Bộ máy nhân sự của toàn bộ siêu ủy ban dự kiến vào khoảng 150 người

Bộ máy nhân sự của toàn bộ siêu ủy ban dự kiến vào khoảng 150 người

Nan giải nhân sự “siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước

(ĐTCK) Cùng với nhiều vấn đề đặt ra, câu chuyện tuyển chọn “người tài” để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang khá nan giải.

Không chỉ cơ quan soạn thảo mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều thống nhất nhận thức rằng, chính nhân sự mới là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý cũng như sự sinh sôi, nảy nở của khối tài sản nhà nước khổng lồ đặt vào tay cơ quan quản lý này.

Tại dự thảo mới nhất vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, cơ cấu bộ máy nhân sự của Ủy ban được thiết kế với mô hình một chủ tịch và không quá 4 phó chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Về cơ cấu tổ chức gồm 4 đơn vị nghiệp vụ đầu tư cấp vụ thực hiện chức năng tham mưu về chuyên môn để quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty.

Bên cạnh đó, có một đơn vị tổng hợp cấp vụ cùng một số vụ, phòng chuyên môn như vụ pháp chế và kiểm soát nội bộ, vụ tổ chức nội bộ - văn phòng, trung tâm thông tin. Với cơ cấu này, bộ máy nhân sự của toàn bộ siêu ủy ban dự kiến vào khoảng 150 người, thực hiện các chức năng đại diện chủ sở hữu, chức năng tham mưu nội dung cho Chính phủ về quản lý và đầu tư vốn nhà nước.

Định hình và kỳ vọng là như vậy, song ở thời điểm này khi mà Ủy ban thực tế đã được thành lập theo Nghị quyết 09 của Chính phủ từ ngày 3/2/2018 và đã bắt đầu đi vào hoạt động về mặt nguyên tắc với 11 nhân sự kể cả Chủ tịch, bản thân cơ quan soạn thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy bản Quản lý vốn cũng vẫn chưa thể khẳng định hiệu quả hoạt động trên thực tế của cơ quan này. Một trong các lý do là vấn đề nhân sự.

Phân tích rõ hơn, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc thành lập Ủy ban chính là lập ra một cơ quan quản lý hoàn toàn mới với mục tiêu có bộ máy quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả, vì vậy cần có đội ngũ chuyên gia, cán bộ phù hợp.

Tuy nhiên, ủy ban này tới thời điểm hiện nay vẫn được xác định là một bộ máy cơ quan nhà nước, vẫn phải tuân thủ toàn bộ các quy định, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, quản lý lao động, tiền lương và cơ chế nhân viên như cơ quan nhà nước.

“Khi vẫn duy trì bộ máy hoạt động như cơ quan nhà nước thì rõ ràng động lực để nâng cao hiệu quả quản lý chỉ ở mức độ vừa phải. Thực tế này chưa thực sự đáp ứng mục tiêu mà cơ quan soạn thảo mong muốn là xây dựng một bộ máy gồm các chuyên gia, thu hút được những nhân sự đầu ngành về quản lý vốn. Do chịu sự ràng buộc về cơ chế hoạt động của cơ quan nhà nước nên đến nay, dự kiến cán bộ của Ủy ban vẫn là điều chuyển từ các cơ quan nhà nước khác về.

Trước mắt, chưa có vấn đề gì lớn, song xét về kỳ vọng và mục tiêu mà cơ quan này hướng tới thì rất cần có sự thay đổi nào đó để thu hút được chuyên gia giỏi theo cơ chế thị trường. Đó là một thách thức lớn đang đặt ra đối với công tác hoàn thiện bộ máy nhân sự Ủy ban”, ông Trung bình luận và cho rằng, nếu với cách thức điều chuyển cán bộ từ cơ quan khác sang như hiện nay thì rõ ràng những quan điểm e ngại không có yếu tố gì mới để nâng hiệu quả và chất lượng quản lý vốn nhà nước là hoàn toàn có cơ sở.

Đồng tình với nhận định này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, bên cạnh động lực và cơ chế để thu hút, để tuyển chọn và giữ chân người tài đến với siêu ủy ban thì một khó khăn có thể nhìn thấy ngay hiện nay là công tác kiện toàn cơ cấu gắn với tổ chức nhân sự của Ủy ban còn khá hạn chế.

“Ủy ban ra đời lại phải thực hiện ngay chức năng kế thừa do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là liên tục. Do đó, có thể thấy việc kiện toàn bộ máy và xây dựng quy trình tuyển dụng nhân sự là một thách thức lớn trong bối cảnh Ủy ban đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý đã đòi hỏi phải hoàn thiện quy trình tuyển dụng, bộ máy nhân sự để khi nghị định ra đời thì Ủy ban phải đi vào vận hành ngay, không có độ trễ về chuyển giao.

Trong khi đó, thực tế là Ủy ban ra đời không thể chỉ dựa vào một nghị định mà đòi hỏi hàng loạt quy chế hoạt động nội bộ, các quy chế nghiệp vụ, rất nhiều hoạt động mang tính chuyên môn cao với hàng loạt các tiêu chí giám sát, đánh giá, các quy chế kiểm soát người đại diện phần vốn nhà nước”, ông Hiếu lý giải và khẳng định, đây chính là khó khăn rất lớn mà Ban soạn thảo nghị định phải đối diện bởi quan điểm khi soạn thảo là không muốn điều chuyển nguyên trạng cán bộ ở các bộ, ngành sang Ủy ban.                 

Tin bài liên quan