Thị trường ghi nhận thêm nhiều nhà đầu tư mới từ cuối năm ngoái đến nay (ảnh minh họa)

Thị trường ghi nhận thêm nhiều nhà đầu tư mới từ cuối năm ngoái đến nay (ảnh minh họa)

Nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu và chuyện "hẹp cửa vào, rào lối đi"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thống kê các cổ phiếu đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng 12 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP, 52 cổ phiếu có thị giá từ 50.000-100.000 đồng/CP. Tỷ lệ vốn hóa của mỗi nhóm này so với vốn hóa toàn HOSE là 27% mỗi nhóm .

Nếu lô giao dịch tối thiểu trên HOSE được nâng lên 1.000 cổ phiếu, đồng nghĩa, các nhà đầu tư có số vốn dưới 50 triệu đồng sẽ không giao dịch được khoảng 64 cổ phiếu, chiếm 54% vốn hóa HOSE.

Xét trên số lượng không nhiều nhưng vốn hóa thị trường thì khá lớn.

Trong khi đó, không ít các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ làm quen và tham gia thị trường với số vốn chỉ khoảng 20-30 triệu đồng. Ghi nhận không ít nhà đầu tư mới tham gia thị trường năm 2020, chỉ khoảng sau 6 tháng, tài khoản cũng đã gia tăng lên đáng kể.

Đây là ưu điểm của thị trường chứng khoán bởi tính thanh khoản cao – vốn được cấu thành bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc các thủ tục và điều kiện dễ dàng tham gia thị trường và số vốn ban đầu nhỏ, chỉ cần 5 triệu -10 triệu đồng cũng đã có thể đầu tư chứng khoán.

Nhưng, với giải pháp dự kiến đưa ra từ HOSE về việc nâng lô tối thiểu, cơ hội cho các nhà đầu tư vốn ít dưới 100 triệu mua được các cổ phiếu trên là hoàn toàn không có.

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu đầu ngành, kinh doanh tăng trưởng và không có quá nhiều thời gian để nhìn bảng điện hàng ngày, thì phương pháp đầu tư tích lũy tài sản được lựa chọn.

Bằng cách mua vài chục cổ phiếu đều đặn mỗi tháng với chi phí không quá lớn (đối với lô 10 cổ phiếu trước đây), và khoảng vài chục triệu từ khoảng tháng 1/2021 (khi lô giao dịch đã nâng lên 100 cổ phiếu).

Và giờ, nếu là lô 1.000 cổ phiếu, họ sẽ không còn cơ hội tích lũy cổ phiếu đầu ngành, thị giá lớn.

Nếu như việc nâng lô tối thiểu lên 1000 cổ phiếu bắt buộc phải thực hiện để giữ thị trường, giải quyết nghẽn lệnh thì việc xử lý lô lẻ như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư cần được lưu tâm thực hiện theo hướng tiện lợi, sát với giá thị trường nhất.

Thống kê các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp (theo giá đóng cửa 2/3/2021)

Thống kê các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cp (theo giá đóng cửa 2/3/2021)

Nhà đầu tư P.T.Nhựt cho rằng, có thể nhiều tình huống có thể dẫn đến tranh chấp do tổng tiền khá lớn. Ví dụ trường hợp thế này, nhà đầu tư có 900 cổ RAL và nắm giữ với kỳ vọng giá 230.000 đồngc/CP. Bây giờ, quy định lô tối thiểu 1.000 cổ phiếu, vậy nhà đầu tư giờ muốn bán thì sẽ bán như thế nào khi mà quy định bán lô lẻ chưa có. Đặc biệt, khi các công ty chứng khoán thu mua lại, nhà đầu tư có thể chịu thiệt thòi do giá thu mua thấp hơn hẳn so với thị giá và mất rất nhiều thời gian để bán được.

Theo đó, nhà đầu tư này cho rằng, đưa ra giải pháp cần tính kỹ các tình huống làm sao cho cân bằng các bên, không để xảy ra tình trạng tranh chấp.

Dưới góc độ thành viên, chia sẻ với báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một công ty chứng khoán cho biết, việc nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 sẽ phát sinh lô lẻ rất nhiều. Trước nâng từ 10 lên 100/lô đã phát sinh cổ phiếu lẻ và hiện Công ty vẫn chưa xử lý hết, tuy nhiên ghi nhận phản hồi thì nhà đầu tư vẫn chấp nhận vì số lượng cổ phiếu lô lẻ không quá nhiều.

"Nhưng khi lên lô 1.000 cổ phiếu thì số lượng lô lẻ nhiều hơn hẳn, tương ứng giá trị cũng cao hơn. Điều này khiến một số công ty chứng khoán không có hoạt động tự doanh (một số CTCK nước ngoài hiện không tự doanh – PV) thì nay cũng phải có để thực hiện thu mua lô lẻ", vị lãnh đạo này chia sẻ.

Thực tế việc thu mua cổ phiếu lẻ của nhà đầu tư (phát sinh do trả cổ tức, nâng lô giao dịch...), thường các công ty chứng khoán khi thu mua thì đưa giá thấp hơn thị giá, thậm chí chỉ bằng 60-70% thị giá. Nếu chỉ một vài cổ phiếu thì nhà đầu tư sẽ không quan tâm, nhưng nếu đến hàng trăm với giá trị nhiều triệu đồng thì câu chuyện sẽ rất khác.

Để giải quyết câu chuyện này, kèm theo đề xuất nâng lô lên 1.000 cổ phiếu cũng có giải pháp đi kèm là thêm khung thời gian cho các giao dịch dưới 1.000 cổ phiếu sau giờ giao dịch chính thức. Tuy nhiên cũng có hàng loạt câu hỏi được đưa ra, đó là cơ chế giao dịch thế nào (khớp lệnh, giá trần, sàn,...), giá trị và khối lượng giao dịch dù nhỏ của phiên bổ sung này có được tính vào các chỉ số không hay chỉ là giải pháp tạo thanh khoản,...?

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI bày tỏ quan điểm. “Đã gọi là giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải thì kiểu gì cũng có mặt trái, nhưng nếu không có giải pháp thì hệ thống sụp đổ thị trường sẽ dừng hoạt động. Trong hai cái dở phải chọn cái ít dở hơn thôi! Giải pháp tăng lô lên 1000 là lựa chọn khả dĩ nhất lúc này để duy trì hệ thống, khi hệ thống mới được đưa vào sử dụng thì sẽ giảm trở lại lô 10. Các công ty chứng khoán cần tổ chức mua lô lẻ cho nhà đầu tư”.

Theo ông Hưng, giống như cần trị bệnh phải uống thuốc thì mục tiêu chính là giảm bệnh và phải chấp nhận các phản ứng phụ của thuốc! Đây là hệ quả của thị trường đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với khả năng phát triển cùa hệ thống trong nhiều năm qua, cho nên để giải quyết triệt để không thể chỉ là những giải pháp một sớm một chiều.

Trên thế giới, ở nhiều thị trường phát triển, họ áp dụng lô giao dịch tối thiểu rất nhỏ, đặc biệt từ năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường tăng đột biến, nhiều Sở giao dịch cũng điều chỉnh lô tối thiểu giảm xuống để kích thích nhà đầu tư tham gia thị trường dễ hơn và cũng qua đó tăng thanh khoản rất tốt. Chẳng hạn thị trường Singapore đã giảm lô từ 1.000 xuống 100 cổ phiếu/lô từ rất lâu và đang xem xét đề xuất giảm hẳn xuống 1 cổ phiếu/lô; thị trường Nhật cũng có lộ trình giảm xuống 1 cổ phiếu/lô, thị trường Đài Loan đã có giao dịch lô lẻ 1-999 cổ phiếu/lô…

Một số thị trường phát triển khác tăng lô lớn với các cổ phiếu có thị giá lớn, nhưng tỷ lệ đòn bẩy của các thị trường đó lớn, có thể tỷ lệ đòn bẩy 1:10, thậm chí 1:100, nên nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn có thể tham gia mua các cổ phiếu đó. Ở Việt Nam, tỷ lệ đòn bẩy hiện chỉ 1:1.

Ngoài ra, các thị trường này còn có thị trường chứng quyền, phái sinh phát triển rất tốt, nên có thể phát hành các sản phẩm phái sinh trên chứng khoán cơ sở với chi phí đầu tư ban đầu thấp qua đó giúp nhà đầu tư có thể gián tiếp đầu tư được cổ phiếu thị giá cao.

Việt Nam đã có thị trường phái sinh, CW nhưng thanh khoản chưa ăn thua và nhà đầu tư cá nhân cũng chưa tham gia nhiều, theo đó, cũng khiến các nhà đầu tư cá nhân chưa thể đầu tư cổ phiếu cơ sở thị giá cao thông qua các sản phẩm này.

Tin bài liên quan