Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Năm mới, kỳ vọng quỹ mới hút dòng tiền

(ĐTCK) Nhiều luồng thông tin cho biết, năm 2020, sẽ có thêm ít nhất 4-5 quỹ mới, trong đó phần đa là các quỹ chỉ số ETF mô phỏng 3 chỉ số mới của HOSE. Cũng cần lưu ý rằng, một trong các sản phẩm tài chính dựa trên chỉ số cổ phiếu đang lên ngôi mạnh mẽ trên thế giới là quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF). 

1,12 tỷ USD phân bổ vào thị trường Việt Nam qua các quỹ ETF

Kênh huy động vốn qua ETF ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi với chi phí thấp và hiệu quả đầu tư khá tốt. Chính vì vậy, các quỹ chỉ số ETF mới kỳ vọng sẽ thu hút thêm vốn mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 7 quỹ đầu tư thụ động đang hoạt động và có tài sản quản lý đáng kể, bao gồm 2 quỹ ETF nội và 5 quỹ ETF ngoại đang niêm yết tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và HongKong.

Tổng tài sản các quỹ ETF phân bổ vào thị trường Việt Nam đạt 1,12 tỷ USD (26 nghìn tỷ đồng) tính tới ngày 16/12/2019.

Năm mới, kỳ vọng quỹ mới hút dòng tiền ảnh 1

Quỹ ETF ngoại đầu tiên được thành lập là FTSE Vietnam Swap UCITS ETF, tiếp đến là VanEck Vectors Vietnam ETF và Premia MSCI Vietnam ETF là quỹ mới nhất được thành lập.

KINDEX Vietnam VN30 ETF được ra mắt vào năm 2016 tuy nhiên trên thực tế đây là quỹ ETF đầu tư gián tiếp thông qua quỹ VFMVN30 ETF.

Có thể kể thêm Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF bởi một phần tài sản đáng kể của quỹ được phân bổ vào thị trường Việt Nam.

Báo cáo của SSI cho biết, FTSE Vietnam Swap UCITS ETF là quỹ ETF duy nhất hoạt động theo mô hình gián tiếp (synthetic) với hình thức hoán đổi danh mục (swap) trong khi các ETF còn lại đều trực tiếp mô phỏng các chỉ số tham chiếu.

Các ETF ngoại bị hạn chế về sở hữu nước ngoài đối với từng cổ phiếu riêng lẻ, theo đó danh mục không được phép đưa vào các cổ phiếu không đủ điều kiện về room nước ngoài.

Do đó, họ thường lựa chọn các nhà cung cấp chỉ số quốc tế như MSCI, FTSE và MVIS.

Còn VFMVN30 ETF và SSIAM VNX50 ETF là hai ETF nội đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập vào năm 2014.

Năm mới, kỳ vọng quỹ mới hút dòng tiền ảnh 2

Các ETF này sử dụng chỉ số tham chiếu của HOSE. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng áp đảo trong cơ cấu sở hữu các quỹ này.

Các ETF nội có cơ chế cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cả các cổ phiếu đã kín room nhờ đó tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào danh mục cổ phiếu Việt Nam.

Các ETF này chính là giải pháp thiết thực, giúp gỡ khó cho nhà đầu tư nước ngoài trước những rào cản về giới hạn sở hữu.

Ðặc biệt, nhà đầu tư Hàn Quốc và Thái Lan có thể dễ dàng đầu tư nhờ quỹ VFM VN30 ETF đã được niêm yết tại hai quốc gia này.

Cần lưu ý rằng, theo quy định của Việt Nam, trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư không được chuyển giao tiền cho các quỹ ETF và ngược lại trong quá trình tạo mới hay thu hồi chứng chỉ quỹ ETF.

Thay vào đó, họ phải chuyển giao rổ chứng khoán cơ cấu để đổi lấy chứng chỉ quỹ ETF. Trong trường hợp sở hữu cổ phiếu bị hạn chế, nhà đầu tư có thể thay thế bằng cách chuyển giao tiền.

VFM VN30 ETF là quỹ ETF nội địa đầu tiên ra mắt trên thị trường Việt Nam. Quỹ được VietFund Management (VFM) đưa vào vận hành năm 2014, với giá trị tài sản ban đầu chỉ hơn 200 tỷ đồng và tập trung mô phỏng diễn biến chỉ số VN30-Index.

Quỹ duy trì quy mô khá nhỏ cho đến cuối năm 2017 khi bắt đầu thu hút được một lượng vốn lớn từ nhà đầu tư Hàn Quốc, đây là động lực đưa tổng tài sản của Quỹ lên vượt mức 5.000 tỷ đồng trong giai đoạn thị trường bùng nổ hồi đầu năm 2018. Với hơn 6.000 tỷ đồng (gần 280 triệu USD), đây là một trong 3 quỹ ETF cổ phiếu lớn nhất Việt Nam.

VFM VN30 ETF có lợi thế so với các quỹ ETF ngoại nhờ việc có thể giúp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room. Mặc dù là quỹ ETF nội, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 99% Quỹ.

Bên ngoài sàn HOSE, Quỹ VFM VN30 ETF được tiếp cận thị trường quốc tế thông qua niêm yết tại Hàn Quốc và Thái Lan. Tại sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX), VFM VN30 ETF là tài sản cơ sở cho một quỹ ETF Hàn Quốc là Kindex Vietnam VN30 ETF (Synth).

Kindex Vietnam VN30 ETF (Synth) đầu tư gián tiếp vào chỉ số VN30 Index thông qua việc đầu tư vào quỹ VFM VN30 ETF, tổng tài sản quỹ chiếm tới 60% tài sản của quỹ VFM VN30 ETF.

Trên sàn giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), VFM VN30 ETF được niêm yết dưới dạng chứng chỉ lưu ký (depository receipt) với mã “E1VFVN3001”.

Chứng chỉ này được niêm yết từ cuối năm 2018 đã giúp đa dạng hóa cơ cấu sở hữu của quỹ VFM VN30 ETF.

ETF SSIAM VNX50 là quỹ ETF nội địa thứ hai tại thị trường Việt Nam. Ðược thành lập vào cuối năm 2014 với tên gọi ETF SSIAM HNX30, quỹ mô phỏng chỉ số HNX30 Index, bao gồm 30 cổ phiếu lớn nhất sàn HNX.

Quỹ đã tái cấu trúc vào tháng 8/2017 và lựa chọn chỉ số tham chiếu thay thế là VNX50 Index. Quy mô của quỹ khá nhỏ so với các ETF khác, vào khoảng 180 tỷ đồng (gần 8 triệu USD) với 14,2 triệu chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 70% tổng tài sản quỹ.

VanEck Vectors Vietnam ETF là một trong hai quỹ ETF đầu tiên trên thị trường Việt Nam. Tháng 8/2009, Quỹ được ra mắt bởi VanEck dưới tên gọi Market Vectors Vietnam ETF.

Hiện tại, đây vẫn là một trong những quỹ ETF lớn nhất và hoạt động tích cực nhất trên thị trường, với tổng tài sản 440 triệu USD (hơn 10.000 tỷ đồng).

Hiện tại, 16 cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng hơn 70% rổ chỉ số, trong khi 9 cổ phiếu còn lại được niêm yết ở Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong và Ðài Loan.

FTSE Vietnam Swap UCITS ETF là ETF đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Quỹ được thành lập vào năm 2008 với số vốn ban đầu chỉ 3,4 triệu EUR với 60.000 chứng chỉ quỹ.

Hiện nay, quỹ đã phát hành gần 9 triệu chứng chỉ quỹ với giá trị 276 triệu USD (6.400 tỷ đồng).

FTSE Vietnam Index nhắm đến mô phỏng biến động các cổ phiếu lớn và có thanh khoản cao trên sàn HOSE. Chỉ số cũng yêu cầu tỷ lệ room nước ngoài tối thiểu là 10%.

Hiện tại chỉ số có 20 cổ phiếu thành phần, trong đó ngành bất động sản và tiêu dùng thiết yếu là hai ngành có tỷ trọng lớn nhất.

Còn KINDEX Vietnam VN30 ETF được thành lập vào năm 2016 và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX).

Quỹ nhắm tới mô phỏng biến động chỉ số VN30 Index. Ðể mô phỏng chỉ số, quỹ đầu tư toàn bộ tài sản vào quỹ VFM VN30 ETF và ghi nhận mức sinh lời như nhà đầu tư của chỉ số VFM VN30 ETF. Nói cách khác, quỹ vận hành dưới dạng quỹ con cho quỹ mẹ là VFM VN30 ETF.

Nhờ việc niêm yết Quỹ KINDEX Vietnam VN30 ETF, Quỹ VFM VN30 ETF đã thu hút được một nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Hiện Quỹ KINDEX đóng góp tới 60% tổng tài sản quỹ VFM VN30 ETF, khoảng 3.800 tỷ đồng.

Premia MSCI Vietnam ETF là quỹ ETF mới nhất được thành lập với mục tiêu đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Quỹ được quản lý bởi Premia Partners và được thành lập tại Hong Kong, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Ðây là quỹ ETF đầu tiên sử dụng chỉ số MSCI Vietnam Index làm chỉ số tham chiếu.

Hiện tại, chỉ số bao gồm 16 cổ phiếu thành phần, tất cả đều được niêm yết trên sàn HOSE. Bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 75% chỉ số.

Do quỹ mới được ra mắt 5 tháng, quy mô quỹ vẫn còn khá nhỏ, với 2,48 triệu chứng chỉ quỹ và tổng tài sản 24 triệu USD, tương đương hơn 500 tỷ đồng.

iShares MSCI Frontier 100 ETF là quỹ ETF lớn nhất có mục tiêu đầu tư vào các thị trường cận biên, đây là quỹ ETF thuộc nhóm iShares được quản lý bởi BlackRock.

Quỹ nhắm tới mô phỏng biến động chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index, bao gồm khoảng 100 cổ phiếu lớn nhất trong các thị trường cận biên theo bảng phân loại thị trường của MSCI. Danh mục chỉ số hiện tại bao gồm 106 cổ phiếu đến từ 13 thị trường cận biên.

Việt Nam là quốc gia lớn thứ hai sau Kuwait, với 28 cổ phiếu thành phần và chiếm tỷ trọng 12,03%. Do đó, gần 60 triệu USD trong tổng tài sản 500 triệu USD được phân bổ vào các cổ phiếu Việt Nam.

MSCI mới đây đã có quyết định nâng hạng Kuwait từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market). Theo SSI, đây là diễn biến có lợi cho Việt Nam, bởi 28% tỷ trọng của các cổ phiếu Kuwait để lại sẽ được phân bổ cho các quốc gia còn lại trong đó Việt Nam là quốc gia lớn nhất.

Tính tới thời điểm hiện tại, kết quả hoạt động của các ETF có nhiều điểm khác biệt. Một mặt, hầu hết các ETF đều có tăng trưởng thấp hơn chỉ số VN-Index do VN-Index có phương pháp tính toán tỷ trọng danh mục dựa trên vốn hóa toàn phần, không điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free-float) và không xét tới thanh khoản thực tế của cổ phiếu.

Mặt khác, các ETF được thiết kế sát hơn với mục tiêu đầu tư thực tế. So sánh các ETF sẽ thấy các ETF nội có tăng trưởng tốt hơn các ETF ngoại nhờ không bị hạn chế bởi tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

VFMVN30 ETF có kết quả tốt nhất, tăng trưởng 55% kể từ năm 2015, tiếp theo là SSIAM VNX50 tăng 41%, FTSE Vietnam Swap UCITS ETF tăng 24%. Trong khi đó, VanEck Vectors Vietnam ETF mất 7%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số VN-Index đã tăng 77%.

Chào đón nhiều quỹ mới, ETF chiếm đa số

Giới thạo tin cho biết, thị trường 2020 sẽ có ít nhất 4-5 quỹ mới, không chỉ dựa trên chỉ số cũ VN30 mà còn có quỹ dựa trên chỉ số mới mới được HOSE giới thiệu.

Bao gồm Vietnam Diamond Index, Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Financial Select Sector Index là ba chỉ số đầu tiên được ra mắt trong tháng 11 và đã thu hút sự quan tâm của thị trường.

Tiếp theo các chỉ số này, HOSE sẽ tiếp tục thiết kế và ra mắt các chỉ số phù hợp với mục tiêu đầu tư của khách hàng và mở ra nhiều lựa chọn cho các nhà quản lý quỹ cũng như nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam.

Theo SSI, Vietnam Diamond Index bao gồm 14 loại cổ phiếu thành phần, đều là các công ty lớn đầu ngành, đại diện cho 13% tổng giá trị vốn hóa và 16% tổng giá trị giao dịch của sàn HOSE.

Chỉ số Vietnam Diamond Index hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bởi chỉ số bao gồm các cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài không được phép mua do đã chạm giới hạn về sở hữu nước ngoài.

Vietnam Leading Financial Index và Vietnam Financial Select Sector Index đều được lựa chọn từ chỉ số VNFIN-Index, chỉ số ngành tài chính, với các điều kiện chặt chẽ hơn về quy mô và thanh khoản.

Ngành tài chính là một trong hai ngành lớn nhất chỉ số VN-Index, chiếm 27% tổng giá trị vốn hóa. Tuy nhiên, ngành này tăng trưởng thấp hơn chỉ số VN-Index kể từ khi ra mắt chỉ số VNFIN Index vào năm 2016.

Mới đây, ETF SSIAM VNFIN LEAD đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận phát hành ra công chúng. Quy mô ban đầu dự kiến 25-30 triệu USD.

Qũy do Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM) quản lý cùng với thành viên lập quỹ là Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) và Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam).

Thông tin trên thị trường cũng cho biết, VFM chuẩn bị đưa vào vận hành hai quỹ ETF mới về Vietnam Diamond Index, là chỉ số bao gồm các cổ phiếu đã chạm giới hạn sở hữu nước ngoài; và VNFIN Select Index, cũng nhắm đến lĩnh vực tài chính nhưng có độ bao phủ lớn hơn VNFIN Lead Index.

Bên cạnh các ETF hướng tới một số lĩnh vực đặc thù như trên, nhiều ETF hướng tới thị trường chung cũng chuẩn bị đi vào hoạt động.

Cụ thể, VinaCapital dự kiến sẽ ra mắt quỹ ETF đầu tiên dựa trên chỉ số VN100 Index, bao gồm 100 cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa niêm yết trên sàn HOSE.

Bảo Việt Fund cũng dự kiến sẽ ra mắt quỹ ETF đầu tiên sử dụng chỉ số VNSI Index (Chỉ số phát triển bền vững), bao gồm các công ty được lựa chọn từ chỉ số VN100 Index cân nhắc đến các yếu tố phát triển bền vững bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

Một số nhà quản lý quỹ khác như SSIAM, Mirae Asset và Techcombank Securities cũng đang cân nhắc đưa ra sản phẩm ETF về chỉ số VN30 trong năm tới. Tất cả các ETF trên đều là ETF nội và thị trường sẽ trở nên sôi động hơn với sự có mặt của các quỹ này.

Với sự ra mắt của các quỹ ETF mới, dòng vốn mới được kỳ vọng sẽ đổ vào TTCK. Ðối với nhà đầu tư nước ngoài, các ETF sẽ mở đường cho nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam bằng cách cung cấp các danh mục cổ phiếu lớn đại diện cho TTCK Việt Nam, giúp nhà đầu tư tiếp cận một thị trường với triển vọng vĩ mô tươi sáng trong 3 năm tới.

Trở ngại với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các cổ phiếu kín room đã tạo cơ hội cho các ETF trở thành hình thức đầu tư phổ biến hơn, giúp nhà đầu tư giải tỏa nút thắt để tiếp cận thị trường Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 20% tổng giá trị vốn hóa thị trường và chiếm tỷ trọng giao dịch 14% toàn thị trường.

Do đó, xu hướng mua hay bán của nhà đầu tư nước ngoài cũng ảnh hưởng tới một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân cũng như tâm lý thị trường chung.

Nhờ công bố thông tin minh bạch và thường xuyên, giao dịch của các ETF cũng được coi như một chỉ báo về dòng vốn ngoại và được nhà đầu tư trong nước theo dõi sát sao.

Trên thị trường quốc tế, hình thức đầu tư thụ động tăng trưởng rất nhanh trong những năm gần đây và tổng tài sản các quỹ đầu tư chỉ số đã vượt các quỹ đầu tư chủ động.

Tuy vậy ở Việt Nam, quy mô của các quỹ ETF vẫn còn rất nhỏ so với các quỹ đầu tư chủ động.

Các quỹ ETF có tổng tài sản chỉ hơn 1 tỷ USD so với 37 tỷ USD sở hữu của toàn bộ nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, hình thức đầu tư này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Việt Nam.

Trên thế giới hiện nay ngành quản lý quỹ đã thuộc về các quỹ ETF, họ là những công ty quản lý quỹ có lượng tài sản quản lý lớn nhất thế giới hiện nay và tỏ ra vượt trội so với các quỹ đầu tư chủ động theo mô hình cũ.

Các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu thường có rất nhiều loại chỉ số khác nhau trong khi các nước châu Á và các thị trường mới nổi nhà đầu tư chủ yếu đầu tư vào chỉ số thị trường chung của quốc gia mà ít đầu tư vào chỉ số của 1 ngành cụ thể.

Tuy nhiên khi thị trường càng phát triển thì nhu cầu đầu tư vào từng ngành càng cao hơn. Lưu ý rằng, khi đầu tư theo ngành cần có dải ngành đủ để cho nhà đầu tư chuyển đổi từ ngành này sang ngành khác theo chu kỳ thị trường.

Một chỉ số như chỉ số thị trường chung thường được hầu hết các quỹ ETF mô phỏng theo. Một chỉ số có thể có hàng trăm các quỹ ETF khác nhau đều mô phỏng, họ cạnh tranh với nhau nhờ phí thấp, cơ chế tạo lập thị trường (market making) hiệu quả cho nhà đầu tư tham gia cũng như sự tiện dụng trong đầu tư.

Ở TTCK Việt Nam, do quy mô vẫn còn nhỏ, số lượng nhà đầu tư tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn còn rất nhỏ so với quy mô dân số. Với đại đa số các nhà đầu tư, ETF vẫn là một sản phẩm phức tạp để họ có thể hiểu và quyết định đầu tư.

Tin bài liên quan