Trong bài bình luận trên tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Janet Yellen cho rằng, cuộc khủng hoảng tạo ra vì vỡ trần nợ công cộng với thiệt hại từ đại dịch Covid-19, sẽ khiến thị trường rung chuyển và đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái trở lại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ không đưa ra thời điểm dự báo có thể vỡ nợ nhưng mô tả thiệt hại kinh tế sẽ đổ xuống người tiêu dùng thông qua chi phí đi vay tăng cao và giá tài sản giảm. Trước đó, bà Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ trong tháng 10 khi Bộ Tài chính cạn kiệt dự trữ tiền mặt và nợ công chạm ngưỡng trần 28.400 tỷ USD.
“Chúng ta có thể vay với chi phí rẻ hơn so với gần như mọi quốc gia khác và vỡ nợ sẽ đe dọa vị thế tài chính đáng ghen tị này. Vỡ nợ còn khiến Mỹ trở thành nơi tốn kém hơn để sinh sống, bởi chi phí đi vay cao hơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng. Thanh toán thế chấp, cho vay xe hơi, hóa đơn thẻ tín dụng - mọi thứ mua sắm bằng tín dụng sẽ đắt hơn sau khi vỡ nợ”, bà Yellen nói.
Bà Yellen lập luận, nợ công là để chi trả cho các nghĩa vụ chi tiêu trong quá khứ và việc chờ đợi nâng trần nợ công quá lâu cũng có thể gây thiệt hại. Bà dẫn chứng cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011 đã đẩy chính phủ liên bang đến bờ vực vỡ nợ, dẫn tới bị hạ xếp hạng tín nhiệm.
“Tình trạng đó tạo ra sự gián đoạn trên thị trường tài chính kéo dài nhiều tháng. Thời gian là tiền bạc, có thể là hàng tỷ USD. Trì hoãn hay vỡ nợ đều không thể chấp nhận được” - Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói thêm.
Phe Cộng hòa đang từ chối ủng hộ nâng trần công, tuy nhiên, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện, Jim Clyburn ngày 19/9 cho rằng, phe Dân chủ có thể buộc phải thông qua tăng trần nợ công mà không có sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa.
“Tôi nghĩ chúng ta nên làm điều cần làm và gửi thông điệp đến người dân Mỹ chính xác ai là bên đang cố phá hủy nền dân chủ mà chúng tôi hy vọng có thể duy trì”, ông nói với CNN.
Ngân sách hiện nay sẽ hết hạn vào ngày 30/9. Tuy nhiên, các quy định pháp lý vẫn sẽ hỗ trợ hoạt động của chính phủ cho đến cuối năm nay.
Nếu được thông qua, kế hoạch của đảng Dân chủ sẽ là đình chỉ việc áp dụng mức trần nợ công cho tới tháng 12/2022, sau kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ, cũng như duy trì hoạt động của chính phủ Mỹ cho đến cuối năm.
Trong khi đó, các nghị sĩ sẽ tiếp tục tranh luận về 2 dự luật chi tiêu lớn, gồm một gói dành cho cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD trong 8 năm và một gói dành cho chương trình xã hội trị giá 3.500 tỷ USD trong 10 năm. Tuy nhiên, số phận của kế hoạch này chưa rõ ràng khi đảng Cộng hòa tuyên bố không ủng hộ việc nâng trần nợ công.
Hiện đảng Dân chủ chiếm đa số trong Hạ viện Mỹ, nhưng lại chiếm ít ghế hơn tại Thượng viện. Điều này có nghĩa là đảng Dân chủ vẫn cần sự ủng hộ của một số thượng nghị sĩ Cộng hòa để thông qua kế hoạch trên.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đều khẳng định, các kế hoạch mà đảng Dân chủ công bố ngày 20/9 có thể giúp chính phủ tránh rơi vào tình trạng đóng cửa không cần thiết, đồng thời coi đây là các quy định pháp lý cần phải được thông qua.
Ông Schumer và bà Pelosi đều nhấn mạnh, người dân Mỹ đang mong đợi các nghị sĩ đảng Cộng hòa "cư xử có trách nhiệm", đồng thời cảnh báo nếu đảng Cộng hòa để xảy ra vỡ nợ, nền kinh tế đứng đầu thế giới có thể lâm vào tình trạng suy thoái.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nhắc lại không ủng hộ quan điểm của đảng Dân chủ. Trước đó, chính quyền ông Joe Biden cảnh báo, Mỹ sẽ phải đối mặt với một "thảm họa kinh tế" nếu quốc hội không đạt được thỏa thuận về tăng mức trần nợ công.