Năng lượng sạch là xu hướng tất yếu

Năng lượng sạch là xu hướng tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu năng lượng sạch có triển vọng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khi năng lượng sạch là xu hướng phát triển tất yếu của ngành năng lượng.

Bà Ngô Tố Nhiên, Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam:

Có thể nhìn nhận rõ ràng, nhiệt điện than sẽ giảm mạnh vai trò. Theo Quy hoạch Điện VII sửa đổi, tổng công suất lắp đặt nhiệt điện than tới năm 2020 là 57 GW, song cho đến nay mới được 20 GW đang vận hành; 8,5 GW đang được xây dựng; các dự án còn lại bị trì hoãn và chưa đàm phán hợp đồng mua bán.

Tư duy chuyển dịch nhiệt điện than sang năng lượng tái tạo là rõ rệt. Về tài chính, các ngân hàng quốc tế đều từ chối cho vay nhiệt điện than. Về nguồn nguyên liệu, Việt Nam đang phải nhập khẩu than để phát điện. Theo tính toán, chúng ta sẽ nhập khẩu gần 90 triệu tấn than, gần 16 triệu tấn LNG vào năm 2030.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ. Cho tới tháng 9/2020 có 99 nhà máy điện mặt trời, trong đó có 56 nhà máy điện mặt trời áp mái, 11 nhà máy điện gió. Trong lĩnh vực này, chính sách tác động rất lớn tới thị trường, đơn cử, giá FIT đã được phê duyệt 7,8 cent/kWh từ năm 2011 nhưng có rất ít dự án; đến năm 2017, chính sách giá mới được ban hành, lập tức các dự án tăng mạnh và từ năm 2018, điện gió cũng phát triển.

Dự báo, các dự án điện gió và điện mặt trời sẽ tăng mạnh, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang được xây dựng, đến năm 2030 sẽ có 19 GW điện mặt trời, 17,8 GW điện gió. Ước tính, 36,8 GW cần trên 66 tỷ USD vốn đầu tư, lớn nhất là cho điện gió.

Trong đó, đa số dự án đang đăng ký nằm ở miền Trung và miền Nam, số lượng dự án đã bổ sung là 11 GW, các dự án tiềm năng khác là 6,4GW. Đây cũng là một điều cần lưu ý vì có quá nhiều dự án ở miền Trung trong khi nhu cầu khu vực này lại thấp, nên rất cần các giải pháp để tối ưu hóa nguồn sử dụng.

Cho đến tháng 12/2020, dưới áp lực chạy đua giá FIT, các dự án tăng tốc và đi vào vận hành nhanh, trong đó 10 GW điện mặt trời đang xếp hàng vào lưới điện.

Về điện khí có 130 GW thì có 21 GW đã bổ sung quy hoạch, 106 GW đang chờ.

Như đã đề cập, các chính sách sẽ ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển của ngành, trong đó rõ ràng nhất là Quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển (đầu vào cho các ngành công nghiệp), cơ chế phát triển thị trường điện cạnh tranh, cơ chế đầu tư lưới điện...

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương:

Tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của Việt Nam trong những năm qua luôn ở mức cao, khoảng 10%. Nhu cầu phụ tải điện cũng cao, trong những năm tới có thể lên tới 8 - 9%/năm. Đây thực sự là thách thức với ngành điện.

Việt Nam có tiềm năng lớn ở năng lượng gió và năng lượng mặt trời, gần đây có những tiến bộ lớn về khoa học kỹ thuật cho nên hiệu suất các loại điện gió, điện mặt trời tăng cao, giá thành sản xuất các loại điện này giảm.

Vì vậy, các nguồn điện gió, điện mặt trời về cơ bản cạnh tranh được với các nguồn điện truyền thống như than, khí đốt nhập khẩu. Chúng tôi cho rằng, việc phát triển năng lượng tái tạo là sự lựa chọn đúng đắn cần thiết để tăng cường nguồn điện cho Việt Nam cũng như giảm phát thải cho môi trường.

Ông Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Gần đây, chúng tôi phối hợp với Bộ Công thương để trình Chính phủ Quy hoạch Điện VIII. Quy hoạch Điện VIII sẽ khác hẳn Quy hoạch Điện VII. Dấu mốc quan trọng nhất là đảo ngược tư duy năng lượng, một phần đáng kể dành cho năng lượng sinh khối, có thể đẩy tiếp tỷ phần điện sinh khối lên cao hơn.

Tin bài liên quan