Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là xu thế tất yếu

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là xu thế tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hạn mức trả tiền bảo hiểm là công cụ quan trọng, cốt lõi để tổ chức bảo hiểm tiền gửi trực tiếp bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, hạn mức 75 triệu đồng hiện còn thấp và cần sớm được tăng lên để phù hợp với thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.

Thông lệ quốc tế về hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hạn mức bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền, cụ thể là bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền. 

Theo số liệu khảo sát của IADI năm 2019, trong số 54 tổ chức bảo hiểm tiền gửi tính toán tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ thì 44 tổ chức (chiếm 81%) bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền được bảo hiểm. Mức chi trả tối đa bảo hiểm tiền gửi gấp 3-5 lần GDP/người tại từng quốc gia. Có thể kể đến hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại Mỹ hiện là 250.000 USD, tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là 100.000 EUR, tại Nga là khoảng 32.000 USD, tại Indonesia là hơn 150.000 USD, tại Malaysia là gần 60.000 USD...

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là tất yếu

Kể từ khi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thành lập vào năm 1999, hạn mức trả tiền bảo hiểm đã được điều chỉnh từ 30 triệu đồng năm 1999 lên 50 triệu đồng năm 2005 và gần đây nhất, ngày 15/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2017 về hạn mức trả tiền bảo hiểm, theo đó hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên là 75 triệu đồng.

Tại thời điểm đó, với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền, vẫn thấp hơn mức khuyến nghị của IADI là 90 -95%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan (99,83%), Mông Cổ (99,80%), Đài Loan (98,30%), Malaysia (98%), Singapore (91%).

Đánh giá về hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện nay, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đồng tại thời điểm hiện nay cũng đã lạc hậu và thấp hơn so với mong muốn, kỳ vọng của người gửi tiền.

Đến nay, có nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô đã khác, việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm theo hướng tăng lên để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng, trong đó có Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nghiên cứu, tính toán và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ nâng lên mức 125 triệu đồng.

Xung quanh vấn đề nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, các chuyên gia về tài chính – ngân hàng đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cùng chung quan điểm là cần điều chỉnh tăng hạn mức để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho các ngân hàng, vừa đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người gửi tiền, đồng thời phù hợp với năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. 

TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho biết: “Hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền là công cụ quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi càng cao càng giúp nâng cao niền tin của người gửi tiền đối với ngân hàng và hạn chế hiện tượng đột biến rút tiền gửi.

Mức bảo hiểm tiền gửi thấp có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút tiền hàng loạt tại nhiều TCTD, dẫn đến đổ vỡ dây chuyền hệ thống các TCTD. Khi dòng vốn bị tắc nghẽn, nền kinh tế sẽ đối mặt nguy cơ suy thoái, tăng trưởng thụt lùi, lạm phát và thất nghiệp tăng cao.”

Còn theo TS. Hà Huy Tuấn, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được điều chỉnh tương xứng với các khuyến nghị của IADI và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Việc nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm là một trong nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thực sự hoạt động có hiệu quả, là một bộ phận của Mạng an toàn tài chính quốc gia.

Ngoài ra, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển, thu nhập của người dân tăng, đặc biệt, đã có những công cụ giám sát, kiểm tra để hạn chế rủi ro đạo đức, thì việc điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi tăng lên là hợp lý.

Nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào chính sách bảo hiểm tiền gửi

Hiện nay, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hệ thống ngân hàng đang tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu; giảm lãi vay các khoản cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do dịch bệnh gây ra. 

Trong bối cảnh đó, điều chỉnh nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi, ổn định tâm lý và niềm tin của người gửi tiền, góp phần duy trì nguồn vốn huy động tiền gửi cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng và an sinh xã hội.

Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM và ông Bùi Xuân Chỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đồng quan điểm: "Chính sách bảo hiểm tiền gửi đã thể hiện được vai trò quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện tại còn thấp trong bối cảnh thu nhập của người dân đang tăng lên. Vì vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền".        

Tại nhiều địa phương, hạn mức bảo hiểm tiền gửi đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của người dân vào chính sách tài chính – ngân hàng, hỗ trợ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, thành phố.

“Tuy nhiên, hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện còn thấp trong bối cảnh thu nhập của người dân đang tăng lên, có thể làm giảm sút lòng tin của người dân. Thực tế có nhiều người gửi số tiền lớn, nhưng do hạn mức thấp nên họ phải chia làm nhiều sổ, đứng tên nhiều người trong gia đình. Việc gửi nhiều sổ lại làm tăng chi phí về thủ tục, giấy tờ, chi phí quản lý của quỹ tín dụng nhân dân”, ông Lê Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng nhân dân Gia Cẩm, Phú Thọ nhận xét.

Nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tất yếu là mong muốn, hi vọng của người gửi tiền. Bà Lê Hải Vân, người gửi tiền tại Hưng Yên cho biết: “Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nqam đã chi trả đầy đủ cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ các quỹ tín dụng nhân dân nên tôi hoàn toàn yên tâm tin tưởng vào chính sách bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, lượng người gửi tiền có số dư tiền gửi từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng trên địa bàn rất nhiều. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm để chúng tôi yên tâm gửi tiền tại các TCTD.”

Ông Hoàng Văn Mạnh, người gửi tiền tại Vĩnh Phúc trăn trở: “Là cán bộ hưu trí, tuổi đã cao, sức khỏe yếu, số tiền tích cóp cả đời đi làm của tôi hiện được gửi tại quỹ tín dụng nhân dân, nhưng tôi vẫn băn khoăn khi biết hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay chỉ là 75 triệu đồng/người gửi tiền. Đề nghị Chính phủ cần điều chính hạn mức này cho phù hợp.”

Hạn mức trả tiền bảo hiểm 75 triệu đã không còn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như các điều kiện kinh tế vĩ mô, những thay đổi về hoạt động ngân hàng và năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Việc tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ giúp bảo đảm quyền lợi hợp pháp, củng cố lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và các TCTD, nhất là trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang chung tay cùng doanh nghiệp và người dân tháo gỡ những khó khăn bởi dịch Covid-19.

Tin bài liên quan