“Năm Quý Tỵ ngọt ngào hơn, nhưng cần cẩn thận”

“Năm Quý Tỵ ngọt ngào hơn, nhưng cần cẩn thận”

(ĐTCK) Lạm phát tháng 1/2013 có mức tăng khá đột biến so với những tháng trước đó. Các định chế nước ngoài nhận định, điều này chỉ mang yếu tố thời vụ, nhưng tình trạng “té nước theo mưa” là không thể không quan ngại.

“Năm Quý Tỵ ngọt ngào hơn, nhưng cần cẩn thận” ảnh 1

Lưu ý vấn đề lạm phát

Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 2/2013 có chủ đề “Một năm Quý Tỵ ngọt ngào hơn, nhưng cần cẩn thận”. Mặc dù nhận định nền kinh tế Việt Nam vẫn đang có hướng đi đúng, lạm phát cả năm 2013 ước khoảng 9,5%, nhưng HSBC vẫn khuyến nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý đến vấn đề lạm phát.

Thực tế cho thấy, nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu nên lạm phát cầu kéo có thể không gặp áp lực lớn. Tuy nhiên, HSBC quan ngại về các biện pháp mà NHNN áp dụng gần đây nhằm vực dậy nhu cầu trong nước thông qua việc cắt giảm lãi suất có thể làm gia tăng lạm phát.

Trinh Nguyen, chuyên viên kinh tế HSBC nói: “Lạm phát là một mối lo ngại khi đang trên đà tăng do tình hình giá cả trên thế giới không thuận lợi. Kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và nhu cầu nội địa gia tăng”.

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô của ANZ vừa công bố cũng phân tích, lạm phát của Việt Nam tăng nhẹ từ 6,81% vào tháng 12/2012 lên mức 7,07% trong tháng 1. Lạm phát hàng tháng cũng tăng từ 0,27% lên mức 1,25% do chịu nhiều tác động của nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Cụ thể, giá thực phẩm tăng 1,34% hàng tháng, so với mức tăng 0,28% của tháng 12; giá sản phẩm may mặc và giầy dép cũng tăng cao. Trong khi đó, giá dịch vụ y tế tăng mạnh ở mức 7,4% hàng tháng, sau khi tăng nhẹ ở mức 0,14% vào tháng 12/2012.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Lạm phát tháng 1 tăng do chịu nhiều tác động của nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, những thành phần khác trong giỏ giá cả CPI có tăng nhưng không đáng kể. Chính vì vậy, nhiều khả năng đây chỉ là xu hướng tăng CPI tạm thời theo mùa vụ. Trong khi đó, đà lạm phát tính theo quý đạt đỉnh, báo hiệu áp lực lạm phát sẽ bớt dần trong những tháng tới”.

“Chúng tôi ước tính lạm phát tại Việt Nam trong năm 2013 sẽ rơi vào khoảng 8 - 10%. Lạm phát có thể tăng đến giữa năm, tuy nhiên có thể kiểm soát được. Những rủi ro này chủ yếu bắt nguồn từ những so sánh dựa trên mức cơ bản tương đối thấp (của năm ngoái), nhưng chúng tôi không dự đoán lạm phát sẽ quay trở lại mức hai con số như 2 năm trước. Tính đến thời điểm này, chính sách nới lỏng hầu như chưa có tác động nhiều đến lượng cung vốn trên thị trường và tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn mức kỳ vọng, nên chưa gây áp lực tăng giá. Chúng tôi hy vọng rằng, những quyết định điều chỉnh giá các dịch vụ y tế sẽ bớt đột ngột hơn, do Chính phủ lo ngại những bất ổn trên sẽ làm lạm phát tăng cao”, Báo cáo của ANZ nhấn mạnh.

Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered nói: “Chúng tôi dự báo lạm phát ở mức 8 - 9%, nhưng vẫn luôn có những rủi ro tăng giá quanh nhóm thực phẩm và năng lượng”.

 

Cần nhiều động thái cụ thể

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Chính phủ cần phải thực thi một số biện pháp để xoá bỏ nợ xấu trong hệ thống và nâng cao tính hiệu quả của các DN thuộc sở hữu Nhà nước với các chính sách có thể thuyết phục người dân rằng, việc làm sạch bộ máy đang được quyết liệt thực hiện. Nếu thiếu kiên nhẫn và đổ vốn quá mạnh vào những lĩnh vực còn trì trệ và còn nhiều nợ xấu thì sẽ không giải quyết những thách thức cơ bản của nền kinh tế, trong đó sự phân bổ sai các nguồn lực là một trong những yếu tố trì kéo khiến năng lực sản xuất tổng thể gặp khó.

HSBC phân tích, ưu tiên ổn định nền kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng nhanh đã được thực hiện để đưa nền kinh tế phát triển đúng hướng. Nếu Chính phủ càng sớm đề ra những cải cách cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh thì Việt Nam càng nhanh chóng bứt ra khỏi suy thoái và trở lại với quỹ đạo tăng trưởng. Trong tương lai không xa, lợi thế của Việt Nam về nhân công lao động sẽ mất dần, mà sẽ phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ các nước ASEAN.

“Chính vì vậy, chúng tôi chờ đợi nhiều tin tức tốt hơn từ những quyết sách của Chính phủ. Lạm phát được kiềm chế sẽ là một bằng chứng để đánh giá hiệu quả và cam kết của Chính phủ đối với nền kinh tế”, Báo cáo của HSBC cho biết.

Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam nhấn mạnh: “Lạm phát thấp hơn là một nhân tố quan trọng để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư tại Việt Nam trong tương lai”.