Nặng nợ với cầm cố cổ phiếu

Nặng nợ với cầm cố cổ phiếu

(ĐTCK) Việc lấy tài sản cá nhân làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại DN khiến các ông chủ DN có nguy cơ trở thành người làm thuê kiêm chủ nợ.

Nhiều “đại gia” bảo lãnh vốn vay DN bằng cổ phiếu

Theo báo cáo tài chính quý III/2013 của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, mã QCG), khoản vay có giá trị gốc hơn 1.358 tỷ đồng sẽ đáo hạn từ ngày 30/6/2014 đến ngày 30/6/2015, được bảo lãnh bằng toàn bộ Dự án Phước Kiển và số cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty.

Chưa rõ số cổ phiếu bà Loan sử dụng để thế chấp khoản vay này là bao nhiêu, nhưng tại thời điểm 30/6/2012, khi giá cổ phiếu QCG xấp xỉ 10.000 đồng/CP, thì số cổ phần mà bà Loan thế chấp trị giá 124,2 tỷ đồng. Hiện tại, giá cổ phiếu QCG là 6.700 đồng/CP.

Đây là một trong nhiều khoản vay của QCGL có tài sản thế chấp là tài sản cá nhân của Chủ tịch HĐQT Công ty. Các tài sản cá nhân khác mà bà Loan sử dụng để thế chấp cho các khoản vay của Công ty chủ yếu là quyền sử dụng đất, trong đó có khoản nợ tại thời điểm 30/9/2013 đã quá hạn.

Tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG), Công ty có 3 khoản vay được bảo lãnh một phần bằng cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT, ông Đoàn Nguyên Đức.

Cụ thể, khoản vay hơn 715 tỷ đồng từ BIDV Bình Định của HAGL được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và 18 triệu cổ phiếu HAG của ông Đức. Khoản trái phiếu trị giá 2.500 tỷ đồng mà HAGL phát hành tháng 4/2012 được đảm bảo bằng 72,7 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của ông Đức. Khoản trái phiếu trị giá 450 tỷ đồng mà HAGL phát hành tháng 4/2013 cũng được đảm bảo bằng 13,34 triệu cổ phiếu HAG của ông Đức, cùng 121 nền đất.

Nặng nợ với cầm cố cổ phiếu ảnh 1

Chủ tịch HĐQT HAG dùng 1/3 cổ phần của mình để bảo lãnh khoản vay của Công ty

Như vậy, có tới 104,04 triệu cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức đã được sử dụng để tham gia bảo lãnh 3 khoản vay của HAGL, tương đương 1/3 số cổ phần sở hữu của ông Đức tại Công ty.

Tương tự hai trường hợp trên, CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc, mã KBC) có một khoản vay bằng trái phiếu trị giá 500 tỷ đồng tại BIDV được bảo lãnh bằng 12,63 triệu cổ phiếu SGT của CTCP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel) và 16,75 triệu cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc.

 

Nguy cơ “bốc hơi” tài sản

Tình trạng lãnh đạo DN dùng cổ phiếu, tài sản cá nhân bảo lãnh khoản vay của DN do mình lãnh đạo chủ yếu diễn ra tại các DN do một cá nhân hay gia đình gây dựng, có tỷ lệ sở hữu chi phối. Ở nhiều DN niêm yết thuộc các chủ sở hữu tư nhân, quy mô vay nợ lớn, NĐT có thể dễ dàng tìm thấy những khoản vay được bảo lãnh bởi cổ phiếu của chủ tịch HĐQT hay cổ đông lớn. Tại những DN nhỏ hơn, tình trạng này cũng có, nhưng ít được thuyết minh chi tiết.

Trong điều kiện DN vận hành trơn tru, việc bảo lãnh này dường như vô hại. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, không ít lãnh đạo DN rơi vào tình trạng “mất đơn, mất kép”, vì khi DN yếu kém, lợi nhuận giảm hoặc thua lỗ, khiến giá cổ phiếu giảm mạnh, dẫn tới số cổ phiếu sử dụng cầm cố tăng lên. Đến thời hạn trả nợ, nếu DN không thể thu xếp được (nguồn trả nợ hoặc đáo nợ), thì lãnh đạo DN có thể bị ép bán cổ phiếu ở mức giá rẻ mạt.

Đơn cử, khoản vay 500 tỷ đồng trái phiếu của Kinh Bắc nói trên, ban đầu chỉ cần 10 triệu cổ phiếu KBC của ông Đặng Thành Tâm, nhưng đến nay, do giá cổ phiếu giảm, đã tăng lên thành 16,75 triệu cổ phiếu, kèm theo 12,63 triệu cổ phiếu SGT. Nếu Kinh Bắc không trả được nợ, sở hữu của ông Tâm tại Saigontel và Kinh Bắc sẽ giảm mạnh.

Chủ tịch HĐQT một DN niêm yết trên HOSE, có trụ sở tại Hà Nội chia sẻ với ĐTCK, từ mức sở hữu trực tiếp 30% vốn điều lệ Công ty, gián tiếp sở hữu 45% vốn điều lệ, hiện nay, ông gần như trắng tay chỉ vì suy nghĩ: tài sản của DN cũng là tài sản của mình.

Năm 2009, DN của ông đầu tư trái ngành sang lĩnh vực bất động sản. Khi đó, để có thêm nguồn vốn, Công ty vay nợ khá nhiều. Do không có tài sản đảm bảo, nên các khoản vay hầu hết được cầm cố bằng cổ phiếu của ông. Đến năm 2011, dự án bất động sản gặp bế tắc, trong khi các chi phí chủ yếu ở dạng chi phí ngầm, được Công ty hợp thức hóa dòng ra bằng dạng ủy thác đầu tư cho cá nhân (là người nhà của Chủ tịch HĐQT), nên ông một lúc chịu 2 sức ép: cổ phiếu bị ngân hàng siết nợ gần hết, người thân mang nợ với DN vì vẫn treo lơ lửng khoản ủy thác đầu tư.

“Tôi hoàn toàn không lấy một đồng của DN, nhưng giờ không biết bằng cách nào để hợp thức hóa được các khoản chi nói trên. Sai lầm lớn nhất của tôi là đã không rạch ròi tài sản của DN với cá nhân, để đến bây giờ, tài sản bốc hơi theo DN”, ông nói.