Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga đang có nguy cơ trở thành “gậy ông đập lưng ông” do chúng có thể bóp nghẹt nguồn cung dầu toàn cầu và đẩy giá tăng cao, cựu CEO Tony Hayward của BP cảnh báo.
Tony Hayward nói rằng, việc cấm cửa các tập đoàn năng lượng Nga khỏi các thị trường vốn và hạn chế sự tiếp cận của họ đối với công nghệ dầu khí phương Tây sẽ rốt cuộc dẫn đến việc hạn chế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất dầu khí của Nga và đe dọa nguồn cung dầu toàn cầu về mặt dài hạn. Theo Hayward, sự bùng nổ sản lượng dầu khí của Mỹ đã che khuất những rủi ro đang tăng lên đối với nguồn cung dầu lửa của thế giới, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ lộ diện, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng dễ bị tổn tương bởi những gián đoạn trong dòng chảy dầu.
Ông Hayward đã phát biểu ý kiến của mình khi Mỹ và EU mở rộng trừng phạt đối với Nga hôm thứ Sáu tuần trước, với việc bổ sung thêm Gazprom, nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu, và Lukoil, tập đoàn đầu khí tư nhân, vào danh sách đen, đồng thời yêu cầu các công ty phương Tây hạn chế cung cấp các hàng hóa, công nghệ và dịch vụ cho các dự án nước sâu, ngoài khơi Bắc Băng Dương và đá phiến. EU và Mỹ cũng áp dụng các hạn chế về tài chính đối với các tập đoàn năng lượng Nga có vốn nhà nước.
“Thế giới đã bị ru ngủ bởi cảm giác an toàn từ những gì đang diễn ra ở Mỹ”, ông Hayward nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, ám chỉ hiện tượng bùng nổ nguồn dự trữ dầu mỏ của Mỹ - tăng 60% từ năm 2008. Nhưng ông cũng đặt câu hỏi: “Khi lượng cung của Mỹ đạt đỉnh, đâu sẽ là nguồn cung mới?”
Khi sản lượng từ các bể dầu giảm, thế giới đã phải tìm đến các nguồn cung khác như Canada, Iraq và Nga. Nhưng hoạt động khai thác dầu khí của Nga ở Bắc Băng Dương và các mỏ ở Siberia đang bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt, ông nói. “Do các biện pháp trừng phạt mà các gã khổng lồ trong ngành dầu khí bắt đầu cắt giảm hoạt động của họ”.
Ông Hayward, người đang điều hành công ty thăm dò Genel Energy và là Chủ tịch tập đoàn hàng hóa Glencore, cũng đặt câu hỏi về các dự án tăng sản lượng dầu ở Iraq. Ông nói rằng, nước này sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2020.
Các biện pháp trừng phạt cũng có thể đe dọa các liên doanh mà Rosneft, một tập đoàn dầu khí nhà nước của Nga, liên kết với các đối tác lớn phương Tây như ExxonMobil trong việc khai thác ở vùng biển Bắc Cực của Nga. Ông Michael Cohen, một nhà phân tích ở Barclays, nói rằng, các biện pháp trừng phạt có thể gây khó khăn cho các tập đoàn dầu mỏ và các công ty dịch vụ châu Âu trong việc hỗ trợ hoạt động của họ ở Nga.