Năm 2021, giảm phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng khoảng 345 tỷ đồng

Năm 2021, giảm phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng khoảng 345 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 80 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua internet banking và 44 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua mobile banking, hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.

Thông tin từ NHNN về kết quả triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do Covid-19 của ngành ngân hàng, liên quan đến các giải pháp về thanh toán và thông tin tín dụng, NHNN cho biết, đã giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng với tổng số tiền dự kiến cả năm 2021 khoảng 345 tỷ đồng.

Trong đó, đã áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2021 với số tiền khoảng 190 tỷ đồng và tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí này từ tháng 9/2021 đến hết năm với số tiền dự kiến khoảng 155 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện hoàn phí giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện giải ngân cho vay theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Napas tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm phí (50%, 75%) chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử và từ 1/10/2021, Napas tiếp tục giảm thêm 80-100% phí chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng 24/7, dự kiến tổng số phí chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử giảm trong năm 2021 khoảng 1.212 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số phí dịch vụ thanh toán qua hệ thống thông tin điện tử liên ngân hàng và qua hệ thống chuyển mạch bù trừ (hệ thống Napas) dự kiến thực hiện giảm trong năm 2021 khoảng 1.557 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng tương ứng với số phí NHNN đã giảm, miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; miễn phí các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chuyển tiền cho vay người sử dụng lao động trả lương ngừng việc.

Việc ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN quy định mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) giúp cho người dân mở tài khoản thanh toán và sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử mà không cần đến điểm giao dịch của ngân hàng. Theo đó, từ cuối tháng 3/2021 và đến hết tháng 8/2021 có 18 ngân hàng báo cáo triển khai chính thức mở tài khoản eKYC, đã có thêm 1,2 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động, số lượng giao dịch trong tháng 8/2021 đạt hơn 4 triệu món.

Hiện NHNN đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN trong đó dự kiến có quy định cho phép thực hiện phát hành thẻ ngân hàng (bao gồm thẻ tín dụng) bằng phương thức điện tử, không cần đến phòng giao dịch ngân hàng.

Liên quan đến thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại trên thế giới đã được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai như: thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, internet banking, mobile banking… cho phép người dân có nhiều sự lựa chọn trong thực hiện thanh toán bằng phương thức điện tử.

Theo đó, có 80 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua internet banking và 44 tổ chức tín dụng triển khai thanh toán qua mobile banking, hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Tốc độ gia tăng về số món và giá trị giao dịch trong 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020: giao dịch qua kênh internet banking tăng 54,3% về số món, 30,7% về giá trị; giao dịch qua kênh mobile banking tăng 74,9% về số món và 93,7% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng 66,8% về số món và 133,1% về giá trị.

Tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã thực hiện 4 lần giảm giá phí khai thác dịch vụ với tổng số tiền khoảng 252 tỷ đồng. Theo đó, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục được hỗ trợ giảm 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng cho đến hết năm 2021. Các Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giá bằng 20% so với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ cùng loại cung cấp cho tổ chức tín dụng.

Điểm đáng chú ý, NHNN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money nhằm tận dụng hạ tầng, mạng lưới viễn thông để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động. Hướng tới khách hàng không có tài khoản thanh toán, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Tin bài liên quan