Ảnh minh họa: CNBC.

Ảnh minh họa: CNBC.

Mỹ và châu Âu “gặp khó” trong thực hiện mục tiêu tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
Các chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm chạp tại nhiều nước do những vấn đề về hậu cần và nguồn cung.

Dù hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã trải qua một đêm giao thừa và những ngày đầu Năm mới lặng lẽ chưa từng có, song đại dịch Covid-19 vẫn có dấu hiệu diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, với liên tiếp những kỷ lục về số ca mắc và tử vong mới.

Trong khi đó, các chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 lại diễn ra chậm chạp tại nhiều nước do những vấn đề về hậu cần và nguồn cung.

Mỹ tiếp tục ghi nhận thêm những kỷ lục buồn khi số ca mắc Covid-19 vượt ngưỡng hơn 20 triệu người, tức tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy 2 tháng qua. Đây cũng là quốc gia có số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, với hơn 356.000 trường hợp.

Một trong những lý do giải thích cho sự gia tăng đáng báo động này là hoạt động đi lại của hàng triệu người dân Mỹ trong dịp lễ Tạ ơn cuối tháng 11 vừa qua, cũng như những dịp lễ lớn cuối năm và chào đón năm mới 2021 bất chấp những lời kêu gọi “hãy ở nhà” của chính quyền.

Trong khi đó, các chiến dịch tiêm phòng vaccine lại diễn ra chậm hơn so với dự kiến do những khó khăn về hậu cần và việc các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Tính đến hết ngày 01/01 theo giờ Mỹ, mới chỉ có 2,8 triệu người dân nước này được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, cách khá xa mục tiêu 20 triệu người mà chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Mỹ đặt ra đến cuối tháng 12/2020.

Tổng thống đắc cử Mỹ Biden hôm qua (1/1) đã bày tỏ sự thất vọng, đồng thời cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ một khi chính thức bước chân vào Nhà trắng ngày 20/01 tới: “Kế hoạch phân phối vaccine của chính quyền ông Donald Trump đang bị tụt lại phía sau rất xa. Một vài tuần trước, ông Trump đã đặt ra mục tiêu 20 triệu người Mỹ có thể được tiêm phòng vào cuối tháng 12. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ vài triệu người được tiêm. Nếu tốc độ tiêm chủng vẫn diễn ra như hiện nay thì có thể sẽ phải mất nhiều năm, chứ không phải là vài tháng để tiêm ngừa cho tất cả người dân Mỹ”.

Không chỉ tại Mỹ, nhiều nước châu Âu cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Nhiều nhân viên y tế tại Đức vẫn chưa được tiêm vaccine dù thuộc diện ưu tiên, trong khi giới chuyên gia tại Pháp không ngừng cảnh báo về sự chấm trễ trong tiến trình chuyển giao và tiêm phòng vaccine.

Phát biểu nhân dịp Năm mới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ không để bất kỳ sự chậm trễ nào xảy ra trong việc tiêm phòng vaccine cho người dân: “Chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng vào loại vaccine mà những bộ óc tài năng của con người đã tạo ra chỉ trong vòng 1 năm. Điều mà không ai có thể tưởng tượng chỉ cách đây vài tháng. Tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai đùa giỡn với sự an toàn mà các nhà khoa học và bác sĩ của chúng ta đã mang lại. Việc tiêm chủng phải được thực hiện. Tôi sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ sự chậm trễ vô lý nào”.

Một phần của những khó khăn này là do số lượng đơn hàng mà Liên minh châu Âu đặt cho 27 nước thành viên tương đối thấp, với các hợp đồng mua vaccine chỉ mới được ký cách đây 2 tháng, muộn hơn so với các nước khác.

Hãng dược phẩm Đức BioNTech hôm qua khẳng định đang đẩy mạnh nỗ lực hợp tác với đối tác Pfizer của Mỹ để bù đắp lượng vaccine ngừa Covid-19 còn thiếu tại châu Âu trong khi chờ đợi vaccine của những hãng dược phẩm khác được cấp phép.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại đã khiến hàng loạt nước châu Âu phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Năm mới.

Dù là một trong một những quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do Covid-19 thấp nhất tại châu Âu, song chính phủ Na Uy cũng yêu cầu bắt đầu từ ngày hôm nay (02/01), bất kỳ ai muốn vào nước này đều phải xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Quyết định đưa ra sau khi Na Uy phát hiện 5 trường hợp mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh.

Cơ quan y tế Mỹ hồi tuần này cũng thông báo những trường hợp mắc biến thể mới tại các bang Colorado, Califoria và mới đây nhất là Florida.

Không chỉ tại châu Âu hay Mỹ, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại một loạt nước ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ mới đây thông báo dừng tất các chuyến bay từ Anh.

Tin bài liên quan