đòi được 1 tỷ trong số 3,2 tỷ đồng mà CTCP Ô tô Việt Nam nợ từ trước; HNM vẫn bị mắc kẹt vốn tại Dự án góp vốn thành lập CTCP Siêu thị Hapro Thanh Hoa mà chẳng rõ hiệu quả kinh doanh của công ty này…

Còn tại CTCP Viễn thông Thăng Long, hoạt động kinh doanh của Công ty chưa có gì cải thiện kể từ khi được ALP tiếp quản. Tại cuộc họp HĐQT TLC ngày 30/5/2011, ông Trần Tùng Lâm chính thức nộp đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc và rút khỏi HĐQT. Ông Bùi Hồng Tuấn, người từ ALP chuyển sang, được bầu kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc TLC.

Theo đánh giá của HĐQT TLC, việc đầu tư không đúng hướng, thiết bị dây chuyền không đồng bộ đã gây ra hậu quả là, từ năm 2008 đến nay, Công ty càng làm, càng lỗ. Đến cuối năm 2010, Công ty lỗ lũy kế 74,90 tỷ đồng; hết quý I/2011, lỗ trong kỳ là 2,23 tỷ đồng và lũy kế là 77,13 tỷ đồng. Nghị quyết HĐQT ngày 30/5 cũng dự kiến, năm 2011 lỗ thêm 20 tỷ đồng và lỗ lũy kế đến cuối năm 2011 lên tới 97,13 tỷ đồng. Đánh giá tình hình hiện tại về hoạt động sản xuất kinh doanh, TLC cho biết, các sản phẩm của Công ty như cáp đồng, cáp quang viễn thông, dây và cáp điện… đều yếu thế về cạnh tranh trên thị trường, do đầu tư thiếu đồng bộ, công nghệ lạc hậu. Doanh số của hầu hết mặt hàng đều ở dưới điểm hoà vốn.

HĐQT TLC đã xem xét và cân nhắc tới những hệ quả và khả năng Công ty sẽ bị rút niêm yết do không đủ điều kiện và những quy định đối với một công ty niêm yết.

 

Mịt mờ lối thoát

Trước những khó khăn trên, HĐQT TLC đã thống nhất đưa ra 2 phương án cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Phương án thứ nhất, TLC sẽ tiếp tục duy trì hoạt động như bình thường và tăng cường kiểm soát chi phí nhằm giảm lỗ đến mức thấp nhất. Phương án hai, TLC sẽ tiến hành thanh lý các tài sản không sinh lời (máy móc thiết bị, vật tư, hàng tồn kho của dây chuyền sản xuất cáp đồng viễn thông); cân nhắc việc đầu tư thêm hay thanh lý thiết bị và vật tư hàng hóa của dây chuyền cáp quang và dây đồng điện lực. Phương án này sẽ phát sinh thêm một khoản lỗ mới do việc bán thanh lý tài sản, nhưng sẽ bảo tồn tối đa được nguồn vốn đã đầu tư, có khả năng sinh lời trong tương lai. TLC cũng sẽ tiến hành ngay việc tìm kiếm các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh mới, kết hợp với sự trợ giúp về thương hiệu và nguồn lực tài chính từ Alphanam Group.

Còn tại HNM, "lối ra" theo HĐQT, vẫn chỉ là tập trung đầu tư marketing lớn cho thương hiệu IZZI trong năm 2011, điều mà cổ đông vẫn cho là "bài toán khó" trong bối cảnh lượng tiền mặt của Công ty rất thiếu, kinh doanh thua lỗ bình quân 20%/năm.