Năm mới nói chuyện kiếm tiền và xài tiền

(ĐTCK) Tiến sĩ Alan Phan rời vị trí Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa cách đây hai năm. Sau 11 năm “ở” với Viasa, ông cho rằng “chiếc áo” đã cũ và chật. Ông muốn phiêu lưu với một hành trình mới… Tuy nhiên, Tết này ông chưa muốn nói đến hành trình mới của mình, mà thay vào đó là chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ của ông xung quanh chuyện kiếm tiền và xài tiền của người Việt. 
Năm mới nói chuyện kiếm tiền và xài tiền

Kiếm tiền

Người Việt Nam, nhất là giới trẻ luôn nghĩ kiếm tiền là yếu tố hết sức quan trọng. Thực ra, vấn đề quan trọng hơn mà họ quên là tìm cho mình một công việc mà họ đam mê, hứng thú cả đời. Chăm chú vào việc kiếm tiền thay vì đóng góp, sáng tạo để tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm sẽ dễ dàng lệch hướng và thiệt hại lớn lao về lâu dài.

Những người kiếm tiền vĩ đại trên thế giới như Bill Gate của Microsoft, Mark Zuckerberg của Facebook, Steve Jobs của Apple… đều là những người dám theo đuổi sở thích của mình. Tiền không phải là cái đầu tiên họ kiếm. Nếu quan tâm đến tiền đầu tiên thì có lẽ Bill Gate đã ở lại Harvard, học hành đàng hoàng, kiếm cho mình một tấm bằng lận lưng thay vì bỏ trường, lêu bêu ra ngoài, làm ra một sản phẩm mà không biết ai sẽ sử dụng. Đó là một cuộc phiêu lưu, nhưng những người như thế dám sống vì đam mê của mình.

Nói thế nhưng cũng phải hiểu và thông cảm cho những người trẻ Việt Nam. Những khó khăn trong cuộc sống cộng với áp lực từ nhiều phía như gia đình, xã hội, các cơ chế hành chính… đã khiến họ phải đi theo con đường đã đóng khung. Đam mê dù có thì cũng chỉ sau vài ba năm cặm cụi sinh nhai là “cuốn theo chiều gió”.

Muốn kiếm tiền thì phải có sản phẩm, và sản phẩm phải có sự khác biệt, sáng tạo. Quán xá mọc lên ngày càng nhiều, nhưng điều đó chẳng nói nên rằng, người ta có xu hướng chuyển sang kiếm tiền một cách độc lập thay vì đi làm thuê. Thực ra, nó lại thể hiện một xu hướng mà mọi người hay gọi là “bầy đàn” rõ nét hơn. Thấy người này mở quán nhậu kiểu này, người khác cũng mở; thấy người ta mở quán cà phê kiểu kia thì mình cũng có… Nhiều chủ doanh nghiệp cũng làm thế, để rồi khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt, họ đem giá ra làm mồi nhử.

Ở Việt Nam, mà thực tế ở nơi khác trên thế giới cũng thế, có nhiều người thích kiếm tiền nhanh chóng thay vì phải nhặt nhạnh, tích góp từng đồng. Nói điều này bỗng liên tưởng đến chuyện bia trên xe rớt ra, mọi người nhảy vào, ai hốt được bao nhiêu thì hốt. Trước đây, tài chính và bất động sản là những chỗ dễ kiếm ăn. Ai cũng muốn nhanh chân giành phần cho mình. Sau một thời gian, những lĩnh vực này không còn dễ kiếm nữa, họ phải tự thay đổi.

Đối diện với khó khăn, người ta có phần năng động hơn, siêng năng hơn. Nhưng con người vốn lười biếng, nếu không có đam mê thì họ sẽ lười lại.

Nói đến cách kiếm tiền độc lập, ở những nền văn hoá như Anh, Mỹ thì người ta thích độc lập hơn, nhưng ở những nền văn hoá như Tây Ban Nha hay Việt Nam thì người ta cảm thấy thoả mãn với việc đi làm thuê, vì nó cứ bình bình, ít rủi ro. Đối với Việt Nam, lối tư duy bao cấp, cơ chế xin cho đây đó vẫn còn hiện hữu, khiến người ta ngại nghĩ đến những gì mới, lạ.

Thế giới, thị trường, công nghệ… thay đổi. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ siết chặt vấn đề bản quyền. Những chuyện “cắt dán” (copy & paste) sẽ không còn dễ dàng như trước. Nông dân cũng phải nghĩ đến việc áp dụng công nghệ, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn để tồn tại, vì sản phẩm nông nghiệp giá rẻ các nước sẽ được nhập vào, cạnh tranh sẽ quyết liệt. Không sáng tạo, không đổi mới thì không cạnh tranh được.

Xài tiền

Người Việt Nam vẫn còn bị tính sĩ diện rất cao. Đôi khi người ta xài tiền chỉ để khoe khoang, phô trương. Tuy nhiên, dần dần rồi họ cũng nhận thấy không ai quan tâm, nên sẽ phải thay đổi. Những người giàu nhất thế giới có cả va-li tiền, nhưng cần gì thì họ xài cái đó, chứ không phải thấy người khác có BMW, Mercedes hay Lexus thì mình cũng phải có một chiếc.

Trước đây, người Nhật rất chuộng hàng hiệu, nhưng giờ họ cũng ít quan tâm. Giờ thì Trung Quốc là thị trường hàng hiệu số một. Những người vừa mới giàu lên thường rất muốn chứng tỏ cho người khác biết. Vì thế mới có câu chuyện một người Việt Nam đặt mua chiếc giường với giá 175.000 USD. Tính phô trương này sẽ thay đổi, nhưng chắc cũng phải mất 10 hay 20 năm nữa.

Ở nhiều nước, muốn sĩ diện cũng khó. Các hãng thẻ tín dụng khi cấp hạn mức đều thẩm định kỹ càng: thu nhập của anh bao nhiêu, hiện đang có món nợ nào không… Ở Việt Nam, người ta có thể vay mượn dễ dàng; vay ngân hàng không được thì mượn bạn bè, người thân, vay chợ đen…

Trong gia đình, tưởng phụ nữ “chặt chẽ” hơn đàn ông, nhưng đàn ông mới là những người chi tiêu có kế hoạch, biết tính toán tương lai kỹ càng hơn. Một ông bạn làm Marketing nói rằng, bán hàng dễ nhất là bán cho trẻ con, thứ hai là bán cho phụ nữ và cuối cùng mới bán cho đàn ông. Dĩ nhiên, không nói những người đàn ông có thú đam mê xe hơi, thích vui chơi giải trí hay thích la cà ăn uống.

Kinh tế khó khăn, muốn xài nhiều cũng khó. Những ngày Tết mà nhiều cửa hiệu vắng tanh. Những người kiếm tiền vất vả, khó khăn, không phải được ai cho, sẽ xài tiền cẩn thận hơn. Còn nông dân đầu tắt mặt tối, chẳng có thì giờ để suy nghĩ, làm tới đâu xài tới đó, thiếu thì vay mượn.