Nan giải… “tiền ế”

Nan giải… “tiền ế”

(ĐTCK) Giảm lãi suất được xem là điều kiện tốt để các nhà băng cắt giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay, song theo lãnh đạo các ngân hàng, hiện lãi suất không còn là yếu tố duy nhất đối với DN trong việc quyết định vay vốn mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Nan giải… “tiền ế” ảnh 1

03 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HDBank chỉ đạt 2%

 

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng cho biết, trong quý I vừa qua, ngân hàng này chỉ loay hoay xử lý nợ tồn đọng. Còn với việc cho vay mới, theo vị chủ tịch trên, đã và sẽ còn là bài toán khó cho dù vốn huy động dồi dào hơn trước. Nguyên nhân tín dụng khó tăng trưởng là do nhu cầu vốn của khách hàng tốt không có, trong khi những khách hàng cần vốn lại không đáp ứng được điều kiện tín dụng. Vì thế, tín dụng của ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng hơn 1%. Trong khi đó, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm xuống 10 - 11%/năm.

Tân Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho rằng, vấn đề hiện nay không hẳn là lãi suất bao nhiêu, mà quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, theo ông Vũ, khó khăn trong phát triển tín dụng hiện nay là tình hình chung của thị trường. Trong cái khó vẫn có ngách để có thể tìm cơ hội tăng trưởng tín dụng, nhưng điều này đòi hỏi phải có thời gian.

“Dư nợ tín dụng có thể kỳ vọng tăng trưởng vào những tháng cuối năm. Khả năng khi đó, nhu cầu vốn của khách hàng tăng trở lại. Trong quý I, tăng trưởng tín dụng của chúng tôi vẫn còn ở mức thấp, nhưng chỉ tiêu cả năm được NHNN phê duyệt ở mức 9%, theo tôi, khả năng sẽ đạt được”, ông Vũ cho biết.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cũng đưa ra nhận định, lãi suất đã được điều chỉnh giảm và thậm chí đã giảm mạnh trước cả khi NHNN điều chỉnh trần lãi suất huy động về 7,5%/năm. Song tín dụng của HDBank trong 3 tháng đầu năm cũng chỉ mới đạt mức khoảng 2%, trong khi nguồn vốn huy động đạt tốc độ tăng trưởng đến 10%. Ông Trung cho rằng, tín dụng khó tăng trưởng là trong bối cảnh chung của thị trường, khi dư nợ toàn ngành ngân hàng trong quý I chưa đạt tới mức 1%.

Cũng theo ông Trung, điều cần nhất đối với ngân hàng trong phát triển tín dụng hiện nay chính là kiểm soát chặt chẽ khẩu vị rủi ro của khách hàng. Do đó, đối với HDBank, tín dụng vẫn được đẩy mạnh và kỳ vọng cả năm sẽ đạt mức tăng trưởng như mục tiêu của ngành, song trước mắt khó có thể kỳ vọng dư nợ tăng trưởng nhanh.

Thực trạng nền kinh tế đang yếu và rất nhiều DN lâm vào tình trạng khó khăn. Lạm phát  dù thấp, nhưng nguy cơ còn rất lớn khi các mặt hàng đầu vào rục rịch tăng. Ngoài ra, những khó khăn hiện tại trong hoạt động ngân hàng là tỷ lệ nợ xấu cao, tính thanh khoản kém… cũng ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng. Hiện rất nhiều ngân hàng đang phải vật lộn để kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong cho vay đối với các khoản vốn đã được giải ngân ở các năm trước đây.

“Năm 2013, việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng vẫn cần đặt lên hàng đầu, nhằm giữ cho tình hình nợ xấu của nhiều ngân hàng không bị xấu hơn. Vì vậy, việc đẩy mạnh cho vay ngay lúc này cần phải được kiểm soát và tiết chế. Những khoản tín dụng mới sẽ chỉ được giải ngân đến một mức nhất định nào đó mà ngân hàng có thể chấp nhận được mức rủi ro, hoặc chỉ dành cho khách hàng tốt với khoản vay hiện hành”, ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc Mekong Bank nói và cho biết thêm, hoạt động tín dụng 3 tháng đầu năm 2013 của MeKong Bank cũng được kiểm soát chặt. Nghĩa là MeKong Bank vẫn có những chính sách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho nhóm khách hàng vay tốt, nhưng cũng cân nhắc trước những khoản vay không an toàn để cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng - chất lượng tín dụng.

Theo đánh giá của ông Chong, việc giảm lãi suất chỉ là một phần của giải pháp kích cầu. Trong khi, nền kinh tế đang cần một lực đẩy về nhu cầu, niềm tin của người dân… và cụ thể là khả năng đẩy mạnh xuất khẩu, điều mà Chính phủ hiện nay đang làm. Tuy nhiên, cái đầu tiên và quan trọng nhất là ngành ngân hàng phải giải quyết nhanh và mạnh những vấn đề đang gặp phải như: tỷ lệ nợ xấu, tái cấu trúc..., vì ngân hàng là “sức sống” của nền kinh tế.

“Trong các cuộc khủng hoảng tài chính, kinh nghiệm cho thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng các chương trình bảo trợ rủi ro tín dụng hoặc các chương trình chia sẻ rủi ro tín dụng để tạo điều kiện cho các ngân hàng tự tin hơn trong việc cung cấp khoản vay cho DN. Điều này sẽ giúp khơi thông dòng chảy tín dụng và nền kinh tế hấp thu được vốn. Nhưng điều quan trọng là các ngân hàng phải có đủ thanh khoản để ổn định và phát triển”, ông Chong cho biết.