Ảnh: Lê Toàn.

Ảnh: Lê Toàn.

Nâng hạng sẽ tiếp lửa cho thị trường chứng khoán Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc tiến gần hơn tới mục tiêu nâng hạng lên nhóm mới nổi được toàn thị trường kỳ vọng sẽ giúp chứng khoán Việt Nam tiếp tục thăng hoa trong năm 2021.

Kịch bản lạc quan vào tháng 9

Trong kịch bản lạc quan, nhiều nhà phân tích kỳ vọng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 9/2021 và chính thức được nâng hạng từ tháng 3/2022.

Dự báo về thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021, giới chuyên gia cho rằng, xu thế tăng dài hạn đã được thiết lập. Kỳ vọng hiệu ứng gia nhập thị trường mới nổi sẽ tiếp tục là lực đẩy với chỉ số VN-Index trong thời gian tới, đặc biệt là khi MSCI có thể đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ kỳ đánh giá tháng 6/2022.

Ông Đào Phúc Tường, Nguyên Giám đốc Đầu tư Quỹ APS Singapore kể, năm 2019, ông mang câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sang Singapore để huy động vốn và câu chuyện này thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

“10 năm rồi, chúng tôi đi bán vốn cho Việt Nam đều mang câu chuyện này để kể với nhà đầu tư nước ngoài. Khi chứng khoán Việt Nam chưa lọt được vào nhóm thị trường mới nổi, có ít nhà đầu tư theo dõi. Mà ít nhà đầu tư theo dõi quá thì hệ quả là cổ phiếu luôn bị định giá thấp. Dù vậy, thị trường trước khi nâng hạng thường có những biến động tích cực và rất nhiều cơ hội đầu tư”, ông Tường nói.

Với các điều kiện hiện nay, ông Tường cho rằng, “Việt Nam sẽ ngồi vào được mâm này” và “việc vào được hay không phụ thuộc vào mong muốn của chính chúng ta”. Sẽ có những yếu tố mà các nhà tạo lập chính sách phải cân nhắc khi thị trường được nâng hạng. Đó là quy mô thị trường nhỏ mà dòng tiền ra vào lớn sẽ ảnh hưởng đến cán cân ngoại hối.

Thực tế, nâng hạng thị trường là mục tiêu được cơ quan quản lý đặt ra từ nhiều năm nay và giới đầu tư đang kỳ vọng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Giai đoạn “đứng hình”

Trong kỳ xem xét vào tháng 6/2020 của MSCI, không có quốc gia nào được thêm vào danh sách theo dõi để nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier markets) sang thị trường mới nổi (emerging markets).

Điểm đánh giá của MSCI với thị trường Việt Nam cũng chưa cải thiện so với năm 2019 và không có nhiều thay đổi so với năm 2014.

Chỉ có một điều chỉnh nhỏ về mục thanh toán bù trừ (Clearing and settlement), đó là MSCI bỏ nhận định: “Không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ” (vì vậy, có thể xem VSD là một cơ sở thanh toán bù trừ chính thức).

Tuy vậy, việc Kuwait được nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi trong kỳ xem xét tháng 11/2020 (công bố ngày 10/11/2020, có hiệu lực từ ngày 1/12/2020), thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ gián tiếp hưởng lợi.

Tỷ trọng của thị trường Kuwait trong rổ thị trường cận biên ở thời điểm công bố là 25,5%, nên sẽ tác động đáng kể đến danh mục của các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.

MSCI không công bố tỷ trọng dự kiến của chỉ số Frontier 100 Index mới, nhưng nếu tỷ trọng của Kuwait được phân bổ lại cho các quốc gia có trọng số lớn nhất (Việt Nam, Morocco, Kenya, Romania, Bahrain) thì tỷ trọng của Việt Nam có thể tăng thêm 7% từ 11,85% lên khoảng 19 - 20% .

Trong cập nhật mới nhất vào tháng 3/2020, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi để đánh giá khả năng nâng hạng lên thị trường “mới nổi hạng hai” (secondary emerging).

Tuy nhiên, FTSE Russell lưu ý rằng, Việt Nam tiếp tục không đáp ứng tiêu chí chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP) - hiện đang được đánh giá là “Hạn chế”, do cơ chế thanh toán của Việt Nam nhìn chung vẫn dựa trên quy tắc nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ tiền trước khi giao dịch”.

Kể từ tháng 9/2018, (khi Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào danh sách theo dõi), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn giữ quan điểm chưa áp dụng quy trình thanh toán DvP. Tất cả các đề xuất về vấn đề này mới chỉ ở bước thảo luận, chưa có bất kỳ động thái cụ thể nào.

Tiến triển tích cực trong hành lang pháp lý

Trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mới, có những tiến triển tích cực để đáp ứng cho câu chuyện nâng hạng thị trường.

Đơn cử, về sở hữu nước ngoài, văn bản hướng dẫn mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cho phép các công ty niêm yết tự quyết định giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) trong điều lệ công ty.

Ngoài ra, tất cả các rào cản pháp lý đối với chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) đã được gỡ bỏ, sau khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp mới, trong đó định nghĩa rõ ràng về NVDR, cũng như cơ chế biểu quyết cho người nắm giữ NVDR. Nếu việc triển khai NVDR diễn ra vào năm 2021, đây sẽ là sản phẩm mới thu hút sự quan tâm rất lớn của dòng vốn ngoại.

Trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán mới, có những tiến triển tích cực để đáp ứng cho câu chuyện nâng hạng thị trường.

Việc áp dụng hệ thống thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho các giao dịch cổ phiếu, cho phép bán khống và giao dịch trong ngày (T+0) sẽ giải quyết phần nào các vấn đề về pre-funding (nhà đầu tư bắt buộc phải có đủ tiền trước khi giao dịch) và cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Nhìn chung, Việt Nam đã và đang áp dụng hệ thống CCP cho giao dịch chứng khoán phái sinh (hợp đồng tương lai VN30) nên đã có một số kinh nghiệm trong việc triển khai. Chi tiết về cách thức hoạt động đang được thị trường mong đợi trong Thông tư do Bộ Tài chính ban hành, nhưng về cơ bản, nhà đầu tư không cần có đủ tiền trong tài khoản để đặt lệnh mua và có thể chỉ phải đặt cọc 10 - 20% giá trị giao dịch tính đến cuối phiên giao dịch.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiền/chứng khoán ký quỹ đã được chia theo các chức năng khác nhau để lưu ký và thanh toán bù trừ. Vì vậy, ngân hàng giám sát cần phải xin cấp giấy phép thanh toán bù trừ. Hệ thống giao dịch, thanh toán đang trong giai đoạn thử nghiệm nâng cấp toàn diện để đáp ứng với hệ thống CCP để có thể triển khai trong năm 2021.

Một nghiệp vụ quan trọng nữa để đảm bảo tiêu chí thị trường mới nổi là bán khống (short sales), ở Việt Nam được hiểu là bán khống có đảm bảo. Về cơ bản, nhà đầu tư sẽ vay cổ phiếu (hoặc chứng chỉ quỹ niêm yết) từ một tổ chức cho vay chứng khoán và hợp đồng sẽ được đăng ký tại hệ thống thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) được gọi là SBL (hệ thống vay và cho vay chứng khoán) trước khi thực hiện bán. Nhà đầu tư sẽ cần phải đóng vị thế bằng việc mua đúng lượng cổ phiếu đã vay để hoàn trả bên cho vay chứng khoán.

Hợp đồng vay trong SBL sẽ bao gồm các điều khoản về tài sản đảm bảo, lãi suất cho vay, kỳ hạn và giải quyết tranh chấp...

Nhà đầu tư sẽ phải mở tài khoản bán khống có bảo đảm tại một công ty chứng khoán được phép thực hiện bán khống tại Việt Nam. Đó có thể là một tài khoản riêng hoặc một tài khoản phụ trong tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

Sở giao dịch chứng khoán sẽ quyết định danh sách các cổ phiếu được phép bán khống, với các tiêu chí xác định trước của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về vốn hóa thị trường, hiệu quả hoạt động kinh doanh, tính thanh khoản… Cơ quan này cũng sẽ đưa ra danh sách dự thảo các nhà đầu tư bị cấm bán khống.

Hoạt động bán khống có thể được xem xét nghiên cứu trong năm 2021. Đầu tiên, Bộ Tài chính sẽ phê duyệt dự thảo, sau đó UBCK sẽ ban hành quy chế hướng dẫn (hiện chưa có mốc thời gian cụ thể).

Ngoài ra, UBCK sẽ có quyền tạm dừng các hoạt động bán khống nếu cần thiết để đảm bảo an toàn hoạt động của thị trường.

Những điểm mới kể trên được kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn với thông lệ quốc tế. FTSE Russell hoặc MSCI nhiều khả năng sẽ chờ tới khi các quy định mới được triển khai trên thực tế, chứ không chỉ là một văn bản dự thảo pháp lý.

Với những diễn tiến như hiện nay, kỳ vọng thị trường Việt Nam có thể cải thiện được những điểm trừ, để đủ tiêu chuẩn được MSCI thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng từ năm 2022.

Tin bài liên quan