Ảnh Internet

Ảnh Internet

Năm 2017, cổ phiếu phân bón có “làm nên chuyện”?

(ĐTCK) Trước thông tin của Bộ Công thương về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu, giá cổ phiếu ngành này đang có sự phân hóa rõ rệt. Việc áp thuế được xem là tin có lợi cho doanh nghiệp sản xuất DAP, nhưng lợi nhuận của một số doanh nghiệp sử dụng DAP làm nguyên liệu đầu vào lại có khả năng bị suy giảm.

Giá cổ phiếu lên tiếng theo cách riêng

Ngày 12/5, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc điều tra áp thuế tự vệ đối với một số mặt hàng ngành phân bón. Theo đó, điều tra áp thuế tự vệ dự kiến áp dụng đối với sản phẩm phân DAP, một loại phân vô cơ hỗn hợp và là 1 trong 3 nguyên liệu quan trọng phối trộn phân NPK.

Hiện nay, trên thị trường có 2 đơn vị trực thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là CTCP DAP-Vinachem (mã DDV - sàn UPCoM) và CTCP DAP Số 2-Vinachem chuyên sản xuất phân DAP. Đây cũng là 2 đơn vị nộp hồ sơ yêu cầu xem xét việc áp thuế tự vệ đối với phân bón nhập khẩu, nhằm bảo vệ thị trường phân bón trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,2 triệu tấn phân bón các loại, tương ứng 1,1 tỷ USD, tăng hơn 35% so với thực hiện năm 2015. Theo ước tính của Bộ Công thương, chi phí nhập khẩu phân bón trong năm 2017 tương đương với năm 2016 ở mức 1,1 tỷ USD, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính.

Ngay sau khi có Quyết định số 1682A/QĐ-BCT của Bộ Công thương, nhóm cổ phiếu có liên quan trên sàn giao dịch đã “lên tiếng” theo cách của mình. Cụ thể, cổ phiếu DDV tăng hơn 15%, lên 7.400 đồng/cổ phiếu (hết phiên 18/5), so với thời điểm trước khi có thông tin trên (phiên 16/5).

Cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) có 2 phiên tăng trần (trong 3 phiên từ 16/5 đến 18/5), với mức tăng 21%, từ 7.100 đồng/cổ phiếu lên 8.600 đồng/cổ phiếu. Được biết, QBS hiện đang nắm hơn 19% cổ phần của DDV.

Bên cạnh sự khấp khởi mừng của các nhà đầu tư có cổ phiếu doanh nghiệp ngành phân bón, nỗi lo dường như đến với các doanh nghiệp đang sử dụng DAP làm nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt doanh nghiệp có thị phần sản xuất NPK lớn.

CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) là một ví dụ. Doanh nghiệp này sản xuất NPK lớn nhất cả nước với thị phần 28% tại khu vực miền Nam, 10% miền Trung và 10% miền Bắc.

Tham gia vào lĩnh vực phối trộn NPK còn có một số doanh nghiệp như CTCP Phân bón miền Nam (SFG) và CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS). Giá cổ phiếu trong nhóm này đang có xu hướng chững lại và suy giảm.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2017 cuối tháng 4 vừa qua, ông Lê Quốc Phong, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BFC cho biết, BFC không được lợi gì từ thông tin áp thuế tự vệ đối với phân DAP. Chính sách này chỉ có lợi cho một số đơn vị trực tiếp sản xuất DAP.

Hiện tại, chưa có kết luận chính thức từ Bộ Công thương và cơ quan này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, nếu các doanh nghiệp như BFC, LAS hay SFG tham gia vào quá trình cho ý kiến thì nhiều khả năng nhóm doanh nghiệp này sẽ bày tỏ quan điểm phản đối, do chính sách thuế có thể gây áp lực lên giá nguyên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Không cậy chính sách, doanh nghiệp trông vào đâu?

Nhà đầu tư vẫn có cơ sở kỳ vọng vào lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết trong ngành phân bón bởi loại trừ yếu tố chính sách, các yếu tố còn lại ảnh hưởng tích cực đến hoạt động ngành.

Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), giá nguyên liệu đầu vào như urê, kali,… đã giảm khá mạnh từ năm 2011 đến nay và kỳ vọng sẽ duy trì mức thấp trong năm nay, giúp các doanh nghiệp phân bón cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Hơn nữa, chính sách điều chỉnh đối với mặt hàng phân bón từ không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế 0% kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp do được khấu hao thuế đầu vào.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Tổng giám đốc BFC cho rằng, ảnh hưởng từ chính sách dù tích cực nhưng đó chỉ là ngắn hạn. “Công ty chủ trương không trông chờ vào chính sách của Nhà nước để hưởng lợi, thay vào đó Công ty cần có những chính sách phát huy năng lực cạnh tranh nội tại.

Mặt khác, bên cạnh yếu tố khó đoán định của thời tiết, BFC cũng đã tiên liệu một phần ảnh hưởng từ chính sách khi đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay hầu như không tăng trưởng so với năm 2016”, ông nói.

Được biết, Nhà máy Ninh Bình sau khi hoàn thành giai đoạn 1 và hoạt động vượt công suất, BFC đang triển khai giai đoạn 2, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, phục vụ cho chiến lược mở rộng thị phần tại khu vực miền Bắc.

Tại CTCP Phân bón miền Nam (SFG), năm 2017, Công ty chủ trương đầu tư mở rộng công suất bao gồm đầu tư dây chuyền sản xuất NPK 60.000 tấn/năm tại Nhà máy Super Phốt phát Long Thành. SFG cũng xây dựng thêm nhà xưởng 3.500 m2 tại Long Thành; đầu tư sửa chữa lớn dây chuyền sản xuất NPK 150.000 tấn/năm. Ngoài ra, trong năm nay, Công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao.

Theo giới phân tích, bên cạnh câu chuyện chính sách, điểm đáng cân nhắc hơn với nhà đầu tư là định giá của một số doanh nghiệp ngành phân bón ở mức khá hấp dẫn, thấp hơn so với mặt bằng chung thị trường. Đây là cơ hội đáng xem xét năm 2017.    

Tin bài liên quan