Ông có nhận định gì về hình thức tín dụng tiêu dùng hiện nay, thưa ông?
Tín dụng tiêu dùng hiểu đơn giản là đi vay bây giờ và trả nợ bằng nguồn thu nhập của mình trong tương lai. Tín dụng tiêu dùng chủ yếu là tín chấp. Đây là hình thức cho vay khá mới mẻ ở Việt Nam, vì trước đây, người dân mua sắm bằng tiền để dành hay đi vay thì thế chấp bằng tài sản đang có để vay.
Ngày nay, có thể mua sắm qua việc đi vay bây giờ và trả góp bằng thu nhập trong tương lai. Hình thức tín dụng tiêu dùng trả góp được ưa chuộng vì đáp ứng nhu cầu của người dân trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh.
Dẫu vậy, hình thức này cũng có những rủi ro khi các định chế tài chính, trong đó có ngân hàng, công ty tài chính (CTTC), cho vay có thể quá mạnh tay.
Theo ông, giá trị tích cực của tín dụng tiêu dùng là gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Việt Nam là thị trường lớn với hơn 93 triệu người dân, trong đó có trên 50 triệu dân ở độ tuổi "dân số vàng" (từ 15-64 tuổi). Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu tiêu dùng cao nhất, nhưng thu nhập chưa đủ để bù đắp chi tiêu, trong khi các ngân hàng không thể đáp ứng được hoàn toàn những nhu cầu này.
Bởi chỉ cần mượn vài triệu đồng để mua tủ lạnh, ti-vi, điện thoại, hay vài chục triệu đồng để mua xe máy, chữa bệnh… là những món tiền quá nhỏ, khiến ngân hàng không thể và cũng không muốn đáp ứng. Các CTTC đã trám vào "lỗ hổng" này và trong 3 năm qua, nhiều công ty đã phát triển rất mạnh như FE Credit, Home Credit… nhờ đáp ứng được nhiều nhu cầu vay tiêu dùng của người dân.
Rõ ràng, để tăng khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận dân cư trong xã hội, tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng là một công cụ hữu hiệu và thích hợp. Tín dụng tiêu dùng sẽ là giải pháp tốt để người dân thoả mãn nhu cầu chi tiêu, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn rộng hơn, lợi ích của cho vay tiêu dùng không chỉ đến với người dân, mà còn cả công ty tài chính, cũng như nền kinh tế. Bởi khi doanh nghiệp bán được hàng và tăng sản xuất, thì Nhà nước thu được nhiều thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng. Nền kinh tế được hưởng lợi từ những tác động của tín dụng tiêu dùng với GDP tăng trưởng do người dân tiêu thụ hàng hóa.
Thực tế cho thấy, lãi suất cho vay của CTTC thường cao hơn nhiều so với ngân hàng. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
Trong hoạt động tín dụng, lãi suất thưởng tỷ lệ thuận với rủi ro, tức là khi rủi ro cao, lãi suất cao và ngược lại. Các ngân hàng hay CTTC tính lãi suất trên cơ sở bù đắp cho thiệt hại phát sinh từ rủi ro mất vốn: Ví dụ, khi một ngân hàng cho vay một món vay với chênh lệch lãi suất huy động (đầu vào) và lãi suất cho vay (đầu ra) là 3%, tức là ngân hàng đó dự toán rằng, nếu một món vay có khả năng mất vốn thì ngân hàng đó sẻ lấy lại được số tiền đã mất qua việc cho vay khoảng 33 món vay mới (3% x 33 = 99%).
Tương tự, một CTTC cho vay một món vay rất rủi ro (có khả năng mất vốn cao) và do đó, chỉ cần cho vay khoảng 5 món vay mới để bù lỗ, thì chênh lệch lãi suất phải ở khoảng 20% (20% x 5 = 100%). Theo cách tính này, ngân hàng nếu huy động vốn với lãi suất 9% thì có thể cho vay với lãi suất 12% (9% + 3% = 12%), còn CTTC nếu huy động vốn với lãi suất 9% thì sẽ cho vay với lãi suất 29% (9% + 20% = 20%).
Các cơ quan quản lý cũng nhận thức rõ điều này nên cho phép các CTTC được áp dụng lãi suất cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cao tới mức nào là hợp lý và không thuộc loại “lãi suất cắt cổ”, hay thuộc loại cho vay nặng lãi, tức là vi phạm pháp luật, thì hiện vẫn là câu hỏi ngỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam thời điểm hiện tại đang thiếu một công cụ rất quan trọng, đó là chấm điểm tín dụng cá nhân. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực tế, tại Việt Nam, mỗi ngân hàng có một hệ thống xếp hạng tín dụng cá nhân và cách chấm điểm riêng, nhưng cả quốc gia thì không có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân. Điều này khác với ở Mỹ, có 3 công ty lớn là Equifax, Experian và TransUnion (gọi là các credit bureaus hay credit reporting agency) thực hiện thu thập những thông tin tín dụng của tất cả các khách hàng đến vay tiền tại ngân hàng và các CTTC.
Sau đó, họ sử dụng một hệ thống các chỉ tiêu như lý lịch nhân thân của khách hàng, số tiền vay ngân hàng, loại tín dụng, lịch sử trả nợ... để tính điểm tín dụng cho mỗi khách hàng (gọi là credit scores, mức thông thường từ 300-850 điểm).
Các ngân hàng và CTTC dựa vào điểm tín dụng trên để cho vay: Người nào điểm cao thì dễ vay và vay với lãi suất thấp; người nào điểm thấp có thể vay, nhưng với nhiều điều kiện và lãi suất cao; người nào có điểm cực thấp thì rất khó có thể vay được tiền của ngân hàng, nếu được vay thì phải có thế chấp hay tài sản bảo đảm. Tại Mỹ, một người muốn vay chỉ cần vào website của ngân hàng và trong vòng 2 phút, ngân hàng dựa vào credit scores để thông báo cho khách hàng là họ có thể được vay hay không, được vay bao nhiêu, với lãi suất nào và có cần tài sản bảo đảm hay không.
Trung tâm này cung cấp thông tin tín dụng cá nhân và doanh nghiệp cho ngân hàng, nhưng chất lượng thông tin chưa thể so sánh với Mỹ bởi dữ liệu đầu vào của dân cư chưa tốt. Chính vì thế, một ngân hàng Việt Nam muốn cho vay phải lập một hồ sơ tín dụng cho khách hàng, với thủ tục tương đối rườm rà, chi phí cao và không thể phê chuẩn nhanh như ở Mỹ.
Vấn đề chấm điểm tín dụng cá nhân liệu có thể giải quyết được trong thời gian tới, theo ông?
Có thể nói, tại Việt Nam hiện nay, việc xác định khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân còn rất thiếu và yếu. Nếu đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, trong khi cơ sở để xác định được khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân chưa hoàn hảo sẽ dễ dẫn tới rủi ro. Tuy nhiên, điểm chúng ta lạc quan là điều này có thể cải thiện được trong thời gian tới.
Hiện tại, một số CTTC và công ty FinTech đang trám lỗ hổng thông tin này tại Việt Nam, cho dù mỗi bên làm theo một cách. Trong đó, các công ty FinTech chủ yếu thu thập dữ liệu của cá nhân trên cơ sở sử dụng ứng dụng công nghệ để biết khả năng trả nợ khách hàng, mà không dùng những công cụ truyền thống để xem xét khả năng trả nợ…
Đây là những thông tin bên lề nguồn thông tin truyền thống mà ngân hàng thu thập để xác định khả năng trả nợ. Một vài công ty FinTech xây dựng phương pháp tính điểm tín dụng cá nhân riêng (chương trình “P2P lending on line”). Họ liên kết và phối hợp với các ngân hàng để cấp tín dụng tiêu dùng. Tuy nhiên, các công ty FinTech chưa được xem là thành phần trong dòng chính (mainstream) của nguồn cung cấp tín dụng cá nhân.
Với đặc thù là cho vay tín chấp, làm thế nào để khách hàng khi vay tín dụng tiêu dùng sẽ không "vung tay quá trán”, thưa ông?
Hiện tại, nguồn cung cấp tín dụng tiêu dùng chủ yếu vẫn là từ ngân hàng và CTTC. Để nguồn này được sử dụng hiệu quả, một hệ thống tính điểm tín dụng quốc gia tương tự như hệ thống FICO mà 3 công ty chấm điểm tín dụng của Mỹ như đã nêu ở trên đang áp dụng. CIC có thể là đầu mối để xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng quốc gia này.
Bên cạnh đó, Quốc hội nên xem xét dự thảo một bộ luật về phá sản cá nhân. Cho đến nay, luật pháp Việt Nam cho phép doanh nghiệp phá sản, nhưng cá nhân thì chưa. Phá sản cá nhân đã được nhiều quốc gia quy định.
Dĩ nhiên, tại các quốc gia này, một cá nhân có thể lợi dụng luật để thoát nợ vì một khi tòa án đã cho phép một cá nhân phá sản, thì tòa bắt buộc cá nhân đó phải thanh lý tài sản hiện có của mình để trả nợ, nếu không trả hết nợ thì số nợ còn lại sẽ bị xóa. Tuy nhiên, cá nhân có lịch sử phá sản sẽ khó có thể vay mượn tại bất cứ nơi nào. Phá sản cá nhân sẽ làm môi trường tài chính cá nhân trở nên minh bạch hơn.
Với NHNN, cần có quy định bắt buộc các ngân hàng, CTTC công bố lãi suất một cách minh bạch cho tất cả các loại tín dụng cá nhân. Gần đây, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải công bố trần và sàn lãi suất cho vay tiêu dùng, nhưng như thế chưa đủ. Các tổ chức tín dụng cần công bố 2 loại lãi suất là lãi suất cho vay danh nghĩa (nominal annual percentage rate) và lãi suất cho vay thực tế (effective lending rate) dự toán cho mỗi năm trong thời gian cung cấp tín dụng.