Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năm thăng hoa, Tencent trở thành siêu “cá mập”

(ĐTCK) Nếu như các shark (cá mập) trong show truyền hình ăn khách Shark Tank dám vung các khoản đầu tư tới cả triệu USD cho các startup, thì so sánh với Tencent 2017, “cá mập” đó vẫn còn rất non.

Tập đoàn công nghệ Tencent của Trung Quốc đã có một năm thành công rực rỡ. Vốn hóa thị trường của Công ty đã tăng vọt từ 200 tỷ USD lên gần nửa nghìn tỷ USD vào năm 2017, có thời điểm còn vượt trên Facebook.

Đáng chú ý, ông chủ Ma Huateng của Tencent còn lập kỷ lục khi là tỷ phú Trung Quốc đầu tiên lọt vào top 10 trong danh sách tỷ phú của Forbes nhờ giá cổ phiếu Tencent tăng gấp đôi trong năm 2017.

Dưới đây là 10 khoản đầu tư lớn nhất của Tencent trong năm qua: 

1. Meituan-Dianping

Vốn đầu tư: 4 tỷ USD. Quốc gia: Trung Quốc

Meituan-Dianping đang là startup đình đám nhất đất nước tỷ dân với nhiều dịch vụ đa dạng như giao đồ ăn tận nhà, bán tạp hóa và vé xem phim. Đây là loại hình kết hợp của Groupon, Yelp, Foodpanda và Uber Eats. Các dịch vụ của Meituan-Dianping được kết nối với Wechat, một trong những ứng dụng xã hội phổ biến nhất của Tencent.

Theo CB Insights, Meituan-Dianping có giá trị lên đến 30 tỷ USD. Công ty này được cho là startup lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Didi Chuxing, Uber và Xiaomi. 

2. NIO

Vốn đầu tư: 1,6 tỷ USD. Quốc gia: Trung Quốc

Từng được biết đến với các tên NextEV, NIO là một tronng những công ty xe điện mới nổi của Trung Quốc. Với sự nâng đỡ của Baidu, Nio là một phần của nền tảng Apollo khổng lồ của Trung Quốc, nơi mọi công nghệ và dữ liệu về xe tự lái được chia sẻ giữa các công ty ô tô và công ty công nghệ cao. Năm nay, NIO đã công bố sẽ phát triển xe tự lái vào năm 2020. 

3. Flipkart

Vốn đầu tư: 1,4 tỷ USD. Quốc gia: Ấn Độ

1,4 tỷ USD là số tiền đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của bất kỳ công ty internet Ấn Độ nào. Ngoài Tencent, eBay và Microsoft cũng tham gia với tư cách là các nhà đầu tư, bán lại các doanh nghiệp tại Ấn Độ của mình cho sàn thương mại trực tuyến lớn nhất Ấn Độ Flipkart.

Việc Tencent rót vốn vào Flipkart được cho là để đối đầu trực tiếp với Alibaba tại Ấn Độ khi Công ty của Jack Ma cũng đã đầu tư vào Paytm Mall, một nền tảng thương mại điện tử khác của nước này. 

4. Ola

Vốn đầu tư: 1,1 tỷ USD. Quốc gia: Ấn Độ

Với khoản đầu tư 1,1 tỷ USD từ Tencent và SoftBank, giá trị thị trường của ứng dụng đặt xe của Ấn Độ Ola đã tăng lên mức 7 tỷ USD. Đồng thời, khoản đầu tư này sẽ giúp cho Ola có thêm nguồn lực để tiếp tục cạnh tranh với Uber ở thị trường di động lớn nhất thế giới này.

Trước Ola, Tencent cũng đã đầu tư vào một số đối thủ khác của Uber như Didi Chuxing của Trung Quốc, Lyft của Mỹ và Go-Jek ở Indonesia. 

5. Mobike

Vốn đầu tư: 815 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

Một lần nữa, Tencent lại đặt mình ở vị thế đối đầu với Alibaba khi đầu tư vào ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike, còn Alibaba đầu tư vào ứng dụng tương tự khác là Ofo.

Mobike và Ofo được mệnh danh là hai “kỳ lân xe đạp” của Trung Quốc. Cả hai công ty này đã dành cả năm 2016 để tung ra nhiều xe đạp nhất có thể tại Trung Quốc. Cho đến nay, Mobike và Ofo đã có mặt ở khắp 150 thành phố trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. 

6. Yixin Group

Vốn đầu tư: 579 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

Yixin Group điều hành một hệ thống bán lẻ xe hơi trực tuyến, kết nối người tiêu dùng với các công ty và dịch vụ khác nhau liên quan đến ô tô. Ngoài Tencent, Yixin còn được Baidu và Alibaba hỗ trợ. Tháng 11 vừa qua, Yixin đã huy động được 867 triệu USD khi bước lên sàn chứng khoán Hồng Kông. 

7. Kuaishou

Vốn đầu tư: 350 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

Kuaishou là một ứng dụng chia sẻ video phổ biến của Trung Quốc. Khi Tencent rót vốn đầu tư vào ứng dụng này vào hồi tháng 3/2017, Kuaishou đã có 50 triệu người dùng hoạt động hàng ngày. Theo ước tính của Bloomberg, khoản đầu tư 350 triệu của Tencent đã góp phần đẩy giá trị thị trường của Kuaishou lên 3 tỷ USD. 

8. Zhuan Zhuan

Vốn đầu tư: 200 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

Zhuan Zhuan là một thị trường hàng hóa đã qua sử dụng, là một phần của trang web 58.com - trang web được mệnh danh là Craigslist của Trung Quốc. Tại đại lục, Zhuan Zhuan là đối thủ cạnh tranh của Xianyu, một thị trường trực tuyến do Alibaba sở hữu. 

9. Haodaifu Online

Vốn đầu tư: 200 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

Haodaifu Online là nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trực tuyến, cho phép người sử dụng đặt cuộc hẹn, tìm bác sĩ, bệnh viện và trả tiền cho các buổi tư vấn với các bác sĩ - những người có thể kiếm thêm thu nhập thông qua trang web.

Tencent đã liên tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Ngoài Haodaifu Online, Tencent còn đầu tư vào WeDoctor (trước đây là Guahao), đơn vị cung cấp các dịch vụ tương tự. Năm tới, WeDoctor dự kiến sẽ tiến hành IPO trên sàn chứng khoán Hồng Kông. 

10. VIPKID

Vốn đầu tư: 200 triệu USD. Quốc gia: Trung Quốc

VIPKID là một công ty giáo dục tiếng Anh trực tuyến, kết nối trẻ em từ 4 đến 12 tuổi ở Trung Quốc với các giáo viên ở Mỹ và Canada. Doanh thu hàng tháng của Công ty đạt mức kỷ lục vào tháng 7/2017 là 60 triệu USD.

Tencent khá quan tâm tới mảng giáo dục khi không chỉ đầu tư vào VIPKID, mà còn rót 120 triệu USD vào Yuanfudao, một công ty dạy kèm trực tuyến của Trung Quốc.

Tin bài liên quan