Năm 2018: Môi trường vĩ mô thuận lợi tạo cơ hội phát triển bền vững

Năm 2018: Môi trường vĩ mô thuận lợi tạo cơ hội phát triển bền vững

(ĐTCK) Năm 2017, Việt Nam tiếp tục trải qua một năm tốt đẹp với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và kinh tế vĩ mô ổn định. Chúng tôi kỳ vọng, tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 6,7%. Trong thời gian vừa qua, nhu cầu nội địa tăng mạnh, sản xuất theo định hướng xuất khẩu được thúc đẩy và sự phục hồi của lĩnh vực nông nghiệp là các động lực của nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bao gồm lạm phát thấp, mức lương thực tế tăng lên hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng nội địa, trong khi kinh tế thế giới mạnh hơn giúp ngành sản xuất và nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam nhận được trợ lực.

Nhờ vậy, hoạt động xuất khẩu tiếp tục có những dấu ấn nổi bật, với mức tăng trưởng 21% trong 10 tháng đầu năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có lĩnh vực xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ đi cùng với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, được thể hiện bởi lạm phát thấp ở mức một con số, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định, cán cân thanh toán thặng dư và ngân sách được cải thiện.

Chưa kể, việc làm tiếp tục gia tăng, với 1,6 triệu việc làm mới được bổ sung thêm tại lĩnh vực sản xuất trong 3 năm qua và 700.000 việc làm thêm trong lĩnh vực xây dựng, bán lẻ và khách sạn, dẫn đến năng suất lao động tăng cao hơn. Nhu cầu sử dụng lao động cũng góp phần thúc đẩy tiền lương tăng nhanh, với mức lương trung bình ước tính đã tăng lên khoảng 8% vào năm 2017.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức tiềm ẩn. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là dù có những tín hiệu phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng năng suất lao động chưa tích cực, tạo áp lực lên khả năng tăng trưởng của nền kinh tế trong trung hạn, nhất là khi lực lượng lao động và đầu tư yếu hơn.

Đồng thời, khu vực doanh nghiệp nội địa đang tụt lại phía sau hoạt động mạnh mẽ của khu vực FDI và mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và FDI tương đối yếu. Rủi ro về tài chính vẫn còn rõ rệt, đặc biệt là về chất lượng và tốc độ hợp nhất tài chính, điều này có thể làm suy yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cần thiết cho sự tăng trưởng trong tương lai.

 Ông Sebastian Eckardt

Bên cạnh đó, dù ghi nhận những tiến bộ, nỗ lực trong việc thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 và sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng một số điểm yếu còn tồn tại trong ngành ngân hàng như khối lượng số nợ xấu đáng kể chưa được giải quyết triệt để và tỷ lệ an toàn vốn ở một số nhà băng tương đối mỏng. Những điểm yếu này đòi hỏi Chính phủ phải tiếp tục hành động và nên tranh thủ thời gian này, bởi đang có những yếu tố hỗ trợ tích cực.

Nhìn chung, triển vọng kinh tế của Việt Nam rất khả quan, nhất là khi sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và tiến trình cải cách trong nước được duy trì. Năm 2018, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vững vàng ở mức khoảng 6,5%, với kinh tế vĩ mô ổn định.

Môi trường thuận lợi này tạo cơ hội thúc đẩy và củng cố các chính sách đầy tham vọng của Việt Nam trong việc phát triển bền vững trong tương lai. Sự hồi phục kinh tế vĩ mô có thể được củng cố bởi chính sách tỷ giá linh hoạt, tăng cường dự trữ ngoại hối, các chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô vừa giúp tăng trưởng tín dụng vừa tăng cường nguồn vốn cho khu vực ngân hàng.

Trên mặt trận tài chính, vẫn có nhu cầu cải cách doanh thu và chi tiêu mạnh mẽ hơn, dẫn tới phải mở rộng cơ sở thuế và tăng cường quản lý thuế, điều chỉnh hệ thống quản lý và nâng mức chi tiêu cho đầu tư công và mua sắm hàng hóa, dịch vụ.

Các bước để tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô cần đi kèm với quá trình cải cách nhằm nâng cao năng suất lao động, bao gồm cả tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường pháp lý và tăng cường các yếu tố thị trường kể cả đất đai và vốn.

Tin bài liên quan