Trong phiên cuối tuần trước, việc Trung Quốc và Mỹ tăng thuế hàng hóa của nhau, làm cuộc chiến thương mại leo thang lên một tầng mức mới đã khiến giới đầu tư trên toàn cầu hoảng loạn bán tháo, đẩy phố Wall giảm 3%.
Tuy nhiên, trong ngày Chủ nhật và đầu tuần mới, cả 2 lại dịu giọng trở lại.
Đầu tiên là Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán để không làm leo thang xung đột thương mại với Washington.
Sau đó, Tổng thống Mỹ hoan nghênh Trung Quốc trở lại bàn đàm phán thương mại và cho biết, các quan chức Trung Quốc đã gọi điện cho các quan chức Mỹ vào tối Chủ nhật (25/8) và nói rằng họ muốn tiếp tục đàm phán.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước khi gặp mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Biarritz của Pháp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 hôm thứ Hai (26/8), người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông không loại trừ khả năng trì hoãn việc áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.
Những thông tin trên đã giúp giới đầu tư thở phào nhẹ nhõm và trở lại với thị trường chứng khoán, giúp các chỉ số chính của phố Wall hồi phục trở lại trong phiên đầu tuần mới, lấy lại được phân nửa những gì đã mất trong phiên cuối tuần trước.
Về kinh tế, dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố cho thấy, các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa vốn chủ yếu do Mỹ sản xuất có mức tăng khiêm tốn trong tháng 7, trong khi các lô hàng giảm mạnh nhất trong gần 3 năm. Dữ liệu này có thể cung cấp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lý do để để giảm lãi suất một lần nữa khi các nhà hoạch định chính sách gặp nhau vào tháng tới.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Dow Jones tăng 269,93 điểm (+1,05%), lên 25.628,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 31,27 điểm (+1,10%), lên 2.878,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 101,97 điểm (+1,32%), lên 7.853,74 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng hồi phục trở lại khi thương chiến có dấu hiệu dịu bớt.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số DAX tại Đức tăng 46,53 điểm (+0,40%), lên 11.658,04 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,16 điểm (+0,45%), lên 5.351,02 điểm.
Trong khi đó, theo chân chứng khoán Âu, Mỹ phiên cuối tuần trước do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới.
Kết thúc phiên 26/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 449,87 điểm (-2,17%), xuống 20.261,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 33,86 điểm (-1,17%), xuống 2.863,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 499,00 điểm (-1,91%), xuống 25.680,33 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý tiếp tục tăng vọt khi mở cửa phiên châu Á khi chứng khoán bị bán tháo đồng loạt. Tuy nhiên, ngay sau đó giá vàng hạ nhiệt dần và lùi về giao dịch lình xình quanh mức giá đóng cửa của phiên trước từ cuối phiên châu Á cho đến hết phiên Mỹ do chứng khoán Âu, Mỹ đảo chiều tăng điểm.
Kết thúc phiên 26/8, giá vàng giao ngay đứng yên ở mức 1.526,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,4 USD (-0,03%), xuống 1.537,2 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu thô tiếp tục sụt giảm trong phiên đầu tuần mới khi giới đầu tư thắp lên hy vọng căng thẳng Mỹ - Iran sẽ được giảm bớt với nỗ lực trung gian của Pháp. Tuy nhiên, mức giảm không lớn khi thương chiến có dấu hiệu dịu lại.
Kết thúc phiên 26/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,53 USD (-0,98%), xuống 53,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,64 USD (-1,08%), xuống 58,70 USD/thùng.