Nâng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu: Tạo đường cho xe hơi, phải giữ lối cho xe đạp

Nâng lô giao dịch 1.000 cổ phiếu: Tạo đường cho xe hơi, phải giữ lối cho xe đạp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau quá trình khảo sát các công ty chứng khoán (CTCK), phương án mượn tạm hạ tầng HNX nhiều khả năng cho thấy khó triển khai sớm. Giải pháp tăng lô lên 1.000 cổ phiếu được nhìn nhận khả thi hơn vào lúc này.

Nghẽn lệnh được ví như hình ảnh lưu lượng các phương tiện giao thông trên đường.

Phương án giải quyết tắc nghẽn, giải pháp mà HOSE và cơ quan quản lý cao hơn đang tính toán được ví dạng như tách đường riêng cho ôtô, xe máy, tuy vậy để không ảnh hưởng đến thị trường và giao dịch của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhất thiết vẫn phải có lối đi cho xe đạp.

Đây là nhu cầu và tâm lý chung của hầu hết thành viên thị trường. Phương án được cho là khả thi hơn cả tiếp tục nâng khối lượng lệnh lên mức 1.000 cổ phiếu/lệnh mua - bán trong giờ, sau đó là dành 30 - 45 phút phiên chiều cho các giao dịch dưới 1.000 cổ phiếu/lô.

Nói là khả thi hơn cả vì bởi các phương án đề xuất khác khó triển khai trong thời gian ngắn.

Nhận xét về phương án mượn tạm hạ tầng HNX vừa xin ý kiến, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, rất khó khả thi. Bởi thực tế, để làm được như vậy, các công ty chứng khoán phải thay đổi hệ thống và việc này mất không ít thời gian, chưa kể nhiều công ty chứng khoán hiện đều mua phần mềm giao dịch từ nước ngoài, không chủ động được việc chỉnh sửa hệ thống. Ở giai đoạn Covid như hiện nay, việc phối hợp với chuyên gia nước ngoài chỉnh sửa hệ thống không đơn giản, không thể ngày một ngày hai.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thời điểm này cần tìm và áp dụng giải pháp khả thi nhất, ít ảnh hưởng nhất tới nhà đầu tư và thị trường.

Đứng trên quan điểm kết nối cung - cầu, nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán cho rằng, nên chọn giải pháp ít xấu nhất trong các giải pháp và việc phân luồng giao dịch có thể áp dụng. Nâng lô giao dịch là giải pháp nhanh nhất để giảm số lệnh, trước HOSE đã một lần nâng số lượng cổ phiếu mỗi lệnh mua bán từ 10 lên 100 cổ phiếu, và có thể nâng tiếp lên 1.000!

Nếu ví với giao thông thì đây là giải pháp hạn chế xe cá nhân, yêu cầu dùng phương tiện công cộng để hạn chế tắc đường.

Tuy vậy, lãnh đạo nhiều CTCK chia sẻ quan điểm rằng, phải có thời gian giao dịch cho các lô cổ phiếu dưới 1.000 đơn vị trong hàng phiên. Việc này nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch, vốn là tôn chỉ của thị trường chứng khoán, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.

Còn việc nhà đầu tư tự mua bán chứng khoán hay tham gia qua các quỹ là quyền của họ, không thể dùng biện pháp kỹ thuật để ép họ phải làm theo ý chí của bất cứ cơ quan nào.

Nâng lô, giải pháp đã từng được đề xuất và bây giờ được coi là khả thi, phải khẳng định lại là giải pháp nhanh nhất, nhưng không phải tốt nhất để hạn chế nghẽn lệnh. Khó đánh giá được tác động của giải pháp này nếu được triển khai.

Sớm làm rõ hiện trạng tắc đường

Cũng với việc tìm ra giải pháp khắc phục nghẽn lệnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên yêu cầu HOSE hoặc trực tiếp minh bạch các thông tin về hệ thống giao dịch của Sở, khả năng tiếp nhận lệnh, năng lực xử lý lệnh, số lượng và quy mô các loại lệnh trên thị trường… tới các nhà đầu tư. Khi đã minh bạch và chia sẻ đầy đủ thông tin như vậy, nhà đầu tư sẽ tin tưởng vào các giải pháp mà cơ quan quản lý triển khai để giúp thị trường hoạt động thông suốt, đồng thời tham gia quá trình giám sát hoạt động của hệ thống.

Số liệu từ HOSE cung cấp cho Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các phiên tắc nghẽn thường có số lượng lệnh vào khoảng gần 600.000. Tuy nhiên, dữ liệu về số lượng lệnh trong ngày, trong đó có lệnh mua, lệnh bán… theo khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện rất lộn xộn và không đồng nhất giữa HOSE, các công ty chứng khoán và các công ty cung cấp dữ liệu tài chính trên thị trường.

Chẳng hạn, nhóm kỹ thuật viên của Vietstock đã thống kê để so sánh sự khác nhau/giống giá trị về lệnh mua, khối lượng mua, lệnh bán, khối lượng bán tính tới 13/11/2020 trên 3 sàn, trong đó theo dõi chủ yếu trên sàn HOSE với 356.672 biến. Kết quả cho thấy, về lệnh mua, tại VND khác FPTS 94.185 biến; Cafef khác FPTS 11.434 biến, tương tự về lệnh bán, VND khác FPTS 72.993 biến; Cafef khác FPTS 10.693 biến.

Lãnh đạo một công ty cung cấp dữ liệu tài chính trên thị trường cho biết, thông thường chỉ có các công ty chứng khoán hoặc nhà đầu tư tổ chức mua gói dữ liệu của HOSE mới có những thông tin như vậy, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không có thông tin. Bản thân công ty ông từng liên hệ và trao đổi với HOSE để mua gói dữ liệu nhưng không thành vì giá cả khá đắt đỏ và khó tối ưu sử dụng gói dữ liệu theo nhu cầu của công ty và khách hàng (Sử dụng 1 gói thì thiếu, 2 gói lại thừa…).

Không chỉ có dữ liệu về số lượng lệnh mua, lệnh bán trên thị trường, đến từ tổ chức, hay nhà đầu tư cá nhân; tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết hiện cũng là dữ liệu hữu ích với hoạt động đầu tư nhưng lại không được công bố rộng rãi mà chỉ có nhà đầu tư tổ chức, công ty chứng khoán tiếp cận được thông qua trả phí cho HOSE.

Thực tế bất cân xứng về thông tin giao dịch thị trường như đề cập ở trên rất cần được các cơ quan quản lý “vào cuộc” xem xét.

Tin bài liên quan