Năm 2016, ACV đặt kế hoạch lãi 1.203 tỷ đồng

Năm 2016, ACV đặt kế hoạch lãi 1.203 tỷ đồng

(ĐTCK) Tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) mới đây, lãnh đạo đơn vị cho biết, mục tiêu của Tổng công ty trong giai đoạn 2016 – 2020 đưa doanh thu từ 9.403 tỷ đồng lên 10.546 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng từ 1.203 tỷ đồng lên 1.923 tỷ đồng.

Đây là những chỉ tiêu đề ra chưa tính đến biến động tỷ giá. Cổ tức hàng năm dự kiến 5%.

6 tháng đầu năm nay, ACV chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo giải thích của đại diện ACV, thực chất doanh thu của Tổng công ty trong 6 tháng vẫn tăng trưởng 33% so với cùng kỳ 2014, nhưng do ACV mới đưa vào khai thác nhà ga T2 Nội Bài nên phải trích lập khấu hao tài sản lớn, với giá trị 1.766 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty cũng thực hiện một số sửa chữa lớn khác, khiến lợi nhuận sụt giảm.

Tổng tài sản dài hạn ACV đến cuối tháng 6 tăng mạnh lên mức 24.000 tỷ đồng, do ghi nhận giá trị đầu tư nhà ga T2 Nội Bài với tổng giá trị ước tính khoảng 15.000 tỷ đồng.

Hiện ACV đang có khoản vay vốn ODA của Nhật 70,62 tỷ JPY (hơn 12.621 tỷ đồng), thời hạn vay kéo dài đến 40 năm, lãi suất từ 0,2%/năm cho khoản đầu tư xây dựng T2 Nội Bài và 1,6%/năm xây dựng Tân Sơn Nhất.

Dự kiến, ACV chi trả nợ gốc trong các năm từ 2015 - 2020 khoảng 731 triệu JPY, tương đương 136 tỷ đồng/năm. Chi phí lãi vay dao động từ 465 - 512 triệu JPY/năm (tương đương 87 - 95 tỷ đồng). Đương nhiên, ACV cũng phải chịu ảnh hưởng của biến động tỷ giá đối với các khoản vay này.

Về kết quả hoạt động của các cảng hàng không, Ban lãnh đạo ACV cho biết, năm 2014, cảng Tân Sơn Nhất lãi 2.300 tỷ đồng và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới nhờ sản lượng tiếp tục tăng, tài sản đã trích khấu hao hết.

Cảng Nội Bài đạt lợi nhuận 1.100 tỷ đồng trong năm 2014, nhưng sang năm 2015 con số này sẽ thấp hơn do phải trích khấu hao cho nhà ga T2 Nội Bài là 1.800 tỷ đồng.

Cảng Cam Ranh có lãi 60 tỷ đồng, dự kiến năm sau sẽ đầu tư mở rộng nên khả năng sẽ lỗ. Còn cảng hàng không Đà Nẵng, Phú Quốc, Cát Bi đều lãi ít hoặc bị lỗ.

Trong thời gian tới, ACV có kế hoạch mở rộng, cải tạo, nâng cấp các cảng Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng; cảng Phú Bài 70 tỷ đồng; cảng Đà Nẵng 500 tỷ đồng; cảng Chu Lai 300 tỷ và Phú Quốc khoảng 1.000 tỷ đồng.

Đối với sân bay Long Thành được chia thành 3 giai đoạn, công suất xây dựng 100 triệu khách/năm với 5 triệu tấn hàng hóa và hướng tới mục tiêu là trung chuyển của khu vực và thế giới. Giai đoạn 1 (từ nay đến 2023), tổng mức đầu tư tiền khả thi khoảng 5,45 tỷ USD, công suất 25 triệu lượt khách/năm; giai đoạn 2 (2030 -2035), xây thêm đường băng cất cánh, nhà ga để đạt 2 nhà ga với công suất 50 triệu lượt khách/năm; giai đoạn 3 (2040 trở đi), căn cứ vào nhu cầu phát triển của thị trường hàng không để đầu tư, ước tính giá trị đầu tư khoảng 16 tỷ USD.

Hiện ACV đang triển khai lập hồ sơ đấu thầu, làm dự án khả thi, sớm nhất khởi công vào năm 2018 - 2019 và 2023 đưa vào khai thác.          

Tin bài liên quan