Sau cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ tạm ngừng kế hoạch nâng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn được lên kế hoạch sẽ tiến hành trong tuần này.
Ở chiều ngược lại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gia tăng việc mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ với giá trị từ 40 tỷ USD lên 50 tỷ USD. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về mốc thời gian chưa được tiết lộ.
Phản ứng trước diễn biến mới của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các thị trường chứng khoán đều theo xu hướng leo dốc. Tuy nhiên, đà tăng không kéo dài bởi những chi tiết được công bố không thỏa mãn kỳ vọng của các thành viên thị trường.
Cụ thể, cả hai bên đang để ngỏ những vấn đề “khó nhằn” nhất, vốn là gốc rễ tạo nên xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm việc Mỹ thúc giục Trung Quốc tuân thủ các quy định về luật sở hữu trí tuệ, mở cửa các thị trường tài chính một cách công bằng, hay bất đồng quan điểm về việc Trung Quốc o bế doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, số phận của gần 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đang chịu thuế suất cao vẫn chưa được định đoạt.
Đáng chú ý, kế hoạch nâng thuế vào tháng 12 đối với các sản phẩm điện tử, may mặc và nhiều hàng hóa tiêu dùng khác - vốn là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp Mỹ hiện nay vẫn đang rất mơ hồ.
“Nếu các kết quả chỉ là thế này, chúng ta lẽ ra đã có thỏa thuận trên từ cách đây 1 năm”, Derek Scissors, chuyên gia thương mại tại Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ cho biết.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc liên tục có các phát ngôn khẳng định, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những tiến triển tích cực trong quá trình đàm phán về các vấn đề, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hành vi thao túng tiền tệ…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các vấn đề này chưa thể được giải quyết, khi Trung Quốc mong muốn tách biệt các nội dung này thành những phần thảo luận khác nhau, bên cạnh câu chuyện về thuế nhập khẩu, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn có thể ký một thỏa thuận toàn diện, bao gồm các vấn đề kể trên.
Theo giới quan sát, ông Trump đang ở tình thế bất lợi hơn khi đối diện tình trạng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại và các cuộc điều tra luận tội. Với việc các mâu thuẫn căn bản chưa tìm được tiếng nói chung, nước Mỹ còn cách rất xa mục tiêu đạt được thỏa thuận có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc có những thay đổi về cấu trúc, cách thức hoạt động, cũng như loại trừ lịch trình tăng thuế, vốn có tác động lớn tới sức mua và tăng trưởng kinh tế Mỹ.
“Những thông báo về thỏa thuận đầu tiên hầu như không giải quyết được vấn đề gốc rễ nào của xung đột thương mại giữa hai quốc gia.
Và từ góc nhìn của doanh nghiệp, lịch trình áp thuế nhập khẩu vẫn đang treo lơ lửng khiến họ không thể tìm được phương hướng cho câu chuyện sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới”, Eswar Prasad, chuyên gia Trung Quốc, nhà kinh tế tại Đại học Cornell nhận định.
Hiện tại, các doanh nghiệp Mỹ tỏ ra thận trọng với những kết quả đã đạt được. Business Roundtable, Hiệp hội Các doanh nghiệp lớn tại Mỹ đưa ra thông báo: “Chúng tôi trông đợi các thông tin chi tiết hơn và thúc giục chính quyền cả hai quốc gia có thêm các hành động cải tổ cấu trúc nền kinh tế và giải quyết vấn đề áp thuế lên sản phẩm của nhau”.
Theo ông Trump, sẽ có thêm 1 - 2 vòng đàm phán tiếp theo được thực hiện trong thời gian tới, dù mốc thời gian cụ thể chưa được xác định.