Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Nắm chắc cơ hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền vì sao chưa có dấu hiệu mệt mỏi?

Không trả lời câu hỏi này của Đầu tư Chứng khoán, Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán chỉ vào xấp hợp đồng mới đang cầm trên tay và kể trong buổi chiều 5 khách hàng đáo hạn trái phiếu đã chuyển mỗi người ít nhất 10 tỷ đồng vào tài khoản chứng khoán mới mở để mua cổ phiếu.

Vị này cho biết, hồi tháng 9 lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cho kỳ hạn 1 năm đạt đến 10% thì nay chỉ còn chưa đầy 8%, nếu khách hàng để linh hoạt thì còn thấp hơn nữa. Mà không phải cứ chuyển tiền là có sẵn nguồn như trước kia, nhiều khách đã phải gửi tiền trên tài khoản không kỳ hạn để chờ có nguồn mới ký được hợp đồng.

Với các quy định mới siết chặt lại việc phát hành trái phiếu từ tháng 9/2020, hiện nay lượng hàng được coi là chất lượng trên thị trường trái phiếu rất nhỏ giọt.

Kênh trái phiếu chỉ còn khe cửa hẹp, để tiền tiết kiệm lãi suất cho kỳ hạn 1 năm cũng chỉ được vỏn vẹn 5% nên không hấp dẫn nhiều người dân có tiền.

Nhà đầu tư F0 trẻ tuổi, những rich kid ở lại Việt Nam hoặc từ nước ngoài về Việt Nam tránh bão Covid-19 cũng góp mặt cho bức tranh thị trường liên tục mới mẻ. Họ đang độ 18 tuổi, nạp 5-6 tỷ đồng vào tài khoản dễ như quăng ra câu nói, mua rất dứt khoát và ít khi xuống tàu giữa chừng.

Đó là chưa kể những ông chủ doanh nghiệp lớn trên thị trường, họ đã thành thạo sử dụng và tận dụng thị trường vốn cho những mục tiêu hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng.

Khảo sát tâm lý thị trường thời điểm này cũng có nhiều điều rất thú vị. Những nhà đầu tư sẵn tiền thì tỏ ra sốt ruột khi ngày nào chứng khoán cũng xanh mướt, còn người đầy ắp cổ phiếu lại lo lắng không chốt lời dễ bị bay thành quả, mà chốt lời là lập tức “mất hàng”.

Chứng khoán Việt Nam đã trở lên đắt đỏ quá mức chưa? Câu hỏi này khiến nhiều nhà đầu tư gắn bó với thị trường nhớ lại những giai đoạn bùng nổ hồi những năm 2007, 2009. Nhưng rồi tất cả đều chia sẻ một nhận xét, thị trường nay rất khác.

Nếu cứ nhìn vào mức đáy giá cổ phiếu hồi tháng 3/2020 khi VN-Index tuột dốc xuống 650 điểm và hiện nay khi VN- Index đã vượt 1.150 điểm, dễ cho một cảm nhận về sự tăng giá quá đà.

Tuy nhiên, sự vận động của thị trường là liên tục, hành động của nhà đầu tư chịu tác động lớn của cảm xúc, tỷ lệ những nhà đầu tư nhân đôi, nhân ba tài khoản được nhận xét là không nhiều. Về tốc độ tăng, năm 2020 vẫn thua xa biến động năm 2009, thời điểm VN-Index xác lập đáy 235 điểm và vọt lên 690 điểm, tức là gấp 3 lần trong năm.

Còn nếu nhìn sang các thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ, VN-Index vẫn phải ngả mũ. Từ mức 11.000 điểm năm 2010, đến nay Dow Jones đã tăng gần 3 lần lên hơn 31.000 điểm. Trong khi đó, VN-Index vẫn chưa vượt đỉnh cũ thiết lập được từ 10 năm trước.

Kể lại câu chuyện thị trường chứng khoán những năm 2007 - 2009 và hiện nay trong số báo này, Đầu tư Chứng khoán mong muốn đồng hành với các nhà đầu tư để có các góc nhìn sâu sắc về thị trường, hỗ trợ cho việc ra quyết định hợp lý.

Thị trường đã có sự phục hồi rất ngoạn mục từ mức đáy của năm 2020. Dù vậy, hành trình nào xa cũng cần có những chặng nghỉ ngơi để cả năm 2021 xu hướng tăng được giữ vững.

Cho đến nay, các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát đi tín hiệu đúng định hướng và NHNN sẽ chưa điều chỉnh chính sách nới lỏng. Bên cạnh dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, dòng vốn ngoại thông qua các quỹ ETF được kỳ vọng sẽ là nhân tố hỗ trợ cho thị trường tiếp tục cân bằng nhanh trước các nhịp điều chỉnh và tiến đến các vùng điểm số cao hơn.

Tin bài liên quan