Một số trường hợp không được cấp tín dụng
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, dự thảo bổ sung một số nội dung liên quan tới việc giới hạn, hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp.
Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: khách hàng thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng; khách hàng là người có liên quan của các đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 126 Luật Các tổ chức tín dụng; khách hàng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung), khách hàng là người có liên quan của đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung); để đầu tư trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).
Bên cạnh đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó.
Cơ sở bổ sung quy định này đến từ thực tiễn, một số doanh nghiệp là công ty con của ngân hàng thương mại thực hiện huy động vốn thông qua việc ngân hàng mẹ (A) cho vay đối với một tổ chức (B) là sân sau của A và công ty con của A để tổ chức B mua trái phiếu của doanh nghiệp.
Thúc đẩy minh bạch hóa thị trường
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được đánh giá tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây với lãi suất hấp dẫn, đạt được nhiều kết quả tích cực cả về quy mô và tính thanh khoản. Tuy nhiên, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn rất thấp. Cụ thể, thời điểm cuối năm 2018, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 53% so với cuối năm 2017, nhưng chỉ bằng 8,5% GDP, trong khi bình quân của các nước trong khu vực là 22%.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2014 - 2018.
Trong lộ trình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Tài chính, mục tiêu là tới năm 2030, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20% GDP.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, các nội dung đổi mới trong dự thảo Thông tư lần này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ông Lực đánh giá, việc bổ sung nội dung quy định về việc ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó sẽ giúp giảm rủi ro đối với giao dịch của các bên liên quan, qua đó làm minh bạch hóa hơn giao dịch này, giảm bớt sở hữu chéo, giảm bớt hiện tượng mâu thuẫn lợi ích có thể xuất hiện.
Ví dụ, khi tổ chức tín dụng đầu tư vào chính trái phiếu công ty con thì các yếu tố về lãi suất (tổ chức tín dụng đôi khi sẵn sàng trả lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn, không đúng với lãi suất của thị trường), chuyển vốn có thể sẽ không được minh bạch, rõ ràng, từ đó nảy sinh mâu thuẫn.
Dự thảo quy định mới nếu được ban hành sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc làm lành mạnh hóa thực trạng lâu nay là sở hữu chéo và lợi ích nhóm, đồng thời minh bạch hoạt động tín dụng vào đầu tư.
Đối với nội dung ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên UPCoM, ông Lực cho rằng, có thể cần tính toán thêm.
Bởi lẽ, quy định như vậy có thể tạo ra khó khăn đối với các doanh nghiệp không niêm yết, sẽ không có được khoản đầu tư trái phiếu từ các nhà đầu tư, tổ chức vay vốn của tổ chức tín dụng. Nhưng mặt tích cực là tạo ra động lực nhất định cho các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình niêm yết để thuận tiện hơn trong việc huy động vốn bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu.
Nội dung này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm thúc đẩy minh bạch hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết, nhất là với doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa; thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và niêm yết của doanh nghiệp.
Thực tiễn cho thấy, nhu cầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản được kiểm soát chặt và nhu cầu tăng vốn của ngân hàng để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II khiến lượng trái phiếu từ doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành nghề khác đã quan tâm nhiều hơn đến việc huy động vốn qua kênh trái phiếu.
Hiện Bộ Tài chính đang thúc đẩy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia giao dịch loại trái phiếu này.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, số liệu công bố của các doanh nghiệp đang niêm yết cho thấy, có 9.103 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý I/2019, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 là 2.816 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là 2.318 tỷ đồng trái phiếu của REE, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 7%/năm, được bảo lãnh bởi CGIF (thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á) và 1.150 tỷ đồng trái phiếu của CII, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 7,2%/năm, được bảo lãnh bởi GuarantCo - một công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia thuộc PIDG.
"Quy mô và chất lượng hoạt động của nhiều doanh nghiệp được cải thiện, các tổ chức bảo lãnh quốc tế quan tâm hơn đến thị trường trái phiếu Việt Nam, nên chất lượng trái phiếu doanh nghiệp đang tốt dần lên. Thêm vào đó, có sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian thu xếp và phân phối. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn trong thời gian tới", SSI nhận định.