Hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước; riêng xuất khẩu cá tra thiết lập mức cao kỷ lục 20 năm với 2,3 tỷ USD, tăng 27%. Dự báo, xuất khẩu cá tra sẽ duy trì đà tăng trưởng năm 2019, khi sản lượng trên toàn thế giới dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6%.
Ðà tăng của ngành cá tra chủ yếu nhờ vào việc tận dụng các đơn đặt hàng mới từ khách hàng Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang.
Theo thống kê, cá rô phi Trung Quốc nhập khẩu chiếm khoảng 45% thị phần cá trắng tại thị trường Mỹ, trong khi cá tra, basa của Việt Nam tại Mỹ chỉ khoảng 20%. Với thị trường lớn, đầy tiềm năng này, cá tra được coi là sản phẩm thay thế tốt nhất cho cá rô phi Trung Quốc nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng tương tự.
Mỹ đã áp dụng mức thuế 10% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và dự kiến áp thêm 25% vào tháng 3/2019 nếu 2 quốc gia này không đạt được thỏa thuận nào. Vì vậy, nhiều người mua cá rô phi đã chuyển sang sử dụng cá tra từ Việt Nam với quy mô đặt hàng mở rộng.
Lợi thế chuỗi giá trị khép kín
Trong bối cảnh vĩ mô có nhiều thuận lợi, không ít doanh nghiệp ngành cá tra xuất khẩu đã ghi nhận kết quả tích cực, mà nổi bật trong số đó là CTCP Nam Việt (Navico, mã ANV) với doanh thu cả năm 2018 tăng 40% lên 4.118 tỷ đồng, lãi ròng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái với 604 tỷ đồng.
Ðiểm mạnh của ANV, đồng thời cũng là chủ trương phát triển xuyên suốt của Công ty chính là chuỗi giá trị sản xuất khép kín giúp giảm giá thành sản phẩm. Tính đến nay, ANV cơ bản khép kín được chuỗi giá trị cá tra khi sở hữu trại ươm cá giống, hơn 300 ha vùng nuôi, nhà máy thức ăn chăn nuôi Navifeed và 4 nhà máy sản xuất.
Với mục tiêu hoàn thành chuỗi giá trị khép kín bền vững, ANV đã rót 540 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú để thực hiện dự án Bình Phú, quy mô gần 600 ha nuôi trồng.
Ðây là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, được chia thành 2 khu, bao gồm: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp với diện tích 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản, nuôi cá tra thương phẩm với diện tích nuôi 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Dự án được xây dựng trong năm 2019 - 2020, sản phẩm đầu ra sẽ được xuất khẩu 100% với ước tính khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu/năm. Ðiểm nổi bật của dự án là quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm đã có đầu ra. Thông qua dự án, ANV sẽ tự chủ 100% nguồn con giống để phát triển nuôi cá thương phẩm, nâng cao sản lượng sản xuất từ con giống đến thành phẩm fillet xuất khẩu và hạ thấp chi phí sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Navico, ông Doãn Tới cho biết: "Vấn đề cốt lõi của ngành chế biến cá tra là sự thiếu hụt về con giống, dẫn đến thiếu hụt cá tra nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, qua đó khiến giá cá tra tăng 66% trong 3 năm qua. Việc khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm là việc cần thiết”.
Dự kiến khi dự án đi vào hoạt động, tổng giá trị xuất khẩu của Navico sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 250 - 300 triệu USD/năm, riêng dự án này đóng góp khoảng 150 triệu USD.
Năm 2019, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 6.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 700 tỷ đồng và cổ tức bằng tiền dự kiến 20%. Ðồng thời, ANV đưa ra mục tiêu lợi nhuận năm 2020 sẽ chạm mốc 1.000 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu ANV.
Bên cạnh đó, ANV tiếp tục thực hiện định hướng xuất khẩu đa thị trường. Năm 2018, Công ty đã mở rộng vào thị trường Trung Quốc, vốn được định giá khoảng 500 triệu USD, chiếm 25% tổng kim ngạch của thế giới.
Ðồng thời, ANV tham vọng quay trở lại thị trường Mỹ đến năm 2020, khi vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú đi vào hoạt động tạo cơ sở vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu này. Thị trường Mỹ có tiềm năng lớn, cùng với tệp khách hàng lớn và thân thiết mà Nam Việt đã có sẵn từ những năm trước. Khi vùng nuôi công nghệ cao Bình Phú đi vào hoạt động tạo cơ sở vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu này.
Hiện ANV đã xuất khẩu được sang một số thị trường lớn bao gồm châu Âu với 20% tỷ trọng, Trung Quốc - Thượng Hải chiếm 20% (thông qua đối tác FengLei), tương đương 17% cho các nước ASEAN (Thái Lan...) và 40% vào châu Mỹ (Brazil, Mexico, Colombia...) với chiến lược tập trung xuất khẩu nhóm khách hàng cao cấp (tỷ lệ mạ băng thấp).