Trước khi CTCK KIS Việt Nam được thành lập thì công ty mẹ là KIS Hàn Quốc đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập Quỹ đầu tư tín thác KIMC. Từ năm 2007 đến năm 2015, dòng vốn của NĐT Hàn Quốc vào TTCK Việt Nam thông qua quỹ này và KIS Việt Nam là 35 tỷ USD.
Tính từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2016, NĐT nước ngoài đã bán ròng liên tục với giá trị 4.200 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn so với các nước ASEAN, trong mối so sánh về quy mô thị trường. Trong đó, các NĐT Hàn Quốc chiếm khoảng 5-10%. Tuy nhiên, trạng thái bán ròng của các NĐT nước ngoài sẽ giảm dần trong nửa đầu năm nay và trở lại trạng thái mua ròng trong nửa cuối năm.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi KIS Hàn Quốc
Trong năm 2016, khả năng dòng vốn của các NĐT nước ngoài nói chung và dòng vốn từ các NĐT Hàn Quốc nói riêng sẽ tăng lên nhiều hơn so với năm trước.
Các yếu tố tác động chính đến xu hướng này, thứ nhất là Fed có thể tăng lãi suất thêm 2 lần nữa vào cuối tháng 6 và cuối tháng 12 năm 2016, khiến các NĐT ngoại vẫn ở trạng thái bán ròng tại các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, dần về cuối năm, tâm lý ngại rủi ro của các NĐT sẽ giảm đi, NĐT cũng mạnh dạn mua trở lại hơn.
Thứ hai, về tỷ giá USD/VND, dù năm 2016, KIS có dự báo, sẽ tăng thêm 3-5%, nhưng so với các thị trường trong khu vực cũng như các thị trường mới nổi khác thì mức tăng này khá ổn định.
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Từ năm ngoái, Chính phủ đã cho phép nới trần tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài tại các công ty niêm yết, nhưng mới chỉ áp dụng lên hai nhóm ngành là CTCK và công ty quản lý quỹ.
Tôi cho rằng, khoảng nửa cuối năm nay, quy định này sẽ được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng nhất sẽ thu hút các NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam.
NĐT Hàn Quốc ưa thích đầu tư cổ phiếu thuộc nhóm ngành nào nhất trên TTCK Việt Nam, thưa ông?
NĐT Hàn Quốc đầu tư khá dàn trải, nhưng một số tổ chức vẫn lựa chọn từng mã ngành cụ thể. Trong đó, những cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn thường được ưu tiên lựa chọn.
Đặc biệt, thời gian gần đây, họ quan tâm rất nhiều tới các mã hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông có bình luận gì về nguy cơ dòng tín dụng vào bất động sản sẽ bị siết khi Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36/2014?
Trung Quốc cũng đã từng áp dụng việc hạn chế cho vay đối với thị trường bất động sản để ngăn chặn nợ xấu và hạn chế khả năng bong bóng bất động sản.
Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đang cố gắng dùng biện pháp này để giảm phát sinh nợ xấu trong thời gian tới. Tuy chưa nằm trong các nước mới nổi, nhưng nếu so với các nước này, rủi ro về nợ xấu ở Việt Nam đang lớn hơn các thị trường khác.
Theo thống kê của KIS, dòng vốn trực tiếp của NĐT nước ngoài vào thị trường Việt Nam thì tỷ trọng đầu tư vào bất động sản ở vị trí thứ 2. Có thể đây cũng là lý do khiến NHNN xem xét biện pháp này, vì vừa hạn chế cho vay bất động sản trong nước nhưng lại có thể kéo thêm dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản.
Trên lập trường của các NĐT nước ngoài, tôi cho rằng, việc hạn chế cho vay với bất động sản của NHNN như một phép thử, chứ không hẳn là ngăn vốn vào bất động sản.
Tuy nhiên, nếu xem đây là phép thử để đánh giá tác động việc hạn chế cho vay tới hệ thống ngân hàng, nợ xấu, thị trường bất động sản thì tôi cho rằng, thử càng sớm càng tốt. Thời điểm này cũng là thời điểm thích hợp.
Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới cổ phiếu ngành bất động sản, thưa ông?
Quy định này khi có hiệu lực sẽ tác động tới các doanh nghiệp bất động sản xây dựng nhà ở, còn các doanh nghiệp xây dựng cơ bản sẽ ít bị ảnh hưởng. Cổ phiếu ngành này chắc chắn bị tác động.
Nhìn vào TTCK Trung Quốc, trong giai đoạn siết lại dòng vốn tín dụng từ năm 2011-2014, cổ phiếu bất động sản suy giảm trong 3 năm (đương nhiên vẫn có nhiều mã thuộc doanh nghiệp hoạt động tốt vẫn tăng).
Trong 1 năm trở lại đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lại nới cho vay trở lại thì cổ phiếu ngành này lại tăng. Nguyên nhân tăng là nhờ thông tin trên hỗ trợ và cũng do cổ phiếu đã suy giảm quá sâu.
Mức giảm bình quân của nhóm cổ phiếu bất động sản là 20-30% trong 3 năm. Đây là con số lớn, bởi mức 20-30% chỉ là con số trung bình, tức có những cổ phiếu tăng tốt 100% nhưng lại có một cố phiếu khác giảm 100%. Qua đó cho thấy sự tác động khá mạnh của việc siết chặt cho vay bất động sản lên cổ phiếu ngành này.