Số lượng 10 ngân hàng vẫn là ít, nếu so với số lượng 30 ngân hàng nộp hồ sơ đấu thầu, trong đó 25 ngân hàng đã được lựa chọn sơ bộ, như công bố mới nhất. Ngân hàng trong nước vẫn được bảo vệ, khi mà mỗi ngân hàng ngoại sẽ chỉ được lập duy nhất một chi nhánh và không được kinh doanh ngân hàng bán lẻ, đồng thời chỉ được cho vay bằng đồng ngoại tệ.
“Chúng tôi đang cố gắng không gây ra môi trường cạnh tranh khốc liệt cho các ngân hàng nội địa”, Set Aung, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) Myanmar nói.
Danh sách các ngân hàng thắng thầu sẽ được công bố vào tháng 9 tới. Trong số 25 ngân hàng qua vòng chọn đầu tiên, có 1 đại diện của Việt Nam là BIDV, bên cạnh ngân hàng quốc tế ANZ, ICBC của Trung Quốc và 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui và Mizuho.
Trong khi khối ngân hàng châu Á nộp hồ sơ hàng loạt, thì Standard Chartered - ngân hàng có truyền thống tập trung rất mạnh vào các thị trường mới nổi tại châu Á - lại đứng ngoài.
Phát ngôn viên của Standard Chartered nói rằng, Ngân hàng quyết định không nộp hồ sơ xin giấy phép lập chi nhánh lần này “vì các lý do thương mại”.
“Chúng tôi vẫn tập trung vào phát triển sự hiện diện tại Myanmar thông qua văn phòng đại diện”, phát ngôn viên trả lời tờ Wall Street Journal.
Đối với các tổ chức tín dụng nước ngoài, đặc biệt với những ngân hàng tại Nhật, Singapore và Trung Quốc, việc hiện diện tại Myanmar có ý nghĩa lớn khi các công ty tại nước chủ nhà của họ rót tiền sang nước này. Trung Quốc đã có 14 tỷ USD vốn đầu tư được cấp phép tại Myanmar tính đến cuối tháng 6, Singapore cam kết 1,58 tỷ USD vốn đầu tư mới chỉ trong chưa đầy một năm từ tháng 4/2013 đến tháng 1/2014, các công ty Nhật đã đầu tư thực tế 332 triệu USD vào Myanmar.
Phát ngôn viên của Mitsubishi UFJ bình luận về sự kiện: “Myanmar là một trong những quốc gia chúng tôi muốn thực hiện hoạt động kinh doanh mạnh mẽ do tiềm năng tăng trưởng kinh tế và các nguồn tài nguyên dồi dào của quốc gia này”.
Đối với Myanmar, động thái này sẽ lần đầu tiên đem đến sự hiện diện thực sự của các tổ chức tín dụng nước ngoài đến đất nước đã bị cô lập và chịu trừng phạt kinh tế suốt nhiều năm qua, và kinh tế tụt hậu dưới thời chính quyền quân sự. Đến nay, ngành ngân hàng vẫn đang kém phát triển còn các doanh nghiệp trong nước đang đói vốn.
Myanmar thậm chí đã trải qua cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2003 do các khoản tín dụng không chính thức gây ra đổ vỡ hệ thống, dẫn đến việc 3 ngân hàng lớn của quốc gia này phải đóng cửa, còn nhu cầu tiền gửi tụt giảm tận 70% trong năm 2004. Khi đó, NHTW không thể đảm bảo cho tiền gửi của người dân gây ảnh hưởng lớn tới lòng tin đại chúng vào ngành ngân hàng, và đến gần đây, lòng tin mới được hồi phục lại.
Myanmar đang tiến tới một thời kỳ tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây, mặc dù vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết như thiếu hụt cơ sở hạ tầng và đói nghèo.
Nhưng ở mặt khác, vẫn có sự phản đối cải tổ sớm của các ngân hàng trong nước. “Các ngân hàng nước ngoài là những tổ chức khổng lồ, nhưng chúng ta lại rất nhỏ”, Sein Maung, Chủ tịch Myanmar First Private Bank và Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Myanmar nói. “Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng cạnh tranh với họ”.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích nói rằng, lo lắng đó có thể hơi thừa, vì trước mắt các ngân hàng ngoại sẽ chưa thu được mấy lợi nhuận, đó cũng là lý do vì sao các ngân hàng phương Tây chưa tiếp cận Myanmar. Các lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia phân tích ngân hàng phương Tây, trong khi đó, nói rằng, họ đang chờ xem ngành dịch vụ tài chính sẽ phát triển như thế nào ở một môi trường thương mại vẫn rất nhạy cảm như Myanmar.
Keith Pogson, chuyên gia trị lĩnh vực dịch vụ tài chính cho Asia Pacific at Ernst & Young nói: “Bối cảnh chung về cơ hội ngành ngân hàng ở Myanmar là sự cường điệu đang đi trước thực tế”.