Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, 10 tháng năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.612,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm du lịch có mức tăng cao nhất (tăng 15,6%) do kinh tế phục hồi, nhu cầu vui chơi, giải trí tăng, lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam cũng tăng mạnh trọng năm vừa qua; tiếp theo là các nhóm lương thực, thực phẩm, may mặc và đồ dùng gia đình cũng đạt mức tăng trên 12%.
Tính riêng tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 378,626 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 286,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 14,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% và tăng 8,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% và tăng 5,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 44,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,1% và tăng 5,6%.
Mức tăng chủ yếu từ các nhóm hàng may mặc, đồ gia dụng, lương thực, thực phẩm do đang vào dịp cuối năm và chuyển mùa lạnh; các nhóm du lịch dịch vụ, văn hóa phẩm và giáo dục giảm do sau thời gian tiêu dùng nhiều trong mùa hè và mùa khai giảng.
Bộ Công thương nhận định thị trường hàng hóa trong tháng 10 không có biến động lớn.
Hiện đang trong giai đoạn chuyển sang mùa lạnh, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng phục vụ các ngày lễ, tết cuối năm; thị trường các sản phẩm may mặc sôi động hơn; nguồn cung các mặt hàng nông thủy sản tốt, giá tương đối ổn định.
Các mặt hàng nhóm năng lượng tiếp tục xu hướng tăng do ảnh hưởng từ giá thế giới khi thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh, nhu cầu sử dụng tăng và những biến động về nguồn cung trước các căng thẳng chính trị của nước xuất khẩu.
Các mặt hàng thiết yếu khác như đường, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, phân bón… nhu cầu cũng tăng nhưng nguồn cung dồi dào, giá không có biến động lớn.
Nhìn chung cả nước công tác ổn định thị trường, cung cầu hàng hóa được đảm bảo. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tháng 10, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 378,626 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng diễn biến thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, theo Bộ Công thương, những tháng cuối năm nhu cầu hàng hóa nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa Tết bắt đầu tăng; nhu cầu nhiên liệu năng lượng tăng phục vụ sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên nguồn cung các mặt hàng từ sản xuất trong nước và nhập khẩu khá dồi dào, giá có xu hướng tăng nhưng mức tăng không lớn nên thị trường hàng hóa trong nước sẽ sôi động hơn nhưng không có biến động giá bất thường ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu.
Với các diễn biến này, Bộ Công thương dự báo thị trường năm 2018 về cơ bản giữ được ổn định, cung cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo. Theo đó, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2018 tăng khoảng 10-11% so với năm 2017.