Năm 2018: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Năm 2018: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

(ĐTCK) Sau những thành quả đã đạt được trong năm 2017, “vấn đề quan trọng hơn trong thời gian tới là thiết kế các chính sách, giải pháp và hành động để giải quyết các vấn đề, thách thức mà nền kinh tế đang gặp phải, từ đó tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”, TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.

Cách thức tăng trưởng đã thay đổi

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức cuối tuần trước, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định, 2017 là năm được cho là hiếm hoi khi các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều đạt và vượt mức kế hoạch Quốc hội đề ra. Trong đó, hai chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất là tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát đều đạt kết quả ấn tượng.

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá: “Việc tăng trưởng GDP Việt Nam cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình của toàn thế giới cho thấy, Việt Nam đã nỗ lực và làm rất tốt trong năm 2017”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận định, thành công của Việt Nam không chỉ là mức tăng trưởng mà còn là cách thức tăng trưởng.

Cụ thể, trong năm 2017, cách thức tăng trưởng đã khác trước, không phụ thuộc vào khai khoáng, hay các gói hỗ trợ kinh tế, mở rộng tín dụng mà nhờ vào cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó thu hút thêm đầu tư từ khu vực tư nhân và khiếm khuyết của khu vực nhà nước đã bắt đầu được kiềm chế.

“Tốc độ và chất lượng cổ phần hóa ngày càng cao hơn. Điều này ở mức độ nào đó đã cho thấy sự khác biệt của cách thức tăng trưởng và xu hướng này sẽ được tiếp nối trong năm 2018”, ông Cung cho biết.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ: “Kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững trong 30 năm tới và nếu giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 6% thì Việt Nam sẽ có thay đổi hết sức căn bản”.

Đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, các ý kiến tại diễn đàn nhận định, trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ chịu tác động từ những biến động kinh tế - chính trị trên toàn cầu. Trong đó có thể kể tới những vấn đề như xung đột địa chính trị, xu hướng bảo hộ nền kinh tế nội địa, giá dầu và giá nguyên liệu trên thế giới tăng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin tưởng vào đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy quá trình thắt chặt tiền tệ… Các yếu tố này có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, HSBC dự báo, nền kinh tế nước ta có thể chuyển đổi từ trạng thái “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” sang trạng thái “tăng trưởng ổn định, lạm phát cao”. Theo đó, lạm phát sẽ tăng lên mức cao khi viện phí, giá dầu và giá lương thực leo dốc. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát được dự báo chỉ ở mức 3,7% vào năm 2018, thấp hơn so với mục tiêu 4% và nhìn chung, mức lạm phát dưới 4% là chấp nhận được để vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kích thích tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Thuấn cho rằng, ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô kết hợp với ổn định chính trị xã hội cần được coi là mục tiêu ưu tiên vì đây chính là “điều kiện cần” cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 và giai đoạn xa hơn.

Cụ thể, theo ông Thuấn, chính sách tiền tệ cần hướng tới mục tiêu lạm phát như đã đề ra. Để duy trì tỷ lệ lạm phát 4%, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể tăng trưởng ở mức hợp lý (khoảng 15%) tùy thuộc vào các cú sốc kinh tế bên trong và bên ngoài. Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng cần hướng tới đảm bảo tính thanh khoản trên thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốt dòng tín dụng vào nền kinh tế để nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu. Việc kiểm soát bao gồm giám sát dòng tín dụng đi vào các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân lớn, theo dõi hiệu quả hoạt động của các dự án có sử dụng vốn vay lớn vì một khi dự án thiếu hiệu quả hay phá sản sẽ tạo ra hiệu ứng ngoại lai tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng.

“Đặc biệt, chính sách tài khóa cần tiếp tục hướng tới việc giảm thâm hụt ngân sách, giảm dần nợ công và nợ nước ngoài. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Chính phủ cần quyết tâm thực hiện ràng buộc ngân sách cứng, giao trách nhiệm cho người đứng đầu dự án hay cơ quan chủ quản và khi dự án thiếu hiệu quả, Chính phủ có thể cho phá sản thay vì cấp vốn để dự án tiếp tục hoạt động thiếu hiệu quả”.

Về vấn đề này, ông Jonathan Dunn nêu quan điểm: “Nền kinh tế Việt Nam đang bước vào chu kỳ tăng trưởng, với những diễn biến rất tích cực. Điều cần làm hiện tại không phải dồn mọi nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà là xây dựng các chính sách trung lập nhằm đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bền vững”.

Ngành ngân hàng nhận nhiều trợ lực

Năm 2018: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 1

 Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam

Trong năm 2018, ngành ngân hàng đón nhận những trợ lực từ cả nội tại ngành và bối cảnh kinh tế chung. Theo đó, tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp đang lạc quan, thể hiện ở việc mở rộng sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm 2018. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực doanh nghiệp phát triển thì ngành ngân hàng cũng sẽ đi lên.

Bên cạnh đó, về nội tại, một tín hiệu đáng mừng là các ngân hàng rất chủ động trong quá trình xử lý nợ xấu. Nếu nút thắt này được tháo gỡ, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung đều sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.

Một vấn đề đáng chú ý là khi các vấn đề cấp bách như nợ xấu được giải quyết, đã tới lúc hệ thống ngân hàng cần nhìn nhận lại toàn bộ hoạt động, xây dựng nền tảng bền vững để hỗ trợ phát triển kinh tế trong tương lai.

Cần nâng cao chất lượng công bố thông tin

Năm 2018: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 2

 Bà Natasha Ansell, Tổng giám đốc Citi Việt Nam .

Tôi tin tưởng và hy vọng những tăng trưởng mà thị trường vốn đạt được trong năm 2017 sẽ được tiếp tục trong năm 2018. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài luôn tìm kiếm điểm đến an toàn và có mức độ hoàn vốn nhanh nhất, tỷ lệ lợi nhuận cao. Do đó, với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường vốn Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, thị trường vốn Việt Nam có quy mô còn rất nhỏ so với các quốc gia khác như Malaysia, Singapore, Thái Lan.

Trong vòng 3 năm vừa qua, đặc biệt năm 2017, số lượng các công ty quy mô lớn, có chất lượng tốt đã gia tăng đáng kể và sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2018. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn dè dặt bởi 2 rủi ro đến từ yếu tố minh bạch và tính giải trình cho thị trường vốn, thể hiện trong việc công bố thông tin.

Nên tận dụng cơ hội để nâng cao dự trữ ngoại hối

Năm 2018: Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ảnh 3

 Ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam

Năm 2017, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã gia tăng thị phần trên thị trường toàn cầu, nhất là lĩnh vực giày da, hàng điện tử. Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Dù xuất khẩu của nền kinh tế được thúc đẩy bởi khu vực FDI nên rất nhạy cảm với tỷ giá hối đoái, tuy nhiên, theo tôi, thay vì tập trung vào thị trường ngoại hối để gia tăng tính cạnh tranh, điều cần làm là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, các quy định quản lý, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động có kỹ năng, trình độ.

Đáng chú ý, dù dữ trữ quốc gia đang ở mức kỷ lục, nhưng vẫn chưa quá cao so với tương quan tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây vẫn là yếu tố tích cực tạo nên bức tranh sáng sủa trong trung hạn, cho phép tỷ giá hối đoái có sức chống chịu trước các cú sốc của nền kinh tế. Việt Nam nên tiếp tục tận dụng các cơ hội để làm sao tích lũy được dự trữ ngoại hối từ các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, dòng thu từ xuất khẩu…

Tin bài liên quan