Năm 2014, cổ phiếu ngân hàng vẫn "chưa được quan tâm"

(ĐTCK) Năm 2013 có thể được xem là một năm không thành công đối với các cổ phiếu ngân hàng đã niêm yết, khi diễn biến giá cổ phiếu trái ngược hẳn so với năm 2012. Ông Lương Công Minh, Trưởng Phòng Đầu tư, Quỹ Đầu tư Vietnam Holdings, cho biết: “Trong năm 2013 và cả năm 2014 này, các nhà đầu tư tài chính không quan tâm lắm đến cổ phiếu ngân hàng”.

M&A không đỡ giá cổ phiếu

Vốn là ngành có tỉ trọng vốn hóa lớn nhất trong các ngành niêm yết, nhưng hiệu quả đầu tư vào cổ phiếu vua trong năm 2013 lại thấp hơn so với các ngành khác. Cụ thể, hiệu quả đầu tư cổ phiếu ngân hàng thấp hơn nhiều so với các ngành dầu khí, thực phẩm tiêu dùng, thậm chí cả ngành bất động sản, bảo hiểm và chứng khoán, theo số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS).

Khác hẳn với quý đầu tiên trong năm 2013, khi giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng do các thương vụ M&A, giá của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng vào cuối năm lại giảm so với hồi đầu năm.

Chỉ riêng Ngân hàng Quân Đội (MB) và Sacombank là có mức giá cổ phiếu cuối năm 2013 tăng so với đầu năm, với mức tăng lần lượt là 3,9% và 0,38%. Còn lại, giá cổ phiếu của những ngân hàng khác đều giảm, như VCB (3,6%), CTG (11%), ACB (11,4%) hay Eximbank (21,9%), theo số liệu của SSI.

4/6 cổ phiếu ngân hàng niêm yết có mức giá cuối năm 2013 giảm so với đầu năm

Điều đáng nói là năm 2013 lại là một năm hoạt động M&A ngân hàng cực kỳ sôi động. Dù vậy, rõ ràng là những thương vụ này chỉ tạo ra những cơn sóng trong ngắn hạn mà không đỡ được giá cổ phiếu trong cả năm.

Lượng giao dịch mua bán trao tay cổ phiếu ngân hàng, kể cả niêm yết lẫn chưa niêm yết, rất lớn. Hàng loạt giao dịch với số lượng cổ phiếu khổng lồ diễn ra trong ngắn hạn. Chẳng hạn như ở giai đoạn cuối năm 2012 và đầu năm 2013, khoảng 31 triệu cổ phiếu Eximbank được giao dịch trước thông tin về hợp tác chiến lược với Sacombank.

Và đến tháng 5, tháng 6 thì hơn 25 triệu cổ phiếu của Eximbank cũng được trao tay và theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng là được chuyển giao cho một nhóm cổ đông thân tín khác.

Tương tự, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 7, hàng loạt giao dịch thỏa thuận diễn ra với cổ phiếu Sacombank với khối lượng giao dịch lên đến gần 48 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank Phạm Hữu Phú sau đó cho biết, những giao dịch này là kết quả của việc tất toán số cổ phiếu của gia đình ông Đặng Văn Thành. Đến gần cuối năm 2013, nhiều giao dịch lớn xuất hiện trở lại với cổ phiếu Sacombank nhưng không rõ danh tính.

Các thương vụ M&A thậm chí còn diễn ra sôi động hơn ở các ngân hàng chưa niêm yết. Có thể kể ra một số trường hợp như HDBank mua lại Đại Á Bank, TrustBank được một nhóm nhà đầu tư mới mua lại, PVFC hợp nhất với WesternBank, hay gần đây nhất là OCBC thoái hết vốn khỏi VPBank.

Nguồn cung cổ phiếu còn đa dạng hơn nhờ xu hướng thoái vốn của các tập đoàn nhà nước ở những ngân hàng, như Tập đoàn Điện lực với Ngân hàng An Bình, Vietnam Airlines với Techcombank, Tập đoàn Dầu khí với OceanBank.

Sẽ bật dậy trong năm 2014?

Trong báo cáo tư vấn chiến lược đầu tư vào đầu năm 2014 của mình, bộ phận phân tích của SSI có đặt vấn đề: sẽ đánh giá lại cơ hội của nhóm ngành ngân hàng, ít nhất là cho đến cuối quý I/2014, thời điểm các ngân hàng công bố lợi nhuận năm 2013.

Theo lý giải của bộ phận phân tích SSI, lợi nhuận giảm chính là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư nghèo nàn của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Đến thời điểm hiện nay chỉ có một vài ngân hàng công bố lợi nhuận. Trong đó, 3 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc kiểm soát của nhà nước đạt xấp xỉ 100% kế hoạch đề ra. Ngược lại, các ngân hàng thương mại tư nhân hầu hết có lợi nhuận thấp hơn kế hoạch, trừ Sacombank và OCB.

Còn tính chung trên thị trường, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11, lợi nhuận của các ngân hàng ước đạt khoảng 29.500 tỉ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2012, nhưng quy mô lợi nhuận chỉ bằng 50% so với năm 2011. Trong đó, có hơn một nửa số tổ chức tín dụng có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước.

Một lý do nữa mà bộ phận phân tích SSI cho rằng đã đến thời điểm phải nhìn lại cổ phiếu ngân hàng, đó là năm 2014 là năm cuối cùng trong quá trình làm sạch bảng cân đối kế toán ở các ngân hàng.

Một trong những điểm sáng của thị trường trong năm 2013 là Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức đi vào hoạt động. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm, tổ chức này mua lại 40.000 tỉ đồng nợ xấu của hơn 35 tổ chức tín dụng.

Trong năm 2014, số nợ xấu mà VAMC đặt ra kế hoạch mua lại lên đến con số 100.000 tỉ đồng, nghĩa là gần như toàn bộ số nợ xấu của toàn ngành (theo báo cáo từ các ngân hàng, tổng nợ xấu đang ở mức 3,9%, tương đương với 130.000 tỉ đồng).

Một vấn đề khác ảnh hưởng trực tiếp đến nợ xấu là Thông tư 02/2013 quy định về phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng. Theo tính toán của SSI, nợ xấu trong hệ thống sẽ tăng lên gấp đôi nếu áp dụng thông tư này. Tuy nhiên, đầu tháng 1.2014 có nhiều thông tin không chính thức cho rằng một số điểm của thông tư này sẽ được sửa đổi, chẳng hạn như lùi thời điểm phân loại nợ đến ngày 1.1.2015, thay vì ngày 1.6.2014. Điều đó có nghĩa các ngân hàng sẽ có thêm 1 năm nữa để xử lý bớt nợ xấu.

Dưới góc độ người mua, năm 2013 có vẻ là một năm rất thành công đối với những cá nhân muốn sở hữu ngân hàng. Các thương vụ mua bán lớn đang diễn ra dưới danh nghĩa của các cá nhân thay vì tổ chức.

TrustBank được một nhóm 20 nhà đầu tư mua vào, ngoài Tập đoàn Thiên Thanh. Hay thông tin từ thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Chứng khoán ACB cho biết, vào cuối năm 2012, tổ chức này chuyển nhượng 14,4 triệu cổ phiếu của Kiên Long Bank cho một cá nhân. Vietnam Airlines cũng đã bán hết hơn 24 triệu cổ phiếu của Techcombank cho 3 nhà đầu tư cá nhân. Thương vụ thoái vốn của OCBC cũng chuyển giao cổ phiếu cho 3 cá nhân.Trước đó, vào đầu năm 2013, cổ đông lớn của VPBank là Công ty Cổ phần Châu Thổ Sông Hồng cũng bán hết gần 15% cổ phần ở VPBank cho các cá nhân.

Nhưng trên thị trường chứng khoán thì lại ngược lại. Dễ thấy rằng cổ phiếu ngân hàng trong năm qua không được giới đầu tư ưa chuộng lắm, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Ông Lương Công Minh, Trưởng Phòng Đầu tư, Quỹ Đầu tư Vietnam Holdings, cho biết: “Trong năm 2013 và cả năm 2014 này, các nhà đầu tư tài chính không quan tâm lắm đến cổ phiếu ngân hàng”. Và cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút các nhà đầu tư tổ chức hơn là nhà đầu tư cá nhân.

Khối lượng giao dịch cổ phiếu ngân hàng 2013 giảm mạnh so với 2012

Thống kê lại khối lượng giao dịch khớp lệnh cho thấy, chỉ riêng mã CTG của Vietinbank là có khối lượng giao dịch năm 2013 tăng cao so với năm 2012, còn lại các mã cổ phiếu khác đều giảm. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường giao dịch nhiều ở những cổ phiếu “ăn theo” các thương vụ M&A lớn, mà trong năm qua CTG là một trường hợp.

Điều này cũng không khó lý giải, bởi nhà đầu tư cá nhân thường ưa chuộng các cổ phiếu tăng giá “nóng”; họ ít khi lựa chọn nhóm ngân hàng vốn có biến động giá rất thấp. Ngoài ra, các vụ vi phạm của các nhà điều hành ngân hàng và nợ xấu dây dưa cũng khiến nhà đầu tư lo ngại.

Trong các cổ phiếu ngân hàng xem ra nhà đầu tư vẫn ưa thích ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước hơn, tiêu biểu là Vietcombank. Theo ông Minh, Quỹ Vietnam Holdings, VCB là một cổ phiếu tốt và ổn định. Cổ phiếu này cũng được nhiều công ty chứng khoán giới thiệu và đưa vào danh sách theo dõi. Trong năm nay, SSI còn đưa thêm vào danh sách theo dõi cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội. Ở phía ngược lại, các cổ phiếu của ngân hàng tư nhân chứng kiến một năm giá cổ phiếu lẫn khối lượng giao dịch giảm.

Ngoài bất lợi về giá cổ phiếu, nhóm ngân hàng còn bị động trong việc chia cổ tức. Đến thời điểm này, chưa có ngân hàng nào công bố mức chia cổ tức trong năm 2013, song dựa vào mức lợi nhuận khiêm tốn có thể phần nào dự đoán được mức chia cổ tức của các ngân hàng.

Đó là chưa nói đến việc áp lực nguồn cung đối với cổ phiếu ngân hàng sẽ còn lớn hơn nữa khi đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tất cả các ngân hàng buộc phải niêm yết. Như vậy, sẽ có gần 30 ngân hàng nằm trong diện chuẩn bị niêm yết bên cạnh 8 ngân hàng đã niêm yết.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, việc buộc ngân hàng phải niêm yết xuất phát từ tình thế tiến thoái lưỡng nan trong quá trình xử lý nợ xấu và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Nếu xử lý triệt để, nhiều ngân hàng sẽ mất hết vốn. Vì vậy, vừa tái cấu trúc vừa huy động vốn mới qua niêm yết là biện pháp khả thi nhất.

Có thể nói cổ phiếu ngân hàng đang rơi vào một vòng luẩn quẩn. Nợ xấu tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận, lợi nhuận giảm lại ảnh hưởng đến vốn của ngân hàng. Vì thế, ngày càng nhiều ngân hàng tìm cách bán bớt cổ phiếu để tăng vốn. Tuy nhiên, nguồn cung cổ phiếu ngân hàng đã quá nhiều nên khó thu hút người mua, khiến các ngân hàng không tăng đủ vốn để tạo lớp đệm phòng tránh rủi ro; rủi ro cao lại làm cổ phiếu ngân hàng mất sức hấp dẫn.

Điều may mắn cho các cổ phiếu vua trên sàn là nguồn cung này sẽ khó có thể cùng lúc ồ ạt lên sàn, ít nhất là trong năm nay. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, muốn lên sàn, các ngân hàng phải đáp ứng nhiều điều kiện như có lãi trong 2 năm liền kề, tỉ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ trong thời gian 2 quý liền trước… Xét theo quy định này, hẳn có nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được, kể cả các ngân hàng quy mô tương đối lớn. Techcombank, chẳng hạn, có tỉ lệ nợ xấu tới 5,93% tính đến cuối quý III/2013.

Chìa khóa duy nhất cho các ngân hàng đã niêm yết lúc này là phải kinh doanh hiệu quả hơn. Hầu hết các ngân hàng đang tiến đến mô hình kinh doanh bán lẻ và phát triển dịch vụ tài chính cá nhân để tăng thu nhập ngoài lãi từ tín dụng, giảm sự phụ thuộc vào lãi suất vốn đang có xu hướng giảm.

Chính vì thế, cổ phiếu vua có lẽ vẫn chỉ nằm trong danh sách theo dõi và chờ đợi, trong đó có cả sự chờ đợi những thay đổi về quy định tỉ lệ sở hữu ở ngân hàng.

Theo ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital, “ngoài hiệu quả hoạt động, nhà đầu tư thực sự còn muốn sở hữu nhiều hơn tỉ lệ nhà nước cho phép tại các ngân hàng”. Có lẽ trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng cần người mua như lúc này, chỉ có nới lỏng tỉ lệ sở hữu mới giúp cổ phiếu vua lấy lại sức hấp dẫn.

Tin bài liên quan